Biện pháp khiển trách là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:52 (GMT+7)

Khiển trách là biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại Điều 93 BLHS

Khiển trách là một trong ba biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự. Đây là biện pháp nhẹ nhất trong 03 biện pháp được áp dụng để giáo dục, phòng ngừa người dưới 18 tuổi tiếp tục thực hiện hành vi nguy  hiểm cho xã hội.

1. Căn cứ pháp lý

Điều 93 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về khiển trách như sau:

Điều 93. Khiển trách

1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;

b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;

b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;

c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.

4. Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.”

2. Đối tượng mục đích áp dụng

2.1. Đối tượng áp dụng khiển trách

Đối tượng áp dụng của biện pháp này gồm 02 trường hợp:

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), 141 (Tội hiếp dâm), 171 (Tội cướp giật tài sản), 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), 249(Tội tàng trữ trái phép chất ma túy), 250(Tội vận chuyển trái phép chất ma túy), 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy) và 252 (Tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật hình sự.

- Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Trong một vụ án đồng phạm, người tham gia có thể giữ những vai trò khác nhau như người tổ chức, chủ mưu, người thực hành, người giúp sức v.v…tuy nhiên điều kiện áp dụng ở đây là có vai trò không đáng kể. Do vậy, thông thường thì vai trò đồng phạm ở đây sẽ là người giúp sức bởi lẽ những vai trò còn lại đều có đóng góp đáng kể trong vụ án.

2.2 Mục đích áp dụng khiển trách

Khiển trách là một biện pháp giám sát giáo dục nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ.

3. Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khiển trách

Thẩm quyền áp dụng biện pháp này gồm 03 cơ quan có thẩm quyền:

- Cơ quan điều tra: đây là cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

- Viện kiểm sát: cơ quan tiến hành tố tụng giai đoạn truy tố vụ án hình sự.

- Tòa án: cơ quan tiến hành tố tụng có thâm quyền xét xử vụ án hình sự.

Như đã biết, biện pháp khiển trách là biện pháp áp dụng trong trường hợp người phạm tội dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, việc miễn trách nhiệm hình sự có thể được thực hiện trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình chứ không bắt buộc phải ở giai đoạn cuối cùng là xét xử. Khi thực hiện việc miễn trách nhiệm hình sự ở giai đoạn nào thì cơ quan có trách nhiệm ở giai đoạn đó sẽ là chủ thể có quyền quyết định áp dụng biện pháp khiển trách.

Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ cho người phải chịu khiển trách từ 03 tháng đến 01 năm. Và khi thực hiện việc khiển trách bắt buộc phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

4. Nghĩa vụ của người bị khiển trách

Người bị khiển trách phải thực hiện 03 nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;

b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;

c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.

Nghĩa vụ trình diện trước cơ quan có thẩm quyền thể hiện rằng, thời điểm cơ quan thực hiện biện pháp giám sát giáo dục là khiển trách có yêu cầu, người bị khiển trách phải đến trình diện theo đúng quy định. Tuy nhiên Điều 22 Số: 37/2018/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2018 quy định trường hợp vắng mặt của người bị khiển trách trại nơi cư trú như sau:

- Người được giám sát, giáo dục được phép vắng mặt tại nơi cư trú, nếu có lý do chính đáng và phải thực hiện khai báo tạm vắng.

- Việc vắng mặt tại nơi cư trú có thể được thực hiện nhiều lần nhưng mỗi lần không quá 30 ngày và tổng thời gian vắng mặt không được vượt quá một Phần ba thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư