2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Ban kiểm soát có chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý cấp cao, đảm bảo tính trung thực, hợp pháp của hoạt động quản lý điều hành trong công ty cổ phần. Theo đó, Kiểm soát viên phải có năng lực và kinh nghiệm nhất định. Vậy tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên trong công ty cổ phần được quy định như thế nào? Luật Hoàng Anh xin được giải đáp thông qua bài viết này.
Theo Khoản 1 Điều 169 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“Điều 169. Tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên
1. Kiểm soát viên phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Không thuộc đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này;
b) Được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
c) Không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;
d) Không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
đ) Tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.”
Như vậy, Kiểm soát viên của công ty cổ phần cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, không thuộc các đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
Thứ hai, có năng lực chuyên môn về hoạt động quản lý, quản trị, tài chính, pháp luật của doanh nghiệp hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một điều kiện mới so với Luật Doanh nghiệp 2014. Có thể thấy, sự sửa đổi của Luật Doanh nghiệp 2020 là hợp lý và tiến bộ, bởi Kiểm soát viên có quyền và nghĩa vụ trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý cấp cao, đảm bảo tính trung thực, hợp pháp của hoạt động quản lý điều hành trong công ty cổ phần, theo đó, việc đáp ứng về những năng lực, kiến thức chuyên môn liên quan là cần thiết.
Thứ ba, không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác.
Theo Khoản 22 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 giải thích:
“22. Người có quan hệ gia đình bao gồm: vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh ruột của vợ, anh ruột của chồng, chị ruột của vợ, chị ruột của chồng, em ruột của vợ, em ruột của chồng.”
Như vậy, Kiểm soát viên không được là vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh ruột của vợ, anh ruột của chồng, chị ruột của vợ, chị ruột của chồng, em ruột của vợ, em ruột của chồng của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong công ty cổ phần.
Thứ tư, không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Theo Khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 giải thích:
“24. Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.”
Do Ban kiểm soát có chức năng giám sát hoạt động Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty cổ phần, theo đó, Kiểm soát viên không thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty. Tuy nhiên, Kiểm soát viên cũng không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động trong công ty.
Theo Khoản 2 Điều 169 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“2. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, Kiểm soát viên công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ và tại công ty.”
Như vậy, đối với các công ty cổ phần là doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước năm giữ trên 50% vốn điều lệ, trừ những doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì Kiểm soát viên không được là:
- Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh ruột của vợ, anh ruột của chồng, chị ruột của vợ, chị ruột của chồng, em ruột của vợ, em ruột của chồng của Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty và công ty mẹ;
- Người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ và tại công ty.
Như vậy, thông qua bài viết này, Luật Hoàng Anh đã làm rõ những quy định pháp luật về tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên trong công ty cổ phần. Có thể thấy xuất phát từ chức năng giám sát hoạt động quản lý và người quản lý trong công ty, theo đó, các điều kiện trên đều để đảm bảo tính hiệu quả là thành viên Ban kiểm soát phải độc lập với người quản lý trong công ty.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh