Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:01 (GMT+7)

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51 BLHS

Các tình tiết giảm nhẹ chính là một trong 03 căn cứ chính để quyết định hình phạt đối với người và pháp nhân thương mại phạm tội . Vậy các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết nào? Luật Hoàng Anh xin đưa ra cái nhìn khái quát về cấu trúc Điều 51 Bộ luật hình sự quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

1. Căn cứ pháp lý

Điều 51 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:

“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

r) Người phạm tội tự thú;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.”

Điều 51 Bộ luật hình sự có 03 Khoản, trong đó Khoản 1 liệt kê ra các tình tiết giảm nhẹ (luật định), Khoản 2 mở rộng thêm tình tiết đầu thú và tình tiết khác (phụ thuộc vào ý chí của Tòa án và phải ghi rõ trong bản án), Khoản 3 là trường hợp không được coi hay nói đúng hơn là không áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

2. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Khoản 1 Điều 51 Liệt kê 22 tình tiết giảm nhẹ, có thể chia làm 03 nhóm:

- Các tình tiết ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội gồm 13 tình tiết

- Các tình tiết phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội gồm 04 tình tiết.

- Các tình tiết phản ánh khả năng giáo dục người phạm tội gồm 05 tình tiết.

Trong đó,

* Nhóm tình tiết ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội gồm 13 tình tiết gồm:

- Điểm a Khoản 1: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm.

Người phạm tội đã thực hiện tội phạm nhưng cũng đã ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của tội. Nếu không có những hành vi đó, hậu quả tội phạm có thể còn lớn hơn nữa. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của hành vi này phụ thuộc vào thái độ của người phạm tội (mức độ nhận biết lỗi sai và ý thức sửa chữa) và phụ thuộc vào thực tế tác hại mà người phạm tội ngăn chặn, hạn chế như nào.

- Điểm b Khoản 1:Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.

Đây là tình tiết giảm nhẹ được áp dụng khá phổ biến trong các vụ án hình sự và cũng được các Luật sư bào chữa cho các bị cáo áp dụng một cách triệt để nhất. Khi một hành vi phạm tội được thực hiện và đã gây ra thiệt hại (sức khỏe, vật chất) và người thực hiện hành vi phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì tình tiết khắc phục, bồi thường đó được xem là một tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên mức độ giảm nhẹ như thế nào vẫn phụ thuộc vào thái độ sửa chữa và thực tế hậu quả, người phạm tội đã sửa chữa, bồi thường, khắc phục.

- Điểm h Khoản 1: Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn.

Do hậu quả của tội phạm là một yếu tố quyết định mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nên luật hình sự nên luật hình sự coi trường hợp gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

- Điểm i Khoản 1: Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Đây là trường hợp mức độ nguy hiểm của hành vi ở mức thấp, việc cải tạo, giáo dục người phạm tội tương đối dễ dàng nên được quy định là tình tiết giảm nhẹ. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này phụ thuộc nhiều vào mức độ ít nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

- Điểm c Khoản 1: Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Khoản 2 Điều 22 Bộ luật hình sự quy định:                         

“Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”.

Để làm rõ nội dung này, Chỉ thị số 07/TATC ngày 22/12/1983 của Tòa án nhân dân tối cao quy định:

“...Người phòng vệ đã dùng những phương tiện và phương pháp gây ra thiệt hại quá đáng cho người xâm hại mà tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và phương pháp đó’.

Người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có lỗi đối với việc vượt quá của mình. Tuy nhiên, động cơ phạm tội là phòng vệ. Nếu không có hành vi nguy hiểm đến người phạm tội thì họ cũng sẽ không phải phòng vệ và vượt quá giới hạn phòng vệ. Hành vi phạm tội của họ là hành vi luật cho phép để bảo vệ bản thân mình nhưng lỗi ở đây là hành vi phạm tội vượt quá giới hạn luật định.

-Điểm d Khoản 1: Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.

Khoản 1 Điều 23 Bộ luật hình sự quy định:

“Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”

Theo đó, trong tình thế cấp thiết, lợi ích bị gây thiệt hại và lợi ích cần bảo vệ đều là lợi ích hợp pháp, đặc biệt thiệt hại gây ra bắt buộc phải nhỏ hơn thiệt hại bị đe dọa gây ra. Như vậy, “vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết” là trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết. Có nghĩa là thiệt hại gây ra không nhỏ hơn thiệt hại cần bảo vệ.

Trên thực tế, việc đánh giá xem thiệt hại cần bảo vệ lớn hơn hay thiệt hại gây ra lớn hơn chỉ mang tính tương đối, đặc biệt trong tình thế cấp bách việc đánh giá lại càng trở nên khó khăn hơn và động cơ phạm tội xuất phát từ mục đích bảo vệ một lợi ích hợp pháp. Do đó, đặt ra vấn đề giảm nhẹ trách nhiệm hình phạt không chỉ có mục đích trừng phạt mà chủ yếu là khuyến khích người phạm tội có những hành vi bảo vệ lợi ích hợp pháp nhưng cũng nhắc nhở họ nên cẩn trọng hơn trong hành vi để vừa có thể bảo vệ các lợi ích hợp pháp vừa không vượt quá giới hạn của pháp luật.

- Điểm đ Khoản 1: Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

Khoản 1 Điều 24 Bộ luật hình sự quy định hành vi gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự:

“Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.”

Như vậy, khi có quyền bắt giữ, người thực hiện việc bắt giữ được phép sử dụng vũ lực để bắt và khi sử dụng vũ lực có thể gây thiệt hại cho người bị bắt. Tuy nhiên việc sử dụng vũ lực này phải nằm trong giới hạn: việc phải dùng vũ lực là cách duy nhất để có thể bắt được người phạm tội và việc sử dụng vũ lực phải trong mức độ cần thiết cho việc bắt người. Khoản 2 Điều 24 quy định

“Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”

Đây là trường hợp người bắt giữ đã sử dụng vũ lực quá mức cần thiết cho việc bắt giữ, hành vi gây thiệt hại cho người bị bắt giữ không còn hợp pháp. Do vậy, người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự vì hành vi của mình. Tuy nhiên cũng giống với “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có lỗi đối với việc vượt quá của mình. Tuy nhiên mục đích, động cơ của hành vi vượt quá mức cần thiết là việc bắt giữ tội phạm (động cơ tốt, cần khuyến khích) do đó việc đưa trường hợp này vào một trong các tình tiết giảm nhẹ thể hiện sự khuyến khích người bắt giữ trong công tác chống tội phạm đồng thời răn đe người bắt giữ vì hành vi vượt quá của mình.

- Điểm e Khoản 1: Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra.

Theo Điểm b mục 1 Chương 2 Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự có giải thích “trạng thái bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” như sau:

Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người.

Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động  đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.”

Mức độ giảm nhẹ trong từng trường hợp cụ thể phụ thuộc trước hết vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tác động

- Điểm g Khoản 1: Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra.

Tình tiết này giảm nhẹ này có 2 vấn đề cần chú ý, thứ nhất nguyên nhân dẫn đến thực hiện tội phạm là do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đó không phải do mình tạo ra. Nghĩa là, người phạm tội xuất phát phần lớn do từ sức ép của hoàn cảnh chứ ý chí chủ quan không hoàn toàn mong muốn việc thực hiện tội phạm, nói cách khác là bất đắc dĩ thực hiện.

Ví dụ như, một địa phương A bị bão lũ quét qua, mất hết tài sản, nhà cửa, lương thực, người phạm tội đi đến vùng khác với mục đích làm việc kiếm tiền, tuy nhiên đến địa phương B do quá đói và không còn tài sản hay lương thực trên người nên đã trộm một số lương thực với tổng giá trị đủ để cấu thành tội trộm cắp tài sản.

- Điểm k Khoản 1: Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

Đây là trường hợp phạm tội mà trước khi thực hiện tội phạm, ý chí của người phạm tội đã bị tác động bởi một bên thứ ba, tất nhiên vẫn thỏa yếu tố về mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm nhưng trước khi có hành vi thực hiện tội phạm, người phạm tội đã bị đe dọa, cưỡng bức. Các trường hợp này, người phạm tội thường có quan hệ phụ thuộc vào người thứ ba (quan hệ gia đình, cấp trên cấp dưới,...) hoặc bị người thứ ba lợi dụng việc họ đang rơi vào tình trạng quẫn bách, đường cùng để ép họ phạm tội.

- Điểm l Khoản 1: Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra.

"Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra" là trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội không đủ tỉnh táo để nhận biết một cách đầy đủ mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Sự hạn chế khả năng nhận thức của người phạm tội là do yếu tố khách quan tác động, chứ không phải do bản thân người phạm tội gây ra, do nguyên nhân khách quan chẳng hạn như bị cưỡng ép, lừa gạt để sử dụng chất kích thích mạnh.... Ví dụ: một người bị ép uống rượu say, sau đó đã điều khiển xe máy tham gia giao thông và đâm chết người. Vì vậy, đối với trường hợp phạm tội khi hạn chế khả năng nhận thức không phải do lỗi của mình sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào mức độ bị hạn chế khả năng nhận thức do yếu tố khách quan mang lại.

- Điểm m Khoản 1: Phạm tội do lạc hậu.

Tình tiết giảm nhẹ này thông thường áp dụng đối với người phạm tội là đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi mà tập tục còn lạc hậu. Tình tiết giảm nhẹ này cũng khá hợp lý, không phải mặt bằng trình độ nhận thức của mọi người trong xã hội này là như nhau, đặc biệt là một số vùng xa xôi hẻo lánh, không có điều kiện tiếp xúc với nền giáo dục nhiều, trình độ dân trí còn hạn chế nên đa số họ thực hiện các hành vi theo những tập tục của họ mà những tập tục đó đến nay đã không còn phù hợp thậm chí là còn vi phạm pháp luật.

- Điểm q Khoản 1: Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Đây là trường hợp phạm tội mà chủ thể đã phạm tội khi đang trong tình trạng hạn chế khả năng nhận thức hoặc bị hạn chế khả năng điều khiển hành vi do mặc bệnh. Trong trường hợp nà, lỗi của người phạm tội là lỗi hạn chế nên họ được coi là có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức độ hạn chế nhận thức hoặc mức độ hạn chế khả năng  điều khiển hành vi của người phạm tội.

*Nhóm tình tiết phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội gồm 04 tình tiết:

- Điểm n Khoản 1: Người phạm tội là phụ nữ có thai.

Tình tiết này chủ yếu xuất phát từ chính sách nhân đạo của Nhà nước nhưng cũng do thể trạng sức khỏe, vấn đề tâm sinh lý của phụ nữ mang thai tương đối yếu.

- Điểm o khoản 1: Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên.

Cũng giống với tình tiết giảm nhẹ trên, tình tiết này thể hiện chính sách nhân đạo và vấn đề tâm sinh lý- thể chất yếu của lứa tuổi này. Ngoài ra đây là quy định được thay đổi so với Bộ luật hình sự cũ, từ “người già” của bộ luật cũ đã được quy định cụ thể là “người từ đủ 70 tuổi trở lên” trong Bộ luật hình sự hiện hành.

- Điểm p Khoản 1: Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

Tình tiết này xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo đối với người khuyết tật – thành phần yếu thế trong xã hội. Thực tế rất hiếm những trường hợp người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng thực hiện hành vi phạm tội do sự tương quan về sức khỏe, thể lực. Do đó những hành vi phạm tội được thực hiện bởi những chủ thể này thường là những hành vi không sử dụng nhiều đến thể lực bởi họ là những người khiếm khuyết về thể lực…Thông thường đó là những tội liên quan đến trộm cắp, cũng có thể là giết người nhưng thường là sử dụng thủ đoạn ít tiisn sức và nạn nhân thường là những người thân trong gia đình. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là những người khuyết tật thường bị xúc phạm về mặt tư tưởng hay bị xem là gánh nặng dẫn đến họ nảy sinh tư tưởng phạm tội để trả thù.

- Điểm x Khoản 1: Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Đây là tình tiết mới được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, nhưng nó đã được thừa nhận trong thực tiễn xét xử nhiều năm. Theo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/08/2000 quy định:

“Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án". Theo các văn bản hướng dẫn trước đây của Toà án nhân dân tối cao và của Toà án nhân dân tối cao với các cơ quan hữu quan khác cũng như thực tiễn xét xử trong thời gian qua, thì các tình tiết sau đây được coi là các tình tiết giảm nhẹ khác:

- Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước..

- Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ;...”

Việc quy định tình tiết này chủ yếu xuất phát từ chính sách của nhà nước đối với người có công với cách mạng và thân nhân của liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc.

*Nhóm tình tiết phản ánh khả năng giáo dục người phạm tội gồm 05 tình tiết:

- Điểm r Khoản 1: Người phạm tội tự thú;

Theo Điểm h Khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự số: 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015:

“Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.”

Trường hợp này tuy chưa bị phát hiện là người phạm tội nhưng chủ thể đã tự đến cơ quan có thẩm quyền trình diện và khai báo về hành vi phạm tội của mình. Điều này thể hiện tinh thần hối cải, mong muốn cải tạo của người phạm tội. Đáp lại điều đó, pháp luật cũng thể hiện sự nhân đạo, “đánh người chạy di, không ai đánh kẻ chạy lại”, quy định đầu thú là tình tiết giảm nhẹ.

- Điểm s Khoản 1: Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Theo giải đáp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Công thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao:

“Thành khẩn khai báo” là trường hợp người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã khai báo đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.

Ăn năn hối cải” là trường hợp sau khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, giày vò lương tâm về hành vi phạm tội của mình không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Theo Công văn giải thích số 212/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, quy định:

  “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra.”

Như vậy, nếu người phạm tội đáp ứng một trong hai điều kiện “thành khẩn khai báo” hoặc “ăn năn hối cải” hoặc đáp ứng cả hai điều kiện này thì cũng chỉ được áp dụng một tình tiết giảm nhẹ.

- Điểm t Khoản 1: Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án.

Theo Công văn giải thích số 212/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, quy định:

“Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” được hiểu là trường hợp người phạm tội có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới.”

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do có tinh tiết này phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả của hành vi tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện hoặc trong quá trình giải quyết vụ án.

- Điểm u Khoản 1: Người phạm tội đã lập công chuộc tội.

Điểm b Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 04 tháng 8 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999:

"Đã lập công chuộc tội là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm cho đến trước khi bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), người phạm tội không những ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, mà họ còn có những hành động giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn các tội phạm khác, tham gia phát hiện tội phạm, bắt kẻ phạm tội, có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của người khác... được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.”

- Điểm v Khoản 1: Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

Điểm b Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 04 tháng 8 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999:

“Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua.....”

3. Trường hợp mở rộng thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác ngoài quy định của pháp luật

Khoản 2 Điều 52 mở rộng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Đầu thú có thể hiểu là người thực hiện hành vi phạm tội đã tự nhận hành vi phạm tội của mình sau khi hành vi đó đã bị phát hiện nhưng người phạm tội đó vẫn chưa bị bắt giữ. Đầu thú hoàn toàn không giống với tự thú và do đó nó chỉ có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ chứ không thể là tình tiết được miễn trách nhiệm hình sự. Quy định này được các nhà làm luật đặt ra mở rộng phạm vi quyền của Tòa án sao cho phù hợp với thực tiễn xét xử.

4. Trường hợp không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Khoản 3 Điều 51 quy định: “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”. Tình tiết định tội là tình tiết mà trong cấu thành tội phạm đó bắt buộc phải có, nếu không có tình tiết đó thì sẽ không phạm tội đó. Khi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành một tội phạm (phạm tội gì) thì việc tiếp theo là xác định mức phạt cụ thể đối với tội đó là bao nhiêu, khi này khái niệm khung hình phạt bắt đầu được xem xét đến. Sau khi xem xét lựa chọn khung hình phạt xong mới xét đến mức hình phạt nào. Các tình tiết giảm nhẹ chỉ có ý nghĩa khi xác định mức hình phạt, do đó khi tình tiết giảm nhẹ nào đó đã được dùng để định tội và dùng để định khung thì sẽ không áp dụng để xem xét định lượng hình phạt nữa vì như vậy 1 tình tiết giảm nhẹ lại áp dụng đến 02 lần.

Luật Hoàng Anh

 

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư