2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
KIỂM SÁT - HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG?
1. Khi nhắc đến hoạt động kiểm sát, chúng ta thường nghĩ tới “Kiểm sát viên”, “Viện kiểm sát”. Vậy kiểm sát là gì? Kiểm sát hoạt động tư pháp được thể hiện như thế nào?
2. “Kiểm” là hoạt động kiểm tra tính tuân thủ, tuân theo Pháp luật, “Sát” là giám sát. Có thể hiểu, “Kiểm sát” là hoạt động kiểm tra và giám sát việc chấp hành pháp luật. Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước. Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp là chức năng Hiến định của Viện kiểm sát nhân dân nhằm kiểm tra, giám sát trực tiếp các hoạt động cụ thể của các cơ quan tư pháp và các cơ quan được giao một số hoạt động điều tra trong quá trình tố tụng như: Kiểm lâm, Hải quan, Cảnh sát biển …. Hoạt động này được thực hiện bởi các Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng, bởi Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự, trên cơ sở nguyên tắc tổ chức và quy chế hoạt động của Viện kiểm sát.
3. Mục đích của kiểm sát hoạt động tư pháp là nhằm đảm bảo cho pháp luật được áp dụng và thi hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất trong suốt quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử cho tới thi hành án. Trong các giai đoạn tố tụng hình sự, Viện kiểm sát có trách nhiệm áp dụng những biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, cá nhân nào.
4. Chúng ta thường nhầm lẫn giữa khái niệm “kiểm sát” và “kiểm soát”. Cần phân biệt rõ hai khái niệm nêu trên. Từ điển tiếng Việt đã nêu rõ định nghĩa về hai khái niệm này như sau: Kiểm sát là kiểm tra và giám sát việc chấp hành pháp luật của nhà nước trong khi đó kiểm soát là ngăn chặn những gì trái với quy định, đặt trong phạm vi quyền hành của mình.[1]
Về bản chất, có thể hiểu nghĩa “kiểm soát” rộng hơn so với nghĩa của “kiểm sát” khi khái niệm "kiểm sát" thể hiện rõ tính quyền lực nhà nước, là chức năng của Viện kiểm sát nhân dân đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp cũng như Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014[2], còn kiểm soát được áp dụng linh hoạt trong nhiều trường hợp và không bắt buộc phải mang tính quyền lực nhà nước. Ví dụ: Ban kiểm soát trong Công ty cổ phần, Kiểm soát viên trong các tổ chức tín dụng,…
Tóm lại, “kiểm sát” là hoạt động mang tính chất quyền lực nhà nước nhằm kiểm tra, giám sát tính tuân thủ, tuân theo Pháp luật của Cơ quan tư pháp là Viện kiểm sát nhân dân với tổ chức bộ máy và quy chế hoạt động theo quy định của ngành kiểm sát, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam xã hội chủ nghĩa vững mạnh, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.[3]
Luật Hoàng Anh
[1] Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê, 2003
[2] Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Điều 2, Khoản 1
[3] Định hướng công tác kiểm sát, Trường Đại học kiểm sát.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh