BLTTHS 2015 quy định về lựa chọn người bào chữa như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:07 (GMT+7)

Bài viết trình bày về nội dung quy định lựa chọn người bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Quyền bào chữa của người bị buộc tội luôn là vấn đề quan trọng vì gắn liền với quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp quy định. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, quyền của người bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về lựa chọn người bào chữa được quy định như sau:

“Điều 75. Lựa chọn người bào chữa

1. Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.

2. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

Trong thời hạn 24 giờ kể khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

3. Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa.

4. Người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận từ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương trở lên cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.”

2. Nội dung quy định về việc lựa chọn người bào chữa

Điều luật được xây dựng trên cơ sở tách ra từ Điều 57 BLTTHS 2003 (có sửa đổi, bổ sung) quy định về quyền và thủ tục lựa chọn người bào chữa.

Những chủ thể sau đây có quyền lựa chọn người bào chữa cho người bị buộc tội:

- Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015.

- Người đại diện của người bị buộc tội;

- Người thân thích của người bị buộc tội: theo quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015: là người có quan hệ với người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.

Việc lựa chọn người bào chữa được quy định thành nhiều trường hợp, cụ thể như sau:

- Trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ có đơn yêu cầu người bào chữa: Nếu người bị bắt, bị tạm giữ có đơn yêu cầu người bào chữa thì trong thời hạn 12 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn yêu cầu cho người bào chữa hoặc cho người đại diện, người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ để họ chuyển đơn cho người bào chữa. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nếu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này lựa chọn và nhờ người bào chữa.

- Trường hợp người bị tạm giam có đơn yêu cầu người bào chữa: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa hoặc người đại diện, người thân thích của người bị tạm giam để họ chuyển đơn cho người bào chữa. Trường hợp người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này lựa chọn và nhờ người bào chữa.

- Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa: Trong trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn gửi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nhờ người bào chữa, có quan có thẩm quyền phải thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để họ có ý kiến về việc nhờ người bào chữa. Và trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu nhờ người bào chữa được quy định tại Điều 4 Thông tư 46/2019/TT-BCA:

1. Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam đang quản lý người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm tiếp nhận đơn yêu cầu nhờ người bào chữa của người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam kèm theo giấy tờ chứng minh mối quan hệ của họ với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Việc tiếp nhận đơn được thực hiện tại nơi tổ chức trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc nơi trực ban của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam có trách nhiệm đóng dấu văn bản đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và phải thông báo ngay cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam để họ có ý kiến về việc nhờ người bào chữa.

2. Sau khi nhận được thông báo về việc nhờ người bào chữa, nếu người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam đồng ý nhờ người bào chữa thì thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư này. Trường hợp họ từ chối nhờ người bào chữa thì cơ quan đang quản lý người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam lập biên bản về việc từ chối và xử lý như sau:

a) Đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đang ở trụ sở Cơ quan điều tra

Trong thời hạn không quá 12 giờ kể từ khi lập biên bản, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho người bào chữa mà người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt nhờ và Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất về thời gian với người bào chữa để trực tiếp gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, xác nhận việc từ chối và phải lập biên bản. Trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đã có quyết định tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra vẫn phải thông báo và thống nhất về thời gian với người bào chữa để gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đã có quyết định tạm giữ.

b) Đối với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

Trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam có trách nhiệm thông báo kèm theo biên bản cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án biết (trong trường hợp Nhà tạm giữ, trại tạm giam lập biên bản). Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất về thời gian với người bào chữa để trực tiếp gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, xác nhận việc từ chối và phải lập biên bản.

Trường hợp người bị tạm giữ bị khởi tố bị can và có lệnh tạm giam của người có thẩm quyền thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra vẫn phải thống nhất về thời gian với người bào chữa để gặp người bị tạm giữ đã có lệnh tạm giam.

Trường hợp người bị tạm giữ bị khởi tố bị can nhưng không bị áp dụng biện pháp tạm giam thì việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này.

Trường hợp người bị tạm giữ được trả tự do, nếu vẫn còn tư cách tham gia tố tụng thuộc trường hợp có quyền nhờ người bào chữa thì vẫn tiến hành các thủ tục đăng ký bào chữa; nếu không thuộc trường hợp có quyền nhờ người bào chữa thì tạm dừng tiến hành các thủ tục đăng ký bào chữa.”

- Trường hợp người bị buộc tội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có yêu cầu nhờ người bào chữa: Nếu người bị buộc tội hoặc người đại diện hoặc người thân thích của họ đề nghị UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương trở lên cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị buộc tội thì các cơ quan này phải cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị buộc tội thành viên của tổ chức mình.

- Nếu người bị buộc tội không lựa chọn người bào chữa thì người đại diện hoặc người thân thích của họ có quyền lựa chọn người bào chữa cho họ. Tuy nhiên, sự lựa chọn người bào chữa của người đại diện hoặc của người thân thích đều phải có sự chấp thuận của người bị buộc tội.

Điều luật đã sửa đổi bổ sung đáng kể khoản 1 Điều 57 BLTTHS 2003, cụ thể:

- Điều luật mở rộng quyền chủ thể có quyền tự do mời người bào chữa, cho phép người thân thích của người bị buộc tội cũng có quyền mời người bào chữa

- Ngoài mở rộng chủ thể có quyền lựa chọn lựa chọn người bào chữa thì việc lựa chọn người bào chữa trong từng trường hợp cụ thể cũng được quy định bổ sung tại Điều 2, 3, 4 của Điều luật.

Sự sửa đổi, bổ sung của Điều luật này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giải quyết những vấn đề trong cơ chế bảo đảm cho người bị buộc tội đang bị giam giữ, tạm giam có cơ hội tiếp cận với người bào chữa để quyền và lợi ích hợp pháp của họ được bảo vệ mà còn ngăn ngừa các biểu hiện ngăn cản, gây khó khăn cho người bào chữa khi tham gia tố tụng.

Luật Hoành Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư