2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là căn cứ để tòa án quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại. Bộ luật hình sự đã quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự với cá nhân tại Điều 51. Tuy nhiên, cá nhân và pháp nhân là hai chủ thể hoàn toàn khác nhau nên pháp luật hình sự quy định một điều luật riêng về các tính tiết giảm nhẹ của pháp nhân thương mại.
Điều 84 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổ, ibổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại như sau:
“Điều 84. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
d) Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
đ) Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội.
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.”
Điều 84 Bộ luật Hình sự quy định 05 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại:
a) Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
Tình tiết giảm nhẹ này cũng tương tự như tình tiết giảm nhẹ quy định đối với người phạm tội tại điểm a khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự “Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm”.
Tuy nhiên, đối với pháp nhân thương mại, việc ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm có thể do pháp nhân thương mại hoặc lãnh đạo của pháp nhân thương mại thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại mình. Nếu lãnh đạo của pháp nhân thương mại cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tình tiết giảm nhẹ này là tình tiết giảm nhẹ “kép” vừa được áp dụng khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại, vừa được áp dụng đối với người phạm tội của pháp nhân thương mại.
b) Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
Tình tiết giảm nhẹ này cũng tương tự như tình tiết giảm nhẹ quy định đối với người phạm tội tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”.
Khi một hành vi phạm tội được thực hiện; đã gây ra thiệt hại và pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì tình tiết khắc phục, bồi thường đó được xem là một tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên mức độ giảm nhẹ như thế nào vẫn phụ thuộc vào thái độ sửa chữa và thực tế hậu quả mà pháp nhân thương mại phạm tội đã sửa chữa, bồi thường, khắc phục.
c) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
Tình tiết giảm nhẹ này giống với tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”.
Việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thế nào vẫn phải phụ thuộc vào thuộc vào tình hình thiệt hại trên thực tế.
d) Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
Sự tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án phải được thực hiện bởi cá nhân là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Tích cực được hiểu là trường hợp người đại diện pháp nhân có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới
đ) Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội
Đây là tình tiết giảm nhẹ chỉ quy định cho pháp nhân thương mại phạm tội. Pháp nhân thương mại có nhiều đóng góp cho xã hội thể hiện qua huân huy chương, bằng khen,... được các cấp chính quyền địa phương công nhận.
Khoản 2 Điều 84 mở rộng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Quy định này được các nhà làm luật đặt ra mở rộng phạm vi quyền của Tòa án sao cho phù hợp với thực tiễn xét xử.
Khoản 3 Điều 84 quy định: “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”. Tình tiết định tội là tình tiết mà trong cấu thành tội phạm đó bắt buộc phải có, nếu không có tình tiết đó thì sẽ không phạm tội đó. Khi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành một tội phạm (phạm tội gì) thì việc tiếp theo là xác định mức phạt cụ thể đối với tội đó là bao nhiêu, khi này khái niệm khung hình phạt bắt đầu được xem xét đến. Sau khi xem xét lựa chọn khung hình phạt xong mới xét đến mức hình phạt nào. Các tình tiết giảm nhẹ chỉ có ý nghĩa khi xác định mức hình phạt, do đó khi tình tiết giảm nhẹ nào đó đã được dùng để định tội và dùng để định khung thì sẽ không áp dụng để xem xét định lượng hình phạt nữa vì như vậy 1 tình tiết giảm nhẹ lại áp dụng đến 02 lần.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh