Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng được quy định như thế nào trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:06 (GMT+7)

Bài viết trình bày về các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng theo quy định của BLTTHS 2015.

Trong hoạt động tố tụng, quá trình tố tụng hình sự được phân chia thành nhiều giai đoạn khác nhau và tương ứng với mỗi giai đoạn là các cơ quan được pháp luật giao tiến hành một số hoạt động tố tụng trong giai đoạn đó; các cơ quan này được gọi là Cơ quan tiến hành tố tụng. Và những người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động tố tụng ở các cơ quan đó là những người tiến hành tố tụng.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 34 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) về cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng được quy định như sau:

“Điều 34. Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng

1. Cơ quan tiến hành tố tụng gồm:

a) Cơ quan điều tra;

b) Viện kiểm sát;

c) Tòa án.

2. Người tiến hành tố tụng gồm:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra;

b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên.”

2. Cơ quan tiến hành tố tụng

BLTTHS năm 2015 quy định Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) gồm có: Cơ quan điều tra (CQĐT); Viện kiếm sát, Tòa án. Những có quan này có chức năng, nhiệm vụ và  quyền hạn riêng những khi tiến hành các hoạt động tố tụng, chúng có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất để đảm bảo cho việc “ phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm” ( quy định tại Điều 2 BLTTHS về nhiệm vụ của BLTTHS).

a. Hệ thống cơ quan điều tra (CQĐT)

Theo quy định tại Điều 4 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, hệ thống CQĐT trong tố tụng hình sự gồm:

“1. Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân.

2. Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân.

3. Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.”

- Trong cơ quan Điều tra của Công an nhân dân thì bao gồm các cơ quan được quy định tại Điều 5 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015:

“1. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh).

2. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện).”

- Trong CQĐT Quân đội nhân dân thì sẽ bao gồm có các cơ quan được quy định tại Điều 6 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015:

“1. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.

2. Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực.”

- Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao bao gồm các cơ quan được quy định tại Điều 7 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015:

“1. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.”

Ngoài những cơ quan nói trên, BLTTHS 2015 còn quy định một số cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân. Các cơ quan này không phải là Cơ quan điều tra những do tính chất của công việc và do yêu cầu phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời các hành vi phạm tội nên được phép tiến hành một số hoạt động điều tra trong phạm vi quyền hạn được pháp luật quy định.

Tại Điều 8 của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra như sau:

“1. Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

2. Tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra chuyển giao.

3. Tiến hành Điều tra các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố.

4. Tìm ra nguyên nhân, Điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.”

Cơ quan điều tra có quyền hạn, nhiệm vụ: tiến hành điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do BLTTHS quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa. Cụ thể, CQĐT có những nhiệm vụ và quyền hạn sau: Khởi tố vụ án, khởi tố bị can: khi nhận được tin báo về tội phạm, Cơ quan Điều tra phải tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin, nếu có dấu hiệu của tội phạm thỉ ra quyết định khởi tố vụ án. Nếu xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội, có đủ căn cứ để khởi tố về hình sự thì Cơ quan Điều tra ra quyết định khởi tố bị can; Tiến hành hoạt động điều tra: Các hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, khám nghiệm hiện trường, đối chất, nhận dạng… được Cơ quan Điều tra tiến hành nhằm phát hiện, thu thập và kiểm tra chứng cứ xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; Được áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn và áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác; Ra quyết định tố tụng cần thiết để giải quyết vụ án: sau khi tiến hành các hoạt động điều tra, nếu đủ căn cứ để xác định tội phạm và người phạm tội, Cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố hoặc khi có căn cứ, Cơ quan Điều tra có thể ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra.

b. Viện kiểm sát

Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng. Điều 40 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm có:

“1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

3. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).

4. Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện).

5. Viện kiểm sát quân sự các cấp.”

Viện kiểm sát nhân dân hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành.  Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên.

Viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định tại Điều 2, 3, 4 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014.

Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự.

Trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát có quyền hủy bỏ quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố không có căn cứ của Cơ quan Điều tra và các cơ quan khác có thẩm quyền; có quyền tự mình khởi tố vụ án trong trường hợp luật định.

Trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát đưa yêu cầu được điều tra và trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát có quyền đưa ra các quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, quyết định việc truy tố bị can; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án, quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự nhằm bảo đảm xét xử đúng tội, đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời.

Trong giai đoạn thi hành án, Viện kiểm sát kiểm sát việc thi hành án nhằm đảm bảo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án được đưa ra thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật.

Trong giai đoạn giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu thấy có căn cứ, tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm, kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án.

c. Tòa án

Tòa án là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp theo quy định tại Điều 2 Luật tổ chức TAND 2014:

“1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.”

Hệ thống Tòa án gồm:

- Tòa án nhân dân tối cao;

-Tòa án nhân dân cấp cao;

-Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

-Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;

-Tòa án quân sự.

3. Người tiến hành tố tụng

Hoạt động trong các CQTHTT nói trên là những người tiến hành tố tụng. Những người này có chức danh nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau, tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của CQTHTT nơi họ công tác cũng như chức vụ được đảm nhiệm

a. Những người tiên hành tố tụng ở Cơ quan Điều tra gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra;

Chức năng, nhiệm vụ của các chức danh được quy định cụ thể tại các Điều 36, 37 và 38 của BLTHHS năm 2015.

b. Những người tiến hành tố tụng ở Viện kiểm sát có: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên. Chức năng nhiệm vụ của các chức danh này được quy định cụ thể tại Điều 41, 42, 43 BLTTHS 2015.

c. Những người tiến hành tố tụng ở Tòa án có: Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên. Chức năng nhiệm vụ của các chức danh này được quy định cụ thể tại các Điều 44 đến Điều 48 BLTTHS 2015.

Như vậy, mỗi giai đoạn trong một vụ án hình sự sẽ có những cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng riêng, các cơ quan tiến hành tố tụng có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng song hoạt động giữa các cơ quan các chủ thế có thẩm quyền đều hoạt động trong mối quan hệ mật thiết thống nhất với nhau để đi đến nhiệm vụ nhằm phát hiện chính xác nhanh chóng và xử ly công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư