Miễn nhiệm Chủ tịch công ty trong doanh nghiệp nhà nước thục hiện như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:54 (GMT+7)

Miễn nhiệm Chủ tịch công ty trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định điều 94, 99 Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 159/2020/NĐ-CP

Việc miễn nhiệm Chủ tịch công ty trong doanh nghiệp nhà nước được pháp luật quy định như thế nào? Luật Hoàng Anh xin được giải đáp thông qua bài viết này.

Pháp luật doanh nghiệp không có định nghĩa cụ thể nhưng theo Khoản 6 Điều 7 Luật Cán bộ công chức năm 2008 có thể hiểu miễn nhiệm là việc người được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

Khoản 1 Điều 99 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định việc miễn nhiệm Chủ tịch công ty được thực hiện tương tự Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng thành viên theo quy định tại Khoản 1 Điều 94 Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể, Chủ tịch công ty bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau:

1. Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện của Chủ tịch công ty theo quy định của pháp luật.

Các tiêu chuẩn và điều kiện đối với Chủ tịch công ty gồm: không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp; phải đáp ứng yêu cầu về năng lực như có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực, ngành, nghề hoạt động kinh doanh; không được là người quản lý doanh nghiệp thành viên, không được là người có quan hệ gia đình với

Pháp luật đặt ra tiêu chuẩn và điều kiện của Chủ tịch công ty trong doanh nghiệp nhà nước theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhằm đảm bảo lựa chọn được người có năng lực, không bỏ sót nhân tài. Theo đó, nếu Chủ tịch công ty không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện thì sẽ bị miễn nhiệm.

2. Có đơn xin từ chức và được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận bằng văn bản

Chủ tịch công ty nộp đơn xin từ chức trong trường hợp tự nguyện thôi giữ chức vụ để chuyển giao vị trí lãnh đạo cho cá nhân khác hoặc tự nhận thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc vị trí công tác không phù hợp hay vì một lý do cá nhân khác thì cơ quan đại diện chủ sở hữu có thẩm quyền xem xét chấp thuận.

Việc xem xét chấp thuận từ chức kéo dài nhiều nhất 10 ngày kể từ ngày nhận đơn xin từ chức của Chủ tịch công ty. Sau đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải trao đổi lại với Chủ tịch công ty về đơn xin từ chức. Nếu Chủ tịch công ty rút đơn thì dừng việc xem xét; trường hợp Chủ tịch công ty không rút đơn thì tập thể lãnh đạo doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu phải biểu quyết bằng phiếu kín. Theo đó, việc chấp thuận Chủ tịch công ty từ chức chỉ được thông qua nếu đạt trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu đồng ý (Khoản 1, Khoản 3 Điều 52 Nghị định 159/2020/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

3. Có quyết định điều chuyển, bố trí công việc khác hoặc nghỉ hưu

Trong trường hợp Chủ tịch công ty nhận được quyết định điều chuyển, bố trí công việc khác thì được miễn nhiệm để chuyển sang vị trí, công việc mới.

Trong trường hợp nghỉ hưu, thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 của tháng liền kề sau tháng người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Tuy nhiên, 06 tháng trước khi đến thời điểm nghỉ hưu, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải thông báo bằng văn bản về vấn đề này. Trước 03 tháng tính đến thời điểm Chủ tịch công ty nghỉ hưu theo quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải ban hành quyết định nghỉ hưu theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quyết định nghỉ hưu. (Điều 74, 75 Nghị định 159/2020/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

4. Không đủ năng lực, trình độ đảm nhận công việc được giao

Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện đánh giá Chủ tịch công ty dựa trên kết quả hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp và kết quả công tác của cá nhân: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc; chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nội quy, quy chế của doanh nghiệp; kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao; kết quả khắc phục hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra (nếu có); việc chấp hành, tuân thủ chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu (Điều 10, 11, 12 Nghị định 159/2020/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Theo đó, cơ quan đại diện sẽ xếp loại chất lượng thực hiện công việc theo 4 mức độ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ. (Điều 8 Nghị định 159/2020/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

Theo đó, nếu Chủ tịch công ty có hai năm liên tiếp xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể ra quyết định miễn nhiệm (Điều 53 Nghị định 159/2020/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

5. Không đủ sức khỏe hoặc không còn uy tín để giữ chức vụ Chủ tịch công ty.

Sức khỏe, uy tín là các tiêu chí quan trọng do luật định khi xét duyệt bổ nhiệm Chủ tịch công ty trong doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, nếu Chủ tịch công ty không đáp ứng được điều kiện về sức khỏe, uy tín thì cơ quan đại diện xem xét việc miễn nhiệm.

Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất việc miễn nhiệm, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định miễn nhiệm chức vụ đối với Chủ tịch công ty phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý (Khoản 2 Điều 53 Nghị định 159/2020/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

Chủ tịch công ty bị miễn nhiệm không được hưởng lương theo chức vụ, chức danh kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm.

Bài viết trên đã làm rõ các trường hợp miễn nhiệm Chủ tịch công ty trong doanh nghiệp nhà nước được tổ chức theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của pháp luât. Có thể thấy, pháp luật quy định khá rõ ràng và cụ thể về các trường hợp miễn nhiệm Chủ tịch công ty.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư