2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân được quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) bao gồm 11 Điều quy định 11 tội danh cụ thể.
Cùng với độc lập dân tộc, quyền tự do và bình đẳng của con người là mục tiêu cao nhất của cách mạng Việt Nam, nó đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 và Hiến pháp năm 2013, đồng thời được cụ thể hoá bằng Bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật khác nhằm đấu tranh ngăn chặn những hành vi xâm hại những quyền này của con người.
Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể các quyền về tự do, dân chủ của công dân như:
Điều 21 - Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Điều 22 - Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
Điều 23 - Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước.
Điều 24- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
Điều 25 - Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.
Điều 26 - Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
Điều 27 - Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Điều 30 - Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 35 - Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.
Với các quyền trong tự do, dân chủ quy định trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự cũng quy định 11 Điều luật tương ứng 11 tội phạm tại Chương XV, là những tội xâm phạm các quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Các tội phạm này là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự gây ra, có lỗi, gây nguy hại đến những quyền tự do, dân chủ của con người, của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Việc bảo đảm các quyền tự do này không chỉ ghi nhận về mặt pháp lý mà còn được Đảng và Nhà nước tổ chức thực hiện trong thực tiễn, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi xâm hại các quyền tự do đó. Bởi vì, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của công dân là bản chất tốt đẹp của chế độ ta, tạo mọi điều kiện cho con người vươn tới sự tự do cao hơn, mưu cầu hạnh phúc lớn hơn và có điều kiện để mọi người phát huy hết khả năng của mình tham gia đóng góp xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Quyền tự do, dân chủ của công dân là quyền được Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo vệ; vì vậy tại Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Điều 3.
Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.”
Do vị trí, tầm quan trọng của nhóm khách thể về quyền tự do, dân chủ của công dân cho nên các tội phạm trong Chương này được xếp thứ 3 sau Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người.
Các tội trong Chương này xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân như: quyền tự do thân thể; quyền bất khả xâm phạm chỗ ở; quyền bí mật hoặc an toàn về thư tín, điện thoại, điện tín; quyền bầu cử, ứng cử; quyền làm việc; quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bình đẳng giới; quyền tác giả; quyền khiếu nại, tố cáo.
Mặt khách quan của các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân phần lớn thể hiện bằng hành động trái pháp luật như: hành vi bắt, giữ hoặc giam người khác; xâm phạm chỗ ở của người khác; xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác; xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân; làm sai lệch kết quả bầu cử; buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc; xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ; hành vi xâm phạm quyền tác giả; hành vi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo.
Hành vi phạm tội cũng có thể bằng hành động hoặc không hành động như người có trách nhiệm mà không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố giác của công dân.
Hậu quả xảy ra cũng có thể là những ảnh hưởng vật chất cụ thể như một người bị bắt giam; chỗ ở bị lục soát; thư bị bóc xem trộm hoặc huỷ đi; điện thoại bị nghe trộm; người lao động bị đuổi việc; các công trình sáng chế phát minh bị người khác lấy cắp, đứng tên...
Có những tội mà hậu quả ảnh hưởng xấu về chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm mất uy tín của chính quyền, cơ quan Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuỳ từng tội phạm cụ thể mà xác định thời điểm hoàn thành.
Tội phạm được coi là hoàn thành của mỗi tội cụ thể có sự khác nhau. Các tội như Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157), Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158),... tội phạm hoàn thành khi có hậu quả xâm phạm đến khác thể của tội phạm xảy ra. Đối với các tội này, cần xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra, hậu quả xảy ra trên thực tế phải xuất phát từ nguyên nhân do hành vi khách quan. Một số tội khác như Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật (Điều 162),..., tội phạm hoàn thành khi có hành vi thuộc mặt khách quan xảy ra.
Chủ thể của tội phạm là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên.
Thứ nhất, chủ thể của tội phạm có thể là bất kì ai, là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch, có thể là cá nhân hoặc có đồng phạm thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, một số tội chủ thể của tội phạm phải là những người có chức vụ quyền hạn liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội tương ứng trong từng tội danh cụ thể như Điều 161 - Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân; Điều 162 - Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật.
Thứ hai, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 9 Bộ luật Hình sự chia ra hai mức tuổi chịu trách nhiệm hình sự là người từ đủ 16 tuổi và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Khoản 2 Điều 9 quy định một số tội phạm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng không có các tội quy định tại Chương VX, Khoản 1 Điều 9 quy định người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội. Do đó, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội ở Chương này là người từ 16 tuổi trở lên. Một lưu ý là các tội phạm có chủ thể đặc biệt là người có chức vụ quyền hạn nêu trên thường từ đủ 18 tuổi trở lên bởi người đã thành niên mới được giao chức vụ quyền hạn tại cơ quan, tổ chức.
Thứ ba, chủ thể thực hiện tội phạm phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi. Thiếu một trong hai năng lực này, người đó bị coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật này.
Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân được thực hiện với lỗi cố ý, tùy vào từng tội phạm cụ thể mà lỗi ở đây là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.
Động cơ phạm tội rất đa dạng, không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm như nó có thể là dấu hiệu để định khung hình phạt tăng nặng của tội phạm.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh