Cấu thành tội phạm là gì? Các yếu tố của cấu thành tội phạm?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:48 (GMT+7)

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Mỗi trường hợp phạm tội cụ thể của mỗi tội phạm nhất định đều có những biểu hiện riêng biệt. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp phạm tội của mỗi tội phạm nhất định nêu trên đều có những nội dung biểu hiện giống nhau để thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội phạm. Khi quy định tội phạm, nhà làm luật đã sử dụng các dấu hiệu chung này để mô tả tội phạm, từ đó khái niệm Cấu thành tội phạm ra đời.

Có thể hiểu, cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Cấu thành tội phạm bao gồm:

- Chủ thể của tội phạm: là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại cụ thể có năng lực TNHS thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, đối với một số tội phạm nhất định như các tội phạm thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ,… chủ thể còn phải có thêm các đặc điểm đặc thù thì mới thỏa mãn điều kiện để trở thành chủ thể của tội phạm. Ví dụ đối với “Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 355 Bộ luật hình sự 2015, chủ thể phạm tội phải là “người có chức vụ, quyền hạn” thì mới thỏa mãn điều kiện để trở thành chủ thể của tội phạm này.

- Khách thể của tội phạm: là quan hệ xã hội bị tội phạm xâm phạm. Bất kể hành vi phạm tội nào cũng đều gây thiệt hại hoặc hướng tới gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội nhất định được luật hình sự bảo vệ.

- Mặt khách quan của tội phạm: là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm. Bao gồm, hành vi khách quan có tính gây thiệt hại (hành vi phạm tội), hậu quả thiệt hại gây ra (hậu quả của tội phạm) và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi đó gây ra. Tội phạm cụ thể nào cũng đều có những biểu hiển của mặt khách quan được thể hiện ra bên ngoài.

- Mặt chủ quan của tội phạm: là những biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm. Trong đó, yếu tố lỗi là yếu tố cơ bản. Chủ thể của tội phạm phải có lỗi khi thực hiện hành vi khách quan có tính gây thiệt hại.

Những dấu hiệu bắt buộc phải có trong tất cả các Cấu thành tội phạm là:

- Dấu hiệu hành vi thuộc yếu tố mặt khách quan của tội phạm; phải có hành vi cụ thể (có thể là hành động hoặc không hành động) thì khi đó, vấn đề có thỏa mãn cấu thành tội phạm hay không hoặc có phạm tội hay không mới được đặt ra.

- Dấu hiệu lỗi thuộc yếu tố mặt chủ quan của tội phạm; như đã nêu trên, lỗi là yếu tố cơ bản thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Lỗi có thể là lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý. Việc xác định lỗi trong cấu thành tội phạm giúp chúng ta phân biệt hành vi khách quan thuộc loại tội phạm nào.

- Dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự thuộc yếu tố chủ thể của tội phạm. Chỉ các chủ thể có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự mới phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phạm tội mà mình gây ra. Do đó, vấn đề trách nhiệm hình sự là vấn đề bắt buộc để xác định hành vi phạm tội đó có thỏa mãn cấu thành tội phạm hay không và có phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm đó hay không.

Đây là ba dấu hiệu tối thiểu phải được mô tả trong cấu thành tội phạm để xác định tội phạm và để phân biệt tội phạm này với tội phạm khác.

Ngoài ba dấu hiệu bắt buộc nêu trên, các dấu hiệu khác của bốn yếu tố của tội phạm đều là những dấu hiệu không đòi hỏi phải có trong mọi cấu thành tội phạm như dấu hiệu hậu quả của tội phạm, dấu hiệu địa điểm phạm tội, dấu hiệu mục đích phạm tội, dấu hiệu động cơ phạm tội… Những dấu hiệu này chỉ được mô tả trong cấu thành tội phạm khi tội phạm có tính đặc trưng, cần thiết cho việc phân biệt giữa các loại tội phạm. Ví dụ như “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” được quy định tại Điều 158 Bộ luật hình sự 2015, dấu hiệu địa điểm phạm tội là “chỗ ở của người khác“ là dấu hiệu có tính đặc trưng khi xác định tội phạm được đưa vào mô tả trong cấu thành tội phạm và là dấu hiệu cần thiết để xác định và phân biệt đối với các trường hợp khác không phạm tội này.

Như vậy, cấu thành tội phạm là một khái niệm pháp lý được sử dụng trong ngành luật hình sự, bao gồm các yếu tố cấu thành là chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan của tội phạm. Việc xác định cấu thành tội phạm giúp xác định và phân biệt các loại tội phạm. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác định tội danh, định tội danh, xác định hình phạt, đặc biệt đối với những loại tội có nhiều dấu hiệu nhận diện giống nhau. Việc hiểu rõ cấu thành tội phạm giúp người làm luật cũng như người áp dụng pháp luật có cách hiểu chính xác nhất và toàn diện nhất đối với từng loại tội phạm cụ thể.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư