Pháp luật quy định như thế nào về tăng, giảm vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:00 (GMT+7)

Bài viết trình bày về tăng, giảm vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. Hợp tác xã có một số đặc điểm như sau: là tổ chức kinh tế tập thể, tự nguyện tham gia của các thành viên, mang tính xã hội sâu sắc, mang tư cách pháp nhân, hoạt động tự chủ, bình đẳng, hợp tác xã phân phối thu nhập theo vốn góp của các thành viên và mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ, được hưởng các chính sách, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước.

Cơ sở pháp lý: Điều 43 Luật hợp tác xã 2012.

Khái quát về vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Thứ nhất: Khái niệm vốn điều lệ được quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật hợp tác xã 2012.

Vốn điều lệ là tổng số vốn do thành viên, hợp tác xã thành viên góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Thứ hai: Mức góp vốn điều lệ của thành viên, hợp tác xã thành viên.

+ Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.

+ Đối với liên hiệp hợp tác xã, vốn góp của hợp tác xã thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ của liên hiệp hợp tác xã.

Thứ ba: Thời hạn góp vốn điều lệ.

Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp.

Những quy định về tăng, giảm vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Theo Điều 43 Luật hợp tác xã quy định tăng, giảm vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:

Thứ nhất: Tăng vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tăng trong trường hợp đại hội thành viên quyết định tăng  mức vốn góp tối thiểu hoặc huy động thêm vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc kết nạp thành viên, hợp tác xã thành viên mới.

+ Vốn góp tối thiểu là số vốn mà cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân phải góp vào vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để trở thành thành viên, hợp tác xã thành viên.

Thứ hai: Giảm vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giảm khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên.

Các trường hợp trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên:

+ Chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên

 + Trả lại phần vốn vượt quá mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên vượt quá mức vốn tối đa quy định

Trường hợp vốn điều lệ giảm mà có thành viên, hợp tác xã thành viên có vốn góp vượt quá mức vốn góp tối đa  thì phải trả lại phần vốn vượt mức vốn góp tối đa theo quy định  hoặc huy động thêm vốn của thành viên, hợp tác xã thành, viên khác hoặc kết nạp thành viên, hợp tác xã thành viên mới để bảo đảm về tỷ lệ vốn góp tối đa theo quy định.

 Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong ngành, nghề yêu cầu phải có vốn pháp định thì vốn điều lệ sau khi giảm không được thấp hơn vốn pháp định áp dụng đối với ngành, nghề đó.

+ Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để có thể thành lập một doanh nghiệp. Vốn pháp định do cơ quan có thẩm quyền ấn định, mà nó được xem là có thể thực hiện được dự án doanh nghiệp. Vốn pháp định sẽ khác nhau tùy theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật hợp tác xã.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư