2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Biện pháp “bắt buộc chữa bệnh” là một biện pháp tư pháp thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội. Như vậy, ai là người phải chịu áp dụng biện pháp này? Luật Hoàng Anh trả lời câu hỏi này trong bài viết dưới đây.
Điều 49 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về biện pháp tư pháp bắt buộc chưa bệnh.
“Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh
1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.”
Cho dù người phạm tội có thực hiện hành vi nguy hiểm như thế nào đối với xã hội, gây ra hậu quả ra sao thì khi có cơ sở xác định người phạm tội mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì yêu cầu tiên quyết được đặt ra là áp dụng biện pháp tư pháp “bắt buộc chữa bênh” đối với người phạm tội. Biện pháp này được đặt ra kể cả khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật hình sự:
“Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Điều 49 Bộ luật hình sự quy định 03 trường hợp bắt buộc chữa bệnh như sau:
Trường hợp thứ nhất, đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này. Đây là trường hợp mà một người trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì bản thân họ đã “mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi”, nếu không bị bệnh thì chắc chắn hành vi này đã không xảy ra trên thực tế vì khi đó họ có đầy đủ nhận thức để điều khiển hành vi của mình như thế nào cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội và qui định của pháp luật. Do đó, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp thứ hai, khác với trường hợp đầu tiên, người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Nói cách khác, người đó “mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi” sau khi thực hiện hành vi nhưng trước khi bị kết án.
Mặc dù cũng mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nhưng những người này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh do mình đã thực hiện trong lúc có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Tuy nhiên, do đang trong tình trạng không còn khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi nên không thể tiếp tục buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự mà trách nhiệm này sẽ bị gián đoạn cho đến khi người phạm tội khỏi bệnh.
Tòa án sẽ căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, và quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp thứ ba, người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Trường hợp này, Tòa án cũng căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, và quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Tuy nhiên, trường hợp này, Khoản 3 Điều 49 Bộ luật hình sự quy định “Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”. Điều này có nghĩa, thời gian chữa bệnh bao lâu thì được trừ vào thời hạn hình phạt tù còn lại, nếu khi khỏi bệnh mà thời gian điều trị bằng hoặc dài hơn phần thời hạn còn lại của hình phạt tù thì người phạm tội không phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù nữa.
Tóm lại, cả ba trường hợp áp dụng biện pháp “bắt buộc chữa bệnh” đều phải giải quyết triệt để vấn đề bệnh lý của người phạm tội, chỉ khi người phạm tội khỏi bệnh hoàn toàn thì mới được tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tiếp tục thực hiện án phạt tù còn lại. Nếu bệnh của người phạm tội chưa khỏi hoàn toàn thì người phạm tội phải tiếp tục điều trị tại cơ sở điều trị theo quyết định của Tòa án.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh