2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Một trong những điều kiện để doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động đó là doanh nghiệp phải có người đại diện theo pháp luật. Vậy pháp luật quy định như thế nào đối với người đại diện? Hãy cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu về chế định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp qua bài viết sau.
Khái niệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Như chúng ta đã biết chế định về người đại diện có nguồn gốc xuất pháp từ luật tư và được pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận trong đó có Việt Nam. Theo Bộ Luật dân sự 2015 “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Lấy cơ sở từ định nghĩa về người đại diện trong pháp luật dân sự, pháp luật doanh nghiệp đã đưa ra định nghĩa về người đại điện theo pháp luật trong doanh nghiệp cụ thể như sau: "Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật" ( khoản 1 điều 12 luật doanh nghiệp 2020). Như vậy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân nhân danh công ty để thực hiện các giao dịch dân sự và đại diện tham gia, tiến hành các hoạt động tố tụng trong và ngoài tòa án cho doanh nghiệp.
Từ khái niệm trên có thể rút ra một số đặc điểm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, người đại diện của doanh nghiệp phải là cá nhân và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Theo Bộ luật dân sự 2015 "Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự "( điều 19). Một cá nhân chỉ được coi là có đầy đủ năng lực hành vi dân sự khi đã đủ 18 tuổi và không bị tòa án tuyên bố là người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Quy định nhằm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp bởi người đại diện nhân danh công ty thực hiện các giao dịch dân sự do vậy người đại diện phải là người có năng lực nhận thức đầy đủ.
Thứ hai, khi thực hiện việc đại diện người đại diện nhân danh và vì lợi ích của doanh nghiệp. Người đại diện của doanh nghiệp chỉ được nhân danh doanh nghiệp tham gia giao kết và thực hiện các giao dịch dân sự vì lợi ích của của doanh nghiệp.
Thứ ba, người đại diện chỉ được nhân danh doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trong phạm vi đại diện. Các giao dịch do người đại diện xác lập chỉ có hiệu lực pháp lý khi giao dịch đó nằm trong phạm vi được đại diện. Bởi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, của người đại diện và bên thứ ba có phát sinh hay không phụ thuộc vào việc người đại diện có thực hiện đúng phạm vi đại diện của mình hay không. Do đó, khi giao kết một giao dịch dân sự đồi hỏi các bên phải nắm rõ đối phương đồng thời người đại diện phải cung cấp thông tin về phạm vi đại diện của mình.
Vai trò của người đại điện theo pháp luật.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp. Bởi người đại diện theo pháp luật là một trong các điều kiện pháp lý để doanh nghiệp được thành lập. Bên cạnh việc việc duy trì mối quan hệ với các chủ sở hữu của doanh nghiệp, với khách hàng, đối tác,... người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp còn nhân danh doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp như xác lập các giao dịch dân sự, đại diện cho doanh nghiệp tham gia tố tụng. Bởi doanh nghiệp là một pháp nhân có các quyền và nghĩa vụ trước pháp luật. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể tự mình thực các quyền và nghĩa vụ của mình mà quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp chỉ được thực hiện thông qua cơ chế người đại diện.
Số lượng người đại diện theo pháp luật.
Luật doanh nghiệp 2020 quy định về số lượng người đại diện theo pháp luật như sau: "Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan" ( Khoản 2 điều 12 Luật doanh nghiệp 2020 ).
Theo đó, pháp luật không quy định cụ thể doanh nghiệp phải có bao nhiêu người đại diện theo pháp luật. Doanh nghiệp có quyền được lựa chọn số lượng người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp và được ghi nhân trong điều lệ công ty. Song mỗi doanh nghiệp phải có ít nhất một người đại diện để thực hiện các công việc đại diện của công ty. Việc doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì doanh nghiệp phải làm rõ thẩm quyền của từng người đại diện tránh trường hợp có sự chồng chéo quyền giữa những người đại diện. Đồng thời việc phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện phải được ghi trong điều Điều lệ của doanh nghiệp. Trong trường hợp mà doanh nghiệp không phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật thì mỗi người đại diện đều đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba.
Bên cạnh đó pháp luật cũng quy định doanh nghiệp phải luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Bởi người đại diện theo pháp luật là người đại diện cho doanh nghiệp trong việc tổ chức nội bộ và giao dịch với bên ngoài. Do đó, để thực hiện tốt trách nhiệm của mình họ phải luôn có mặt ở công ty để thực hiện việc đại diện của mình. Trong trường hợp vắng mặt trên ba mươi ngày tại Việt Nam thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nhiệm vụ của người đại diện.
Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật.
Bên cạnh việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm sau:
"1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này." (điều 13 Luật doanh nghiệp 2020).
Như vậy, có thể hiểu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người nhân danh doanh nghiệp để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc xác lập các giao dịch dân sự, tham gia các hoạt động tố tụng của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là một chế định quan trọng trong pháp luật doanh nghiệp nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh