2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Hòa giải tại cộng đồng là một biện pháp hoàn toàn mới được quy định để áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ Luật hình sự. Khác với biện pháp khiển trách, nhà làm luật không nêu rõ mục đích của biện pháp hòa giải tại cộng đồng mà đi thẳng vào nội dung cụ thể của biện pháp.
Điều 94 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về hòa giải tại cộng đồng như sau:
“Điều 94. Hòa giải tại cộng đồng
1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;
b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.”
Hòa giải tại cộng đồng áp dụng đối với 02 nhóm đối tượng sau:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng trừ tội phạm quy định tại các điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), 141 (Tội hiếp dâm), 171 (Tội cướp giật tài sản), 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), 249(Tội tàng trữ trái phép chất ma túy), 250(Tội vận chuyển trái phép chất ma túy), 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy) và 252 (Tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật hình sự.
Các tội phạm bị loại trừ áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng giống hòa toàn với đối tượng áp dụng của biện pháp khiển trách. Tuy nhiên xét về phạm vi thì nhóm đối tượng này rộng hơn. Nếu như đối với biện pháp khiển trách chỉ áp dụng khi người phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng thì biện pháp hòa giải tại cộng đồng này không phân biệt lần đầu hay lần bao nhiêu mà chỉ cần phạm tội ít nghiêm trọng và quy định thêm cả trường hợp phạm tội nghiêm trọng.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng trừ tội phạm quy định tại các điều 123 (Tội giết người), 134(Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) , 141(Tội hiếp dâm), 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi), 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), 150 (tội mua bán người), 151(tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật hình sự.
Khoản 3 Điều 94 Bộ luật hình sự có nhắc đến 03 cơ quan:
- Cơ quan điều tra: đây là cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.
- Viện kiểm sát: cơ quan tiến hành tố tụng giai đoạn truy tố vụ án hình sự.
- Tòa án: cơ quan tiến hành tố tụng có thâm quyền xét xử vụ án hình sự.
Cũng theo Khoản 3 Điều 94 Bộ luật hình sự, 03 cơ quan trên phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Như vậy, hòa giải tại cộng đồng có thể diễn ra tại bất cứ giai đoạn nào trọng quá trình giải quyết vụ án hình sự. Hòa giải ở giai đoạn nào thì cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn đấy phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành tổ chức hòa giải. Đặc biệt khác với khiển trách, hòa giải tại cộng đồng chỉ diễn ra khi có sự tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại.
Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;
b) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
c) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
d) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
Theo đó, có thể thấy rằng nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng bao gồm cả nghĩa vụ của người bị khiển trách. Ngoài ra, nghĩa vụ thêm đối với người bị áp dụng hòa giải tại cộng đồng là xin lỗi bị hại và bồi thường thiệt hại. Điều này không chỉ thể hiện thái độ nhận lỗi biết hành vi mình thực hiện gây nguy hiểm cho người khác của người phạm tội mà còn xoa dịu hậu quả của tội phạm mà bị hại phải gánh chịu.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh