Chuyển giao nghĩa vụ trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại

Thứ ba, 31/01/2023, 17:00:15 (GMT+7)

Bài viết sau đây trình bày về Chuyển giao nghĩa vụ trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại

Pháp nhân thương mại phạm tội là việc pháp nhân thương mại thực hiện những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự Việt Nam. Khi pháp nhân thương mại bị kết án, pháp nhân thương mại phải chịu hình phạt và những biện pháp tư pháp khác theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên trong một số trường hợp pháp nhân thương mại chấp hành án có thể sẽ thực hiện việc tổ chức lại doanh nghiệp. Vậy pháp luật hiện hành quy định thế nào về chuyển giao nghĩa vụ trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại doanh nghiệp? Hãy cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu qua bài viết sau.

Pháp nhân thương mại là gì?

Điều 75 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

“Điều 75. Pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Theo đó, để được công nhận là pháp nhân thương mại thì trước hết pháp nhân đó phải thảo mãn các điều kiện về pháp nhân theo quy định tại Điều 74 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:

- Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Từ đó có thể đưa ra khái niệm pháp nhân thương mại như sau:

Pháp nhân thương mại là tổ chức được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tái ản của mình, nhân danh minh tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập và có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

Pháp nhân thương mại chấp hành án là gì?

Pháp nhân thương mại chấp hành án là pháp nhân thương mại bị kết án, phải chịu hình phạt, biện pháp tư pháp theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Chuyển giao nghĩa vụ trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại

Theo quy định tại khoản 31 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. 

Điều 165 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định: “Trường hợp pháp nhân thương mại chấp hành án được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thì pháp nhân thương mại kế thừa các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Pháp nhân thương mại không được lợi dụng việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc giải thể, phá sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.”

Theo đó, khi tổ chức lại doanh nghiệp thì pháp nhân thương mại kế thừa các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án. Cụ thể với từng trường hợp tổ chức lại như sau:

Thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại được chia, tách

Điều 13 Nghị định 55/2020/NĐ-CP quy định về thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại được chia, tách như sau:

- Nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại được chia, tách như sau:

+ Trường hợp nội dung, lĩnh vực phải thi hành án được giao toàn bộ cho một pháp nhân thương mại mới thì pháp nhân thương mại mới đó chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thi hành án;

+ Trường hợp nội dung, lĩnh vực thi hành án được giao cho các pháp nhân thương mại mới khác nhau thì các pháp nhân thương mại mới thực hiện theo nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao.

- Việc thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại được chia, tách thực hiện như sau:

+ Trường hợp pháp nhân thương mại tiếp nhận nghĩa vụ thi hành án có trụ sở thuộc cùng phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh, phạm vi cấp quân khu của pháp nhân thương mại trước khi được chia, tách thì cơ quan thi hành án hình sự đang thi hành án đối với pháp nhân thương mại trước khi chia, tách tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định này;

+ Trường hợp pháp nhân thương mại tiếp nhận nghĩa vụ thi hành án có trụ sở ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh, ngoài phạm vi cấp quân khu thì cơ quan thi hành án hình sự nơi pháp nhân thương mại tiếp nhận nghĩa vụ thi hành án có trụ sở tiến hành lập hồ sơ thi hành án và tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định này.

Cơ quan thi hành án hình sự đang thi hành án đối với pháp nhân thương mại trước khi chia, tách có trách nhiệm sao gửi tài liệu trong hồ sơ thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự nơi pháp nhân thương mại tiếp nhận nghĩa vụ chấp hành án có trụ sở để tổ chức thi hành án.

- Thời gian đã chấp hành án của pháp nhân thương mại trước khi được chia, tách được tính vào thời gian chấp hành án của các pháp nhân thương mại tiếp nhận nghĩa vụ thi hành án.

Thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại được hợp nhất, sáp nhập

Điều 14 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về thi hành án hình sự trong trường hợp pháp nhân thương mại được hợp nhất, sáp nhập như sau:

- Pháp nhân thương mại tiếp nhận pháp nhân thương mại đang chấp hành án khi hợp nhất, sáp nhập có trách nhiệm tiếp nhận nghĩa vụ thi hành án của pháp nhân thương mại được hợp nhất, sáp nhập.

- Việc thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại được hợp nhất, sáp nhập như sau:

+ Trường hợp pháp nhân thương mại tiếp nhận nghĩa vụ thi hành án có trụ sở thuộc cùng phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh, phạm vi cấp quân khu của pháp nhân thương mại trước khi được hợp nhất, sáp nhập thì cơ quan thi hành án hình sự đang thi hành án đối với pháp nhân thương mại trước khi hợp nhất, sáp nhập tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định này;

+ Trường hợp pháp nhân thương mại tiếp nhận nghĩa vụ thi hành án có trụ sở ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh, ngoài phạm vi cấp quân khu thì cơ quan thi hành án hình sự đang thi hành án đối với pháp nhân thương mại trước khi hợp nhất, sáp nhập bàn giao hồ sơ thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự nơi pháp nhân thương mại tiếp nhận nghĩa vụ thi hành án có trụ sở để tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định này;

+ Thời gian đã chấp hành án của pháp nhân thương mại trước khi hợp nhất, sáp nhập được tính vào thời hạn chấp hành án của pháp nhân thương mại tiếp nhận nghĩa vụ thi hành án.

 Thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Điều 15 Nghị định 55/2020/NĐ-CP quy định về thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại chuyển đổi loại hình doanh nghiệp như sau:

- Trường hợp pháp nhân thương mại chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì không làm thay đổi nghĩa vụ thi hành án. Pháp nhân thương mại có trách nhiệm báo cáo cơ quan thi hành án hình sự về việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

- Cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc pháp nhân thương mại chấp hành án chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cho cơ quan thi hành án hình sự để tiếp tục tổ chức thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án sự cấp quân khu tiếp tục thực hiện thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định này

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư