Nguyên tắc bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:43 (GMT+7)

hai nguyên tắc bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh: trách nhiệm phòng ngừa rủi do và quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ của Nhà đầu tư.

Nguyên tắc bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh dựa trên hai nguyên tắc sau đây:

1. Trách nhiệm phòng ngừa rủi do

Theo Khoản 1 Điều 32 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh như sau:

“Điều 32. Nguyên tắc bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh

1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam bảo đảm khả năng bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của thành viên bù trừ thông qua cơ chế phòng ngừa rủi ro quy định tại Điều 35 Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.”

Theo Khoản 1 Điều 35 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định về cơ chế phòng ngừa rủi ro tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam như sau:

“Điều 35. Cơ chế phòng ngừa rủi ro tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam

1. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được áp dụng các biện pháp sau để phòng ngừa rủi ro cho hệ thống thanh toán và bảo vệ nhà đầu tư:

a) Xác định và điều chỉnh các mức ký quỹ quy định;

b) Yêu cầu thành viên bù trừ đóng góp vào quỹ bù trừ;

c) Xác định và điều chỉnh giới hạn vị thế áp dụng cho thành viên bù trừ, nhà đầu tư;

d) Đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế mở của nhà đầu tư, thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán;

đ) Sử dụng quỹ bù trừ và thực hiện các biện pháp khác theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Nghị định này.”

Việc đóng góp vào quỹ bù trừ, trích lập các quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ của thành viên bù trừ, thành viên bù trừ có trách nhiệm đóng góp vào quỹ bù trừ bằng tiền hoặc chứng khoán. Hình thức đóng góp, mức đóng góp, phương thức quản lý và sử dụng quỹ bù trừ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Thành viên bù trừ có trách nhiệm trích lập quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ để bù đắp các tổn thất cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật, do sơ suất của nhân viên trong quá trình hoạt động. Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ được trích lập từ các khoản thu nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, thành viên bù trừ có trách nhiệm trích lập quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ chứng khoán phái sinh để sử dụng trong các trường hợp thiếu hụt ký quỹ, mất khả năng thanh toán và các trường hợp khác theo quy định. Việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ chứng khoán phái sinh của thành viên bù trừ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đối với việc ký quỹ của thành viên bù trừ, Thành viên bù trừ phải ký quỹ đầy đủ và kịp thời trên tài khoản đứng tên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ bao gồm tiền, chứng khoán đủ điều kiện ký quỹ theo quy định của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Việc ký quỹ của thành viên bù trừ được thực hiện đối với tất cả các vị thế mở đứng tên thành viên bù trừ, bao gồm vị thế mở của chính thành viên bù trừ và vị thế mở của nhà đầu tư, theo nguyên tắc sau: Mức ký quỹ được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tính toán cho vị thế mở trên từng tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư, thành viên bù trừ để xác định mức ký quỹ yêu cầu đối với từng nhà đầu tư của thành viên bù trừ; Tài sản mà nhà đầu tư ký quỹ với thành viên bù trừ được thành viên bù trừ sử dụng để ký quỹ cho vị thế của chính nhà đầu tư đó, không được sử dụng để ký quỹ cho nhà đầu tư khác hoặc cho vị thế của chính thành viên bù trừ.

Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xác định mức ký quỹ yêu cầu trên từng tài khoản của nhà đầu tư và tài khoản của thành viên bù trừ, xác định tổng giá trị tài sản ký quỹ yêu cầu mà thành viên bù trừ phải ký quỹ và giá trị tài sản ký quỹ bổ sung của thành viên bù trừ (nếu có).

Thành viên bù trừ có trách nhiệm bổ sung ký quỹ hoặc đóng một phần hoặc đóng toàn bộ vị thế theo yêu cầu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Trường hợp thành viên bù trừ không bổ sung đầy đủ, kịp thời, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có quyền đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế đứng tên thành viên bù trừ, bao gồm vị thế của chính thành viên bù trừ và vị thế của nhà đầu tư không nộp bổ sung ký quỹ đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

2. Quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ của Nhà đầu tư.

Theo Khoản 2 Điều 32 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định:

“2. Việc thanh toán, quyết toán giao dịch chứng khoán phái sinh bằng tiền giữa Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các thành viên bù trừ được thực hiện dưới hình thức chuyển khoản thông qua ngân hàng thanh toán theo quy định của pháp luật. Việc chuyển giao tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán được thực hiện trên hệ thống tài khoản lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.”

Thành viên bù trừ phải quản lý tách biệt tài khoản và tài sản ký quỹ tới từng nhà đầu tư; tách biệt với tài khoản và tài sản ký quỹ của chính mình, tách biệt giữa tài sản ký quỹ cho giao dịch chứng khoán phái sinh và tài sản ký quỹ cho giao dịch chứng khoán cơ sở theo nguyên tắc: trường hợp tài sản ký quỹ là tiền, thành viên bù trừ phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, quản lý tách biệt tiền gửi ký quỹ tới từng nhà đầu tư. Thành viên bù trừ có trách nhiệm phối hợp với ngân hàng và yêu cầu ngân hàng cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác về số dư tiền trên tài khoản của nhà đầu tư. Còn với trường hợp tài sản ký quỹ là chứng khoán, thành viên bù trừ quản lý tài sản này ngay trên tài khoản lưu ký của nhà đầu tư tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Trường hợp thành viên bù trừ bị phá sản theo quy định pháp luật về phá sản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư không phải là tài sản của thành viên bù trừ, và không được sử dụng để xử lý theo quy định pháp luật về phá sản, không được phân chia cho các chủ nợ của thành viên bù trừ hoặc phân chia cho các cổ đông, thành viên góp vốn của công ty dưới mọi hình thức. Tài sản này chỉ được sử dụng để thanh toán, bảo đảm thanh toán cho vị thế mở của nhà đầu tư. Phần tài sản còn lại sau khi đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư thì phải được hoàn trả ngay cho nhà đầu tư.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật chứng khoán.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư