2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Các tội phạm sở hữu quy định tại Chương XVI Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) gồm 13 Điều luật tương ứng 13 tội danh cụ thể.
Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định con người có quyền sở hữu như sau:
“Điều 32.
1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.
2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.”
Để cụ thể hóa nhóm quyền này, pháp luật dân sự đã quy định nội dung của quyền sở hữu gồm 03 quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.
Quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Người chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu do được uỷ quyền, được giao mà không kèm theo việc chuyển quyền sở hữu thì việc thực hiện các quyền chiếm hữu chỉ được thực thi trong phạm vi giới hạn của các hành vi và theo thời gian mà chủ sở hữu cho phép.
Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất của tài sản trong phạm vi pháp luật cho phép. Việc sử dụng tài sản là một trong những quyền quan trọng và có ý nghĩa thực tế đối với chủ sở hữu.
Quyền định đoạt là quyền năng của chủ sở hữu để quyết định về “số phận” của tài sản, có thể là trưng bày, lưu giữ, tiêu dùng hết, huỷ bỏ..., hoặc cũng có thể là bán, cho, tặng,...
Các quyền này cũng được pháp luật dân sự quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015.
Các tội xâm phạm sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến quan hệ sở hữu của cơ quan, tổ chức và của công dân.
Chương XVI Bộ luật Hình sự quy định 13 tội phạm sở hữu gồm:
Điều 168. Tội cướp tài sản
Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
Điều 171. Tội cướp giật tài sản
Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
Điều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản
Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Điều 179. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
Điều 180. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản
Các tội xâm phạm sở hữu được quy định trong Chương XVI Bộ luật Hình sự có khách thể bị xâm hại là quan hệ sở hữu và chế độ sở hữu được pháp luật quy định và điều chỉnh.
Sở hữu là quan hệ xã hội mà trong đó quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt về tài sản được tôn trọng và bảo vệ. Hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu là những hành vi xâm phạm đến các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt về tài sản. Thực tế có những hành vi tuy có xâm phạm đến quan hệ sở hữu nhưng không phải là tội xâm phạm sở hữu, vì những hành vi này còn đồng thời xâm phạm tới những quan hệ xã hội khác và được pháp luật hình sự bảo vệ thông qua một chế định khác.
Một số tội xâm phạm sở hữu đồng thời xâm phạm khách thể, đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu, ví dụ như tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản,..., muốn cướp hay chiếm đoạt tài sản trước hết người phạm tội phải thực hiện hành vi xâm phạm thân thể của nạn nhân để không chế nạn nhân nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản ngay sau đó. Do đó cả quyền nhân thân và quyền sở hữu đều là khách thể của những tội này.Những tội phạm xâm hại đến cả thân thể con người những vẫn xếp vào tội phạm sở hữu bởi mục đích chính của người phạm tội là nhằm vào sở hữu tài sản. Việc xâm hại quan hệ nhân thân chỉ là phương tiện để người phạm tội đạt được mục đích là chiếm đoạt tài sản.
Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các hình thức sở hữu tài sản gồm:
- Tài sản thuộc sở hữu toàn dân: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 197).
- Sở hữu riêng: Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân. Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng, giá trị (Điều 205).
- Sở hữu chung: Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. (Điều 207, 209, 210)
Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.
Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.
Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tài sản:
“Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Tội phạm sở hữu xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của con người và chế định sở hữu được pháp luật quy định, bảo vệ.
Như vậy, khách thể của tội phạm sở hữu là quyền sở hữu của con người bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt, và quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu của con người.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm sở hữu thể hiện ở những hành vi sau đây: chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép, sử dụng trái phép, hủy hoại, làm hư hỏng tài sản, làm mất mát, lãng phí tài sản.
Tuy khác nhau về hình thức thể hiện nhưng các hành vi này đều xâm hại đến quan hệ sở hữu, tức là xâm phạm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ tài sản, làm cho chủ tài sản mất khả năng thực hiện quyền sở hữu của mình.
Trong các tội nêu trên, hành vi phạm tội của một số tội bắt buộc thực hiện dưới dạng hành động như cướp tài sản,... nhưng hành vi phạm tội của một số tội có thể thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động như tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Hậu quả của những hành vi nói trên là gây thiệt hại cho chủ sở hữu, thể hiện dưới dạng vật chất cụ thể như tài sản bị mất, bị hư hỏng, bị huỷ hoại,... hoặc không gây bất kì hư hỏng hay thiệt hại gì đối với tài sản những lại ảnh hưởng đến một trong các quyền thuộc quyền sở hữu của chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản như tội
Đối với một số tội (cướp, cưỡng đoạt...), hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với một số tội khác như hành vi chỉ cấu thành tội phạm nếu gây hậu quả nghiêm trọng như tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hay tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.
Chủ thể của tội phạm nói chung và của các tội xâm phạm sở hữu nói riêng là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không phải ai thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng đều là chủ thể của tội phạm mà chỉ những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo luật định mới là chủ thể của tội phạm.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (Tội cướp giật tài sản), 173 (Tội trộm cắp tài sản), 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản).
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù.
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân hoặc có đồng phạm cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện có tổ chức, tức là có mối liên kết và phân công nhiệm vụ chặt chẽ giữa các thành viên thì có thể bị coi là tình tiết tăng nặng ở một số tội phạm cụ thể.
Các tội phạm sở hữu có thể được thực hiện do lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp) hoặc được thực hiện do lỗi vô ý (vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả).
Cố ý trực tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Cố ý gián tiếp là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Vô ý vì quá tự tin, người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Vô ý vì cẩu thả, người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Người phạm tội thực hiện tội phạm có thể vì nhiều động cơ, mục đích khác nhau. Động cơ hay mục đích không phải yếu tố xác định tội danh nhưng có thể là căn cứ để quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh