Giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:01 (GMT+7)

Bài viết trình bày về giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập; Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập. Các thành viên, hợp tác xã thành viên hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. 

Cơ sở pháp lý: Điều 54 Luật hợp tác xã 2012.

Giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là việc chấm dứt sự tồn tại của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Vấn đề giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện theo quy định của pháp luật.

Các phương thức giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể theo hai phương thức sau:

Thứ nhất: Giải thể tự nguyện

Đại hội thành viên, hợp tác xã thành viên quyết định việc giải thể tự nguyện và thành lập hội đồng giải thể tự nguyện. Hội đồng giải thể tự nguyện gồm đại diện hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, ban điều hành, đại diện của thành viên, hợp tác xã thành viên.

Khi hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không đạt được mục đích như ban đầu thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thể giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Việc quyết định giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được biểu quyết tán thành 85% tổng số đại biểu có mặt đồng ý tán thành trong đại hội thành viên.

Thứ hai: Giải thể bắt buộc.

Giải thể bắt buộc là việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã buộc phải làm theo và chấp nhận chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quyết định giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hoạt động trong 12 tháng liên tục;

+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không bảo đảm đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định trong 12 tháng liên tục;

+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không tổ chức được đại hội thành viên thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do;

+ Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký;

+ Theo quyết định của Tòa án.

Những quy định về trình tự giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Thứ nhất: Đối với giải thể tự nguyện.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đại hội thành viên ra nghị quyết giải thể tự nguyện, hội đồng giải thể tự nguyện có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

+ Thông báo về việc giải thể tới cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đăng báo địa phương nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong 03 số liên tiếp về việc giải thể;

+ Thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng; thực hiện việc xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định.

Thứ hai: Đối với giải thể bắt buộc.

Thủ tục giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:

+ Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ra quyết định giải thể và thành lập hội đồng giải thể. Chủ tịch hội đồng giải thể là đại diện của Ủy ban nhân dân; ủy viên thường trực là đại diện của cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký; ủy viên khác là đại diện của cơ quan nhà nước chuyên ngành cùng cấp, tổ chức đại diện, liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là thành viên của liên minh), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng trụ sở, hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, thành viên, hợp tác xã thành viên;

+ Hồ sơ giải thể bắt buộc gồm quyết định giải thể bắt buộc và giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải thể bắt buộc, hội đồng giải thể có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây: đăng báo địa phương nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã đăng ký trong 03 số liên tiếp về quyết định giải thể bắt buộc; thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về việc giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng; xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định.

Thứ ba: Ngay sau khi hoàn thành việc giải thể theo quy định, hội đồng giải thể phải nộp 01 bộ hồ sơ về việc giải thể, con dấu và bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký. Việc xử lý các tài liệu khác thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thứ tư: Cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải xóa tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong sổ đăng ký.

Cuối cùng: Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải thể bắt buộc, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật hợp tác xã.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư