Bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" thuộc về cá nhân hay tổ chức nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:59 (GMT+7)

Bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" thuộc về cá nhân hay tổ chức nào

Bài hát Tiến quân ca

Theo hồi ký của nhà thơ, họa sĩ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao), “Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác cuối năm 1944 tại Hà Nội khi sự nghiệp cách mạng Việt Nam đang có những bước chuyển hết sức quan trọng hướng đến thời điểm lịch sử Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã lựa chọn bài hát “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Cộng hòa xã hội của nghĩa Việt Nam. Theo Bác, bài “Tiến quân ca” của Văn Cao vừa ngắn gọn, hùng tráng, dễ hát, dễ phổ biến rộng rãi, phù hợp trở thành Quốc ca.

Ngày 19/8/1945, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), trước hàng nghìn quần chúng cách mạng, nhạc sĩ Văn Cao chỉ huy đội đồng ca thiếu nhi tiền phong hát vang bài “Tiến quân ca” trong niềm tự hào khôn tả. Từ đây, âm hưởng hào hùng của “Tiến quân ca” được dịp lan tỏa, trở thành hồi kèn xung trận, đồng hành, giục giã các tầng lớp quần chúng lao khổ khắp mọi miền đất nước cùng đứng lên giành chính quyền, góp phần làm nên thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tiếp đó, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió mùa thu, hàng chục vạn người dân Thủ đô đã đồng thanh hát vang bài “Tiến quân ca” trong niềm tự hào, phấn khích tột độ. Và trong giờ phút lịch sử trọng đại, dưới ánh Quốc kỳ và âm hưởng Quốc ca thiêng liêng, hùng tráng ấy, Bác Hồ đã thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[1]

Điều 13 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định:

"Điều 13.

...

3. Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca."

Những ngày gần đây, ồn ào về việc VTV (Đài truyền hình Việt Nam) lên án và phản ánh BH Media nắm giữ bản quyền sở hữu ca khúc như Tiến Quân Ca nhận được rất nhiều chú ý. Bài hát Tiến Quân Ca - Quốc ca do VTV phát trong tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bị đánh gậy bản quyền audio. Sự việc cũng khiến nhiều nghệ sĩ và dư luận bức xúc khi sản phẩm trí tuệ cá nhân lại bị một đơn vị khác ngang nhiên thông báo sở hữu bản quyền một cách vô lý.

Trước sự việc này, BH Media đã thông tin đến truyền thông để giải thích rõ sự việc. Đơn vị này khẳng định, không có chuyện BH Media "đánh gậy bản quyền" mà những hình ảnh được chia sẻ đều là thư thông báo xác nhận tự động của YouTube khi phát hiện sự trùng khớp của "bản ghi".

Điều khoản của Youtube liên quan đến bản quyền

Ở nhiều quốc gia, khi một người sáng tạo một tác phẩm nguyên gốc, cố định trong một phương tiện hữu hình, thì người này nghiễm nhiên sở hữu bản quyền đối với tác phẩm đó. Với tư cách là chủ sở hữu bản quyền, chỉ riêng người này mới có quyền sử dụng tác phẩm. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ chủ sở hữu bản quyền mới có thể cho phép người khác sử dụng tác phẩm đó.

Người sáng tạo nội dung trên youtube chỉ nên tải lên những video mà họ đã làm hoặc những video mà họ được phép sử dụng. Điều đó có nghĩa là họ không được tải lên video mà họ không tạo ra hoặc sử dụng nội dung trong video của họ mà người khác sở hữu bản quyền, chẳng hạn như bản nhạc, đoạn trích của chương trình có bản quyền hoặc video do người dùng khác tạo mà không có sự cho phép cần thiết.

Youtube đã tạo "Thư viện âm thanh của YouTube" để giúp Người sáng tạo nội dung trên youtube sử dụng lại nội dung một cách an toàn bằng cách cung cấp nhạc và hiệu ứng âm thanh chất lượng cao miễn phí.

Loại tác phẩm nào được bảo hộ bản quyền?

Theo quy định của youtube, những tác phẩm được bảo hộ về bản quyền bao gồm:

- Tác phẩm nghe nhìn, chẳng hạn như chương trình truyền hình, phim và video trực tuyến

- Bản ghi âm và sáng tác nhạc

- Tác phẩm viết, chẳng hạn như các bài giảng, bài báo, sách và bản soạn nhạc

- Tác phẩm hình ảnh, chẳng hạn như tranh vẽ, áp phích và quảng cáo

- Trò chơi điện tử và phần mềm máy tính

- Tác phẩm kịch, chẳng hạn như các vở kịch và nhạc kịch

Các ý tưởng, dữ kiện và quy trình không được bảo hộ bản quyền. Theo luật bản quyền, để đủ điều kiện được bảo hộ bản quyền, một tác phẩm phải có tính sáng tạo và phải được cố định trong một phương tiện hữu hình. Tên và tiêu đề không được bảo hộ bản quyền.

Youtube có quyết định quyền sở hữu bản quyền?

Câu trả lời là không. Youtube không có quyền quyết định về quyền sở hữu bản quyền. YouTube không thể hòa giải các trường hợp kháng nghị về quyền sở hữu. Khi nhận được thông báo yêu cầu gỡ bỏ đầy đủ và hợp lệ, Youtube sẽ xóa nội dung theo yêu cầu của pháp luật. Khi nhận được thông báo phản đối hợp lệ, Youtube sẽ chuyển tiếp thông báo đó cho người đã yêu cầu xóa video. Sau đó, các bên liên quan có trách nhiệm giải quyết vấn đề này trước tòa án.

Bản quyền có giống nhãn hiệu hay không?

Bản quyền và nhãn hiệu là hai thuật ngữ hoàn toàn khác nhau. Bản quyền chỉ là một dạng tài sản trí tuệ. Còn nhãn hiệu giúp bảo vệ tên thương hiệu, khẩu hiệu, biểu tượng và các yếu tố nhận dạng nguồn khác không bị người khác sử dụng cho một số mục đích nhất định.

Bản quyền cũng khác với bằng sáng chế. Bằng sáng chế là công cụ để bảo vệ những phát minh mới, lần đầu được phát minh ra.

Giấy phép Creative Commons trên youtube

Giấy phép Creative Commons là cách thức để người sáng tạo nội dung cấp quyền sử dụng tác phẩm của họ cho người khác. YouTube cho phép người sáng tạo đánh dấu video của họ là có giấy phép Creative Commons (CC BY).

Nếu đã đánh dấu video là có giấy phép CC BY thì bạn vẫn giữ bản quyền. Những người sáng tạo khác được phép sử dụng lại tác phẩm của bạn theo các điều khoản của giấy phép đó.

Cách thức "đánh gậy" bản quyền của YouTube

Người sáng tạo nội dung chỉ có thể sử dụng giấy phép Creative Commons đối với nội dung nguyên gốc 100%. Nếu video của họ có thông báo xác nhận quyền sở hữu qua Content ID, thì bạn không thể đánh dấu video của mình là có giấy phép Creative Commons.

Content ID là một hệ thống tự động có thể mở rộng của YouTube. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ.

Ở vai trò chủ sở hữu bản quyền, người sáng tạo nội dung cung cấp cho YouTube bản sao tệp đối chiếu của nội dung đủ điều kiện. Để so khớp nội dung, YouTube sử dụng tệp đối chiếu này để quét những video tải lên. Khi tìm thấy video trùng khớp, YouTube sẽ áp dụng chính sách mà người sáng tạo muốn dùng: chính sách kiếm tiền, theo dõi hoặc chặn video có liên quan.

Để thêm nội dung có bản quyền của người sáng tạo vào hệ thống quản lý nội dung của YouTube, họ cần cung cấp các tệp đối chiếu (âm thanh, hình ảnh hoặc nghe nhìn) và siêu dữ liệu mô tả nội dung cùng những lĩnh vực mà người sáng tạo có quyền sở hữu nội dung đó.

Tương ứng với từng mục người sáng tạo cung cấp, YouTube sẽ tạo một tài sản trong hệ thống quản lý nội dung. Tùy theo loại nội dung và phương thức cung cấp mà họ chọn, YouTube cũng tạo một video có thể xem trên YouTube, một tệp đối chiếu để so khớp trong Content ID hoặc tạo cả hai nội dung này.

Content ID liên tục so sánh các video mới tải lên với những tệp đối chiếu cho tài sản của người sáng tạo. Content ID đại diện cho tài sản của người sáng tạo và tự động xác nhận quyền sở hữu đối với những video trùng khớp. Lúc này, chính sách trùng khớp mà người sáng tạo đã chỉ định sẽ có hiệu lực trên những video đã được xác nhận quyền sở hữu trước khi những video này được xuất bản trên YouTube.

Vấn đề bản quyền theo quy định của Pháp luật Việt Nam

Theo Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005; sửa đổi bổ sung năm 2009 và năm 2019 (sau đây gọi tắt là Luật sở hữu trí tuệ), bản quyền chính là quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Trong đó, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Và quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Bài hát "Tiến quân ca" là tác phẩm được bảo hộ về quyền tác giả

Khoản 1 Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả. Nhạc sĩ Văn Cao là người trực tiếp sáng tác ra tác phẩm "Tiến quân ca", do đó, nhạc sĩ Văn Cao là tác giả có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ và Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả và quyền liên quan:

" Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn."

Từ đó khẳng định, Bài hát "Tiến quân ca" là một tác phẩm âm nhạc thuộc các loại hình được bảo hộ quyền tác giả.

Nội dung, giới hạn quyền và thời gian bảo hộ quyền tác giả

Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Thứ nhất, quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

- Đặt tên cho tác phẩm;

- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Đối với bài hát "Tiến quân ca", hiện chưa có dấu hiệu của việc xâm phạm quyền nhân thân đối với tác phẩm này.

Thứ hai, Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

- Làm tác phẩm phái sinh;

- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

- Sao chép tác phẩm;

- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Vụ việc VTV lên án BH Media đang nắm giữ bản quyền sở hữu ca khúc Tiến quân ca, và youtube đã đánh gậy bản quyền đối với ca khúc này, liên quan trực tiếp đến các quyền tài sản của tác giả hoặc chủ sở hữu, đặc biệt là quyền " Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác".

Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.

Theo quy định tại Điều 27 của Luật sở hữu trí tuệ thì tác phẩm có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết. Từ quy định này có thể thấy ca khúc vẫn còn ở trong thời hạn bảo hộ do nhạc sĩ Văn Cao mất vào năm 1995 đến hiện tại mới được 21 năm.

Do tác phẩm vẫn còn trong thời hạn bảo hộ nên việc các cá nhân, tổ chức biểu diễn ca khúc tại buổi biểu diễn có thu hoặc sử dụng vào mục đích thương mại khác thì phải xin phép và trả thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Tuy nhiên, tổ chức cá nhân được sử dụng trong các trường hợp sinh hoạt văn hóa, chính trị, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào, thì tổ chức, cá nhân không phải xin phép và không phải trả nhuận bút, thù lao cho tác giả (nay là các đồng thừa kế của tác giả). Vì vậy, VTV phát ca khúc này trong đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thể hiện tinh thần yêu nước, tiếc thương đối với sự ra đi của người anh cả của Cách mạng Việt Nam mà bị đánh bản quyền là trái với quy định pháp luật.

Quyền của chủ sở hữu quyền tác giả

Ngoài tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, Luật sở hữu trí tuệ còn quy định về trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả cũng là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.

Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.

Đối với vụ ồn ào xoay quanh bài hát "Tiến quân ca", chủ sở hữu mà chúng ta quan tâm ở đây là tác giả bài hát, tổ chức BH Media hay là Nhà nước?

Theo quy định của Điều 37 Luật sở hữu trí tuệ:

" Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này."

Tuy nhiên, Nhạc sĩ Văn Cao đã qua đời, do đó, người thừa kế quyền sở hữu là vợ và các con của cố nhạc sĩ theo quy định tại Điều 40 Luật sở hữu trí tuệ.

Phản đối ý kiến cho rằng BH Media đang sở hữu trái phép bài hát Tiến quân ca của VTV, BH Media khẳng định là không chính xác bởi quyền tác giả của ca khúc vĩnh viễn thuộc về nhạc sĩ Văn Cao.

Còn bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio bỏ tiền ra sản xuất, theo Luật sở hữu trí tuệ, Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi này và Hồ Gươm Audio đã ủy quyền quản lý, khai thác trên YouTube cho BH Media.

Mặc dù năm 2016, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có công văn gửi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đề nghị dừng thu phí bản quyền ca khúc Tiến quân ca do gia đình cố nhạc sĩ đã có thư hiến tặng cho nhân dân và nhà nước, nhưng nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, tiền bạc ra làm một bản ghi Tiến quân ca, theo Luật sở hữu trí tuệ, họ là nhà sản xuất, là chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan). Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi của họ đều phải xin phép.

Ở trường hợp cụ thể đang phản ánh thì Hồ Gươm Audio là nhà sản xuất và là chủ sở hữu của bản ghi Tiến quân ca, nên tổ chức, cá nhân muốn sử dụng bản ghi này đều phải xin phép Hồ Gươm Audio. Sau khi Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý, khai thác bản ghi này trên YouTube cho BH Media thì tổ chức, cá nhân muốn sử dụng bản ghi này đều phải xin phép BH Media.

Quay lại một chút với chúng sách về bản quyền của youtube, Content ID liên tục so sánh các video mới tải lên với những tệp đối chiếu cho tài sản của người sáng tạo. Content ID đại diện cho tài sản của người sáng tạo và tự động xác nhận quyền sở hữu đối với những video trùng khớp. Lúc này, chính sách trùng khớp mà người sáng tạo đã chỉ định sẽ có hiệu lực trên những video đã được xác nhận quyền sở hữu trước khi những video này được xuất bản trên YouTube.

Như vậy, BH Media (hay Hồ Gương Audio) đã xác lập quyền sở hữu đối với bản ghi Tiến quân ca từ rất sớm. Từ đó mới xảy đến vấn đề Content ID của youtube tụ động đối chiếu ca khúc Tiến quân ca được phát trong tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gương Media sản xuất.

Luật Hoàng Anh


[1] https://www.baohanam.com.vn/van-hoa/am-nhac/quoc-ca-tien-quan-ca-tac-pham-bat-hu-di-cung-nam-thang-36333.html, truy cập ngày 05/11/2021.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư