2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Khởi tố vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng độc lập, mở đầu các hoạt động điều tra, là hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng xác định có sự việc phạm tội để tiến hành điều tra phát hiện tội phạm.
Tại Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) về căn cứ khởi tố vụ án hình sự được quy định như sau:
“Điều 143. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:
1. Tố giác của cá nhân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
6. Người phạm tội tự thú.”
Điều luật được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Điều 100 BLTTHS 2003, quy định cụ thể các căn cứ khởi tố vụ án hình sự.
Khởi tố vụ án hình sự là sự kiện pháp lý do Cơ quan có thẩm quyền thực hiện bằng việc ra quyết định xác nhận một vụ việc xảy ra là vụ án hình sự và bắt đầu các hoạt động khởi tố đối với vụ việc đó theo quy định của tố tụng hình sự.
Quyết định khởi tố vụ án hình sự là một văn bản tố tụng, xác định sự việc xảy ra trong thực tế có dấu hiệu của tội phạm. Quyết định này có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở pháp lý để tiến hành việc điều tra vụ án. Các hoạt động điều tra và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn chỉ được tiến hành sau khi có quyết định khởi tố vụ án, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Khi tiếp nhận tin tức về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xác định và đánh giá xem sự việc đó có hay không có dấu hiệu của tội phạm để từ đó quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Qua đó, kịp thời phát hiện tội phạm, hạn chế tối đa tình trạng bỏ lọt tội phạm cũng như bảo đảm được nguyên tắc không truy cứu trách nhiệm hình sự oan đối với người vô tội. Khởi tố vụ án không chỉ phát hiện ra tội phạm nhanh chóng mà còn là cơ sở để thực hiện nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm. Chỉ có thông qua những hoạt động kiểm tra, xác minh kịp thời các nguồn tin về tội phạm mới có điều kiện làm rõ một sự việc xảy ra có dấu hiệu của tội phạm hay không?
Để loại trừ những trường hợp oan sai, Điều luật quy định việc khởi tố vụ án hình sự chỉ được thực hiện khi đã có dấu hiệu của tội phạm.
Tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS 2015 như sau: “là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”
Dấu hiệu tội phạm là những chứng cứ, sự kiện ban đầu về hành vi phạm tội nói chung, có thể chưa xác định được người phạm tội cụ thể nào (Ví dụ một người bị bắn chết; hiện trường một vụ đột nhập nhà riêng trộm cắp tài sản.) Trên thực tế có nhiều trường hợp lúc đầu chỉ biết thông tin về sự kiện nhưng khi kiểm tra xác minh thì sự kiện đó không đủ dấu hiệu tội phạm.
- Tố giác của cá nhân: Là việc cá nhân tự giác cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền thông tin, tài liệu về tội phạm chưa được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng hình sự phát hiện và xử lý mà họ biết được.
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân: Là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đã phát hiện thông tin, tài liệu về tội phạm chưa được cơ quan có thẩm quyền tố tụng hình sự xử lý nên đã chủ động cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan có thẩm quyền điều tra.
- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng: Các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh, mạng xã hội.
- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước: Là việc các cơ quan nhà nước trong quá trình hoạt động đã phát hiện hoặc nhận được thông tin, tài liệu về tội phạm nên kiến nghị CQTHTT xem xét để xử lý.
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm: Là việc thông qua các hoạt động nghiệp vụ của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm.
- Người phạm tội tự thú: Là việc người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, họ đã đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để khai báo về hành vi phạm tội của mình.
Cần chú ý là các nguồn tin này chưa phải căn cứ khởi tố mà mới chỉ là cơ sở ban đầu để CQTHTT có thẩm quyền xác minh nhằm xác định có đủ hay không căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.
Như vậy, so với Điều 100 BLTTHS 2003, Điều 143 BLTTHS 2015 về cơ bản giữ nguyên nội dung Điều luật và có một số sửa đổi, bổ sung căn cứ xác định dấu hiệu của tội phạm:
Thứ nhất, tại khoản 1 Điều luật sửa cụ từ “tố giác của công dân” thành “tố giác của cá nhân”. Theo đó, phạm vi người tố giác tội phạm được mở rộng hơn, không chỉ bao gồm “công dân” mà còn bao gồm cả những người không phải là “công dân” Việt Nam như người nước ngoài, người không có quốc tịch. Như vậy khi có tố giác của cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng buộc phải xem xét xác minh tố giác để quyết định có hay không khởi tố vụ án hình sự.
Thứ hai, tại Khoản 2 Điều luật đã bổ sung thêm một căn cứ để xác định dấu hiệu tội phạm là “tin báo của cá nhân”
Thứ ba, bổ sung “kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước” cũng là một căn cứ để xác định dấu hiệu của tội phạm được quy định tại khoản 4 của Điều Luật.
Như vậy, khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn quan trọng, mở đầu cho các hoạt động điều tra, phải có quyết định khởi tố vụ án trước, rồi mới được tiến hành các hoạt động điều tra, trừ một số trường hợp đặc biệt, bảo đảm cho việc phát hiện nhanh chóng mọi hành vi phạm tội, là cơ sở để thực hiện nguyên tắc tránh bỏ lọt tội phạm trong thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự. Chỉ thông qua những hoạt động kiểm tra xác minh kịp thời các nguồn tin về tội phạm mới có điều kiện làm rõ một sự việc xảy ra có dấu hiệu của tội phạm hay không. Giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tiếp theo, tăng cường pháp chế, bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân được pháp luật bảo hộ.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh