Chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:09 (GMT+7)

Bài viết trình bày về các quy định của pháp luật về việc chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam

Biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam là biện pháp cách ly người bị buộc tội ra khỏi xã hội một thời gian nhất định, chính vì vậy trong thời gian cách ly khỏi đời sống xã hội người bị tạm giữ, tạm giam không thể tự mình thực hiện một số quyền nuôi dưỡng, chăm sóc cho người thân thích và bảo quản tài sản của mình, chính vì vậy trên tinh thần đó BLTTHS 2015 đã quy định thêm về việc quy định chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về việc chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam được quy định như sau:

“Điều 120. Việc chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam

1. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có người thân thích là người tàn tật, già yếu, có nhược điểm về tâm thần mà không có người chăm sóc thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam giao người đó cho người thân thích khác chăm nom; trường hợp không có người thân thích thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam giao những người đó cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú chăm nom. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có nhà ở hoặc tài sản khác mà không có người bảo quản thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam phải áp dụng những biện pháp bảo quản.

3. Cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam thông báo cho người bị tạm giữ, tạm giam biết việc chăm nom, chăm sóc người thân thích và bảo quản tài sản của họ. Việc thông báo được lập văn bản và đưa vào hồ sơ vụ án.”

Điều luật được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Điều 90 BLTTHS 2003, quy định về việc chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam. Biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam không chỉ tác động đến thân thể và quyền tự do của người bị tạm giữ, tạm giam mà còn liên quan đến quyền, lợi ích của những người thân thích họ và các tài sản của họ. Chính vì vậy, BLTTHS 2015 quy định về việc chăm nom người thân thích và bảo quản tài sản của người bị giữ, tạm giam và người thân của họ.

2. Việc chặm nom người thân thích, bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam.

Việc chặm nom người thân thích của người bị tạm giữ, tạm giam được quy định như sau:

- Người thân thích của người bị tạm giữ, tạm giam là người tàn tật già yếu, có nhược điểm về tâm thần mà không có người chăm sóc thì cơ quan ra quyết định tạm giam giao người đó cho người thân thích khác chăm nom. Trường hợp những người này không có người thân thích thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam phải giao những người đó cho chính quyền xã, phường thị trấn nơi họ cư trú chăm nom.

- Nếu con của người bị giữ, tạm giam là trẻ em thì:

+ Trẻ em dưới 36 tháng tuổi có mẹ là người bị tạm giữ, tạm giam thì được ở cùng với mẹ. Cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi.

+ Trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên (dưới 14 tuổi) hoặc dưới 36 tháng tuổi nhưng không thuộc trường hợp nêu trên thì phải giao trẻ cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị Sở Lao động thương binh và xã hội nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau khi được trả tự do được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. Quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.

 Đối với tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam là nhà ở hoặc tài sản khác mà không có người bảo quản thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam phải áp dụng nhưng biện pháp bảo quản.

Cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh, quyết định tạm giam phải thông báo bằng văn bản cho người bị tạm giữ, tạm giam biết việc chăm nom, chăm sóc người thân thích và bảo quản tài sản của họ

3. Những điểm mới của Điều luật so với BLTTHS 2003

-  Điều luật đã quy định phân biệt hai phương thức chăm nom theo 2 đối tương khác nhau: “Người tàn tật, già yếu, có nhược điểm về tâm thần mà không có người chăm sóc” và “trẻ em”.

- Điều luật quy định rõ việc thông báo về việc chăm nom, chăm sóc người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam của cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam phải được “lập thành văn bản và đưa vào hồ sơ vụ án”.

Luật Hoàng Anh

 

 

 

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư