Quy định của pháp luật hiện hành về nhiệm vụ, yêu cầu, nguyên tắc, chuẩn mực và đối tượng trong hoạt động kế toán

Thứ ba, 31/01/2023, 17:00:35 (GMT+7)

bài viết sau đây trình bày về Quy định của pháp luật hiện hành về nhiệm vụ, yêu cầu, nguyên tắc, chuẩn mực và đối tượng trong hoạt động kế toán

Kế toán là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Từ quản lý ở phạm vi từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp cho đến quản lý ở phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Vậy kế toán là gì? Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về nhiệm vụ, yêu cầu, nguyên tắc chuẩn mực và đối tượng trong hoạt động kế toán? Hãy cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Kế toán là gì?

Khoản 8 Điều 3 Luật Kế toán 2015 đưa ra định nghĩa về kế toán như sau:

 Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động.

Đối tượng áp dụng

Điều 2 Luật Kế toán 2005 quy định đối tượng áp dụng của Luật này bao gồm:

- Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước.

- Tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước.

- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Hộ kinh doanh, tổ hợp tác.

- Người làm công tác kế toán.

- Kế toán viên hành nghề; doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ kế toán.

- Tổ chức nghề nghiệp về kế toán.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kế toán và hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.

Nhiệm vụ kế toán

Nhiệm vụ và yêu cầu của kế toán được xuất phát từ chức năng và sự hình thành của kế toán, là cung cấp thông tin về tài sản và sự vận động của tài sản để điều hành hoạt động kinh doanh.

Theo quy định tại Điều 4 Luật Kế toán 2015, nhiệm vụ kế toán bao gồm:

- Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

- Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán.

- Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.

- Cung cấp thông tin, số liệu kế toán theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu kế toán

Kế toán đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hành một doanh nghiệp vì nó giúp theo dõi thu nhập và chi tiêu, đảm bảo tuân thủ luật định và cung cấp cho các nhà đầu tư, ban quản lý và chính phủ thông tin tài chính định lượng có thể được sử dụng trong việc đưa ra các quyết định. Bởi vậy mà khi thực hiện hoạt động này cần tuân thủ những yêu cầu luật định cụ thể như sau:

Thứ nhất, phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính.

Thứ hai, phản ánh kịp thời, đúng thời gian quy định thông tin, số liệu kế toán.

Thứ ba, phản ánh rõ ràng, dễ hiểu và chính xác thông tin, số liệu kế toán.

Thứ tư,  phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính.

Thứ năm, thông tin, số liệu kế toán phải được phản ánh liên tục từ khi phát sinh đến khi kết thúc hoạt động kinh tế, tài chính, từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động của đơn vị kế toán; số liệu kế toán kỳ này phải kế tiếp số liệu kế toán của kỳ trước.

Thứ sáu, phân loại, sắp xếp thông tin, số liệu kế toán theo trình tự, có hệ thống và có thể so sánh, kiểm chứng được.

Nguyên tắc kế toán

Nguyên tắc kế toán là những quy định chung, có vai trò như những chuẩn mực, chỉ dẫn, hướng dẫn mà các kế toán viên phải áp dụng để phục vụ cho việc lập các báo cáo tài chính có liên quan đến công việc nhằm tạo ra tính thống nhất. Điều 6 Luật Kế toán 2015 quy định về các nguyên tắc kế toán bao gồm:

- Nguyên tắc giá gốc. Theo đó, giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính.

- Nguyên tắc nhất quán. Các quy định và phương pháp kế toán đã chọn phải được áp dụng nhất quán trong kỳ kế toán năm; trường hợp thay đổi các quy định và phương pháp kế toán đã chọn thì đơn vị kế toán phải giải trình trong báo cáo tài chính.

- Đơn vị kế toán phải thu thập, phản ánh khách quan, đầy đủ, đúng thực tế và đúng kỳ kế toán mà nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

- Báo cáo tài chính phải được lập và gửi cơ quan có thẩm quyền đầy đủ, chính xác và kịp thời. Thông tin, số liệu trong báo cáo tài chính của đơn vị kế toán phải được công khai theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 của Luật này.

- Đơn vị kế toán phải sử dụng phương pháp đánh giá tài sản và phân bổ các khoản thu, chi một cách thận trọng, không được làm sai lệch kết quả hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.

- Việc lập và trình bày báo cáo tài chính phải bảo đảm phản ánh đúng bản chất của giao dịch hơn là hình thức, tên gọi của giao dịch.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước ngoài việc thực hiện quy định trên còn phải thực hiện kế toán theo mục lục ngân sách nhà nước.

Chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề kế toán

Điều 7 Luật Kế toán 2015 quy định:

“1. Chuẩn mực kế toán gồm những quy định và phương pháp kế toán cơ bản để lập báo cáo tài chính.

2. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gồm những quy định và hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm kế toán, kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ kế toán.

3. Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.”

Theo đó có thể hiểu chuẩn mực kế toán là tiêu chuẩn chung để các doanh nghiệp lập và trình bày báo cáo tài chính, là căn cứ để các nhà đầu tư quan tâm có thể kiểm tra soát xét tính trung thực của Báo cáo tài chính

Tương tự như các quy chuẩn đạo đức trong xã hội, nghề kế toán cũng có những tiêu chuẩn đạo đức riêng buộc người làm nghề phải tuân theo. đạo đức nghề nghiệp là rất quan trọng đối với kế toán vì công việc của họ không chỉ gắn liền với những con số mà còn cả sự tồn tại, phát triển an toàn của doanh nghiệp trước pháp luật.

 Đối tượng kế toán

Với từng loại hoạt động khác nhau sẽ có đối tượng kế toán khác nhau. Cụ thể như sau:

- Đối tượng kế toán thuộc hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước, hành chính, sự nghiệp; hoạt động của đơn vị, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước gồm:

+ Tiền, vật tư và tài sản cố định;

+ Nguồn kinh phí, quỹ;

+ Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị kế toán;

+ Thu, chi và xử lý chênh lệch thu, chi hoạt động;

+ Thu, chi và kết dư ngân sách nhà nước;

+ Đầu tư tài chính, tín dụng nhà nước;

+ Nợ và xử lý nợ công;

+ Tài sản công;

+ Tài sản, các khoản phải thu, nghĩa vụ phải trả khác có liên quan đến đơn vị kế toán.

- Đối tượng kế toán thuộc hoạt động của đơn vị, tổ chức không sử dụng ngân sách nhà nước gồm tài sản, nguồn hình thành tài sản bao gồm:

+ Tiền, vật tư và tài sản cố định;

+ Nguồn kinh phí, quỹ;

+ Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị kế toán;

+ Thu, chi và xử lý chênh lệch thu, chi hoạt động;

+ Tài sản, các khoản phải thu, nghĩa vụ phải trả khác có liên quan đến đơn vị kế toán.

- Đối tượng kế toán thuộc hoạt động kinh doanh (trừ hoạt động ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính) gồm:

+ Tài sản;

+ Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu;

+ Doanh thu, chi phí kinh doanh, thu nhập và chi phí khác;

+ Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước;

+ Kết quả và phân chia kết quả hoạt động kinh doanh;

+ Tài sản, các khoản phải thu, nghĩa vụ phải trả khác có liên quan đến đơn vị kế toán.

- Đối tượng kế toán thuộc hoạt động ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính gồm:

+ Tài sản;

+ Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu;

+ Doanh thu, chi phí kinh doanh, thu nhập và chi phí khác;

+ Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước;

+ Kết quả và phân chia kết quả hoạt động kinh doanh;

+ Tài sản, các khoản phải thu, nghĩa vụ phải trả khác có liên quan đến đơn vị kế toán.

+ Các khoản đầu tư tài chính, tín dụng;

+ Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị kế toán;

+ Các khoản cam kết, bảo lãnh, giấy tờ có giá.

Kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán tổng hợp, kế toán chi tiết

Theo điều 9 Luật Kế toán 2015, kế toán ở đơn vị bao gồm: kế toán tài chính và kế toán quản trị.

Khi thực hiện từng công việc kế toán đơn vị phải thực hiện kế hoạch tổng hợp và kế toán chi tiết như sau:

- Đối với kế toán tổng hợp: phải thu thập, xử lý, ghi chép và cung cấp thông tin tổng quát về hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán. Kế toán tổng hợp sử dụng đơn vị tiền tệ để phản ánh tình hình tài sản, nguồn hình thành tài sản, tình hình và kết quả hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán. Kế toán tổng hợp được thực hiện trên cơ sở các thông tin, số liệu của kế toán chi tiết.

- Đối với kế toán chi tiết: phải thu thập, xử lý, ghi chép và cung cấp thông tin chi tiết bằng đơn vị tiền tệ, đơn vị hiện vật và đơn vị thời gian lao động theo từng đối tượng kế toán cụ thể trong đơn vị kế toán. Kế toán chi tiết minh họa cho kế toán tổng hợp. Số liệu kế toán chi tiết phải khớp đúng với số liệu kế toán tổng hợp trong một kỳ kế toán.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư