2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Các đối tượng cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc (Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội) sau cai nghiện có khả năng tái nghiện cao theo quy định của pháp luật sẽ được quản lý tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện (gọi tắt là Trung tâm).
Vậy trong trường hợp nào người sau cai nghiện có khả năng tái nghiện cao bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm nhưng được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định?
Điều 23 Nghị định 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ quy định các trường hợp được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm và thủ tục, trình tự hoãn hoặc miễn thi hành quyết định như sau:
Điều 23 khoản 1 Nghị định 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ quy định người sau cai nghiện được hoãn thi hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
- Người sau cai nghiện đang ốm nặng có chứng nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên.
Các cơ quan có thẩm quyền xem xét hoãn thi hành quyết định của người sau cai nghiện căn cứ vào giấy khám sức khỏe hoặc hồ sơ bệnh án và các tài liệu liên quan của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên mà người sau cai nghiện khám bệnh, chữa trị.
Đối với trường hợp này này tiến hành chuyển về gia đình để điều trị; thời gian điều trị không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.
- Gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận
Gia đình có khó khăn đặc biệt được hiểu là các trường hợp gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không có tài sản có giá trị để tạo thu nhập phục vụ sinh hoạt hoặc có bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con bị ốm nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà lao động duy nhất của gia đình chính là người bị áp dụng quyết định quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm.
- Phụ nữ có thai (có chứng nhận của bệnh viện) hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Pháp luật quy định nhằm hướng tới mục đích nhân đạo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ đang mang thai và trẻ em.
Điều 23 khoản 2 Nghị định 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ quy định người sau cai nghiện được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
- Đang mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên.
Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, nhồi máu cơ tim, bệnh xơ cứng rải rác, viêm não nặng, loạn dưỡng cơ,… [1] và phải có chứng nhận như giấy khám sức khỏe hoặc hồ sơ bệnh án của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên.
- Bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
AIDS là giai đoạn cuối của nhiễm HIV, virus suy giảm hệ miễn dịch ở người. Khi tiến triển thành AIDS, tỷ lệ tử vong của người nhiễm HIV sẽ tăng lên khá nhiều, nếu không điều trị, thường chỉ sống được trong khoảng 3 năm. Vì vậy, pháp luật quy định người sau cai nghiện là bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối được miễn áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm để đảm bảo việc điểu trị, chữa bệnh cho họ.
Điều 23 khoản 3 Nghị định 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ quy định trình tự xem xét hoãn, miễn chấp hành biện pháp quản lý sau cai nghiện như sau:
- Người sau cai nghiện thuộc các trường hợp đã nêu và phân tích ở trên làm đơn gửi Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội hoặc Giám đốc Trung tâm quản lý sau cai nghiện:
+ Đối với người đã có quyết định nhưng chưa bàn giao choTrung tâm quản lý sau cai nghiện thì Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội tiếp nhận đơn đề nghị hoãn, miễn chấp hành quyết định.
+ Đối với người đang chấp hành quyết định tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện thì Giám đốc Trung tâm quản lý sau cai nghiện tiếp nhận đơn đề nghị hoãn, miễn chấp hành quyết định.
- Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận đơn, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội hoặc Giám đốc Trung tâm quản lý sau cai nghiện làm văn bản gửi Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội).
- Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận văn bản của Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội hoặc Giám đốc Trung tâm quản lý sau cai nghiện, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phải thẩm tra, làm văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận văn bản của Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm đối với người sau cai nghiện.
- Khi hết thời hạn hoãn thi hành quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì quyết định được tiếp tục thi hành.
Trường hợp người sau cai nghiện không tự nguyện chấp hành thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Các biện pháp cưỡng chế được áp dụng để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật bao gồm sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ và các biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 và Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020).
Luật Hoàng Anh
Tài liệu tham khảo:
[1] Danh mục bệnh hiểm nghèo ban hành kèm theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 18/2021/NĐ-CP).
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh