Người phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:02 (GMT+7)

Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định tại Điều 157 BLHS

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Công dân có quyền tự do về thân thể, việc bắt, giữ, giam người khác chỉ được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải có dấu hiệu phạm tội và phải thực hiện việc bắt, giam, giữ người theo quy định của pháp luật. Các trường hợp người không có thẩm quyền lại bắt giữ người khác hoặc bắt, giữ, giam người không đúng trình tự quy định pháp luật đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Pháp luật hình sự quy định hành vi đó là Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

1. Căn cứ pháp lý tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Điều 157 thuộc Chương XV Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau:

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

2. Quy định của pháp luật về việc bắt, giữ, giam người khác

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định bắt người trong 3 trường hợp là bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang có lệnh truy nã:

“Điều 111. Bắt người phạm tội quả tang

1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền...

Điều 112. Bắt người đang bị truy nã

1. Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền...

Điều 113. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam

1. Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

...

3. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.”

Giữ người gồm 03 trường hợp là giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự và tạm giữ người theo thủ tục hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 2020 (có hiệu lực từ 01/01/2022).

 “Điều 110. Giữ người trong trường hợp khẩn cấp

1. Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người:

a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

2. Những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

b) Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương,...;

c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng....”

Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về đối tượng cũng như trình tự, thủ tục tiến hành tạm giữ người.

Tạm giữ người theo thủ tục hành chính được quy định tại Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 2020 (có hiệu lực từ 01/01/2022).

“Điều 122. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính

1. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác;

b) Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

c) Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

đ) Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.

...

3. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ.

Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng.

Giam người chỉ được thực hiện trong hai trường hợp:

- Sau khi Tòa án đã tuyên bố tội danh và án phạt đối với người phạm tội, được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

- Tạm giam theo quy định của Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

3. Dấu hiệu pháp lý của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

3.1. Khách thể của tội phạm

Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định:

Điều 20.

...

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.”

Bắt, giữ hoặc giam người là hành vi xâm phạm đến quyền tự do thân thể, quyền tự do đi lại của con người, của công dân.

Các hoạt động bắt, giữ hoặc giam người được quy định chặt chẽ trong Bộ luật tố tụng hình sự . Do đó, hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật còn xâm phạm những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Từ đó, khách thể của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tự do cá nhân của con người, của công dân và các quy định của pháp luật Tố tụng Hình sự.

3.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Hành vi này thể hiện trên 02 phương diện:

- Người không có thẩm quyền, không có chức năng hoạt động Nhà nước và cũng không phải trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang có lệnh truy nã nhưng vì lý do cá nhân đã có hành vi bắt, giữ, giam người trái phép.

- Người có chức năng hoạt động Nhà nước nhưng tiến hành bắt, giữ, giam người khi không đủ tài liệu chứng cứ hoặc khi đã đủ tài liệu chứng cứ về hành vi phạm tội của họ hoặc thẩm quyền, thủ tục tiến hành, thời gian không đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Luật Thi hành án Hình sự năm 2019.

Người phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có thể thực hiện cả ba hành vi: bắt, giữ hoặc giam người, nhưng cũng có thể chỉ thực hiện một trong ba hành vi đó.

Từ những quy định của pháp luật ta có thể hiểu hành vi khách quan của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật gồm 03 hành vi bắt người trái pháp luật, giữ người trái pháp luật và giam người trái pháp luật.

Bắt người trái pháp luật là hành vi bắt người mà không có lệnh của những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, không thuộc trường hợp bắt người có lệnh truy nã hoặc tuy có lệnh của những người có thẩm quyền nhưng việc tiến hành bắt không đúng thủ tục như bắt người vào ban đêm (sau 22 giờ) mà không thuộc trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang.

Hình thức bắt có thể là dùng vũ lực như trói, khóa tay hoặc đe doạ dùng vũ lực buộc người bị bắt phải đến nơi mà người phạm tội đã chọn. Nếu trong quá trình bắt mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, của người bị hại thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng với hành vi xâm phạm. Ví dụ Điều 126 - Tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội hoặc Điều 136 - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

Giữ người trái pháp luật là hành vi ra lệnh tạm giữ người không đúng với quy định của pháp luật; giữ người không có lệnh của người có thẩm quyền; giữ người quá hạn; giữ người thuộc trường hợp không được tạm giữ.

Giam người trái pháp luật là hành vi ra lệnh tạm giam người không đúng với quy định của pháp luật; giam người không có lệnh của người có thẩm quyền; giam người quá hạn; giam người thuộc trường hợp không được tạm giam.

Tính trái pháp luật trong việc bắt, giữ hoặc giam người là việc bắt, giữ hoặc giam người ngoài những trường hợp pháp luật cho phép. Vì vậy, khi xác định hành vi bắt, giữ hoặc giam người có trái pháp luật hay không, cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về việc bắt, giữ hoặc giam người. Những quy định này chủ yếu được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Hậu quả của hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trước hết là gây ra việc một người bị bắt, bị giữ hoặc bị giam trái pháp luật. Hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc mà nếu có thì là dấu hiệu định khung hình phạt.

Tội phạm hoàn thành khi có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xảy ra. Nếu người phạm tội có ý định bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đã chuẩn bị phương tiện, địa điểm, lực lượng để thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt được người bị hại thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.

3.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể thực hiện tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có thể là bất kì ai từ đủ 16 tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, chủ thể của tội phạm có thể là bất kì ai, là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch, có thể là cá nhân hoặc có đồng phạm thực hiện tội phạm.Chủ thể của tội này có thể là một công dân bình thường nhưng cũng có thể là người có chức vụ quyền hạn được bắt, giữ, giam người khác nhưng hành vi bắt, giữ giam người này trái thẩm quyền hoặc quá thời gian luật định.

 Thứ hai, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 9 Bộ luật Hình sự chia ra hai mức tuổi chịu trách nhiệm hình sự là người từ đủ 16 tuổi và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Khoản 2 Điều 9 quy định một số tội phạm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng không có các tội quy định tại Điều 157, Khoản 1 Điều 9 quy định người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội. Do đó, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là người từ 16 tuổi trở lên.

Thứ ba, chủ thể thực hiện tội phạm phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi. Thiếu một trong hai năng lực này, người đó bị coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật này.

3.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật, nhìn thấy trước hậu quả gây tổn hại đến thân thể, quyền tự do của nạn nhân nhưng vẫn mong muốn tội phạm xảy ra.

Nếu do thiếu trách nhiệm hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém mà bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì không phải là tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà tùy trường hợp cụ thể mà hành vi của người phạm tội có thể cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hành chính.

Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm. Người phạm tội phạm tội này có thể vì động cơ và mục đích khác nhau, nhưng nếu bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật vì mục đích thực hiện một tội phạm khác thì có thể bị truy cứu về tội có dấu hiệu mục đích là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm. Ví dụ, người bắt, giữ, giam người khác để đem bán thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người (Điều 150) hay nhằm mục đích chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì người phạm tội sẽ bị truy cứu về tội chiếm giữ người dưới 16 tuổi (Điều 153).

4. Hình phạt đối với người phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Điều 157 Bộ luật hình sự quy định 04 khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau:

- Khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này.

Điều 153 Bộ luật Hình sự quy định về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Điều 377 Bộ luật Hình sự quy định về tội tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật. Đây là trường hợp người phạm tội lợi dụng mình là người có chức vụ quyền hạn để bắt, giữ, giam người khác, nếu người phạm tội là người có chức vụ quyền hạn bắt, giữ, giam người trái luật nhưng ko lợi dụng chức vụ quyền hạn đó thì phạm tội theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự.

Như vậy, người nào thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người khác trái pháp luật mà không nhằm mục đích chiếm giữ người 16 tuổi và không lợi dụng chức vụ quyền hạn để bắt, giữ, giam người khác thì bị áp dụng hình phạt theo khung hình phạt nêu trên.

- Khung hình phạt phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật hình sự, tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù. Phạm tội theo Khoản 2 Điều 157 Bộ luật Hình sự thuộc loại tội phạm nghiêm trọng.

- Khung hình phạt phạt tù từ 05 năm đến 12 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Điều 9 Bộ luật Hình sự quy định, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù. Căn cứ quy định này, tội phạm tại Khoản 3 Điều 157 Bộ luật Hình sự thuộc tội phạm rất nghiêm trọng.

- Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ chỉ có tác dụng đối với người phạm tội là người có quyền hạn, chức vụ phạm tội còn đối với công dân bình thường sẽ không phải chịu hình phạt bổ sung này.

5. Các tình tiết định khung hình phạt cụ thể

a) Có tổ chức.

Cũng như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có tổ chức là trường hợp có nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau,vạch kế hoạch để thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi để tội phạm thực hiện thành công.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật  là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng.

c) Đối với người đang thi hành công vụ.

Đây là trường hợp người bị bắt, bị giữ hoặc bị giam ( người bị hại ) là người đang thi hành công vụ. Tức là người bị hại thực hiện một nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao phó. Nhiệm vụ được giao có thể là đương nhiên do nghề nghiệp quy định hoặc  người tuy không được giao nhiệm vụ nhưng họ tự nguyện tham gia vào việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong một số trường hợp nhất định như: đuổi bắt người phạm tội bỏ trốn; can ngăn, hòa giải những vụ đánh nhau ở nơi công cộng,... Người bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật phải là người đang thi hành nhiệm vụ đúng pháp luật, nếu thi hành nhiệm vụ trái với pháp luật mà bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

Mục đích người phạm tội thực hiện việc bắt, giữ, giam đối với người đang thi hành công vụ có thể vì công vụ mà nạn nhân thực hiện sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của người phạm tội.

d) Phạm tội 02 lần trở lên.

Là trường hợp hai lần trở lên bắt, giữ hoặc giam một người trái pháp luật, có thể là hai lần bắt, hai lần giữ hoặc hai lần giam người trái pháp luật trở lên, nhưng cũng có thể một lần bắt, một lần giữ hoặc giam người trái pháp luật nhưng chỉ đối với một người bị hại xảy ra nhiều thời điểm khác nhau. Ví dụ: A bắt B để buộc B phải trả tiền cho A, B hứa sẽ trả, nên A thả B ra, nhưng không thấy B trả tiền nên A lại bắt B lần thứ hai để khống chế buộc B phải trả tiền cho mình.

đ) Đối với 02 người trở lên.

Là trường hợp bắt, giữ hoặc giam từ hai người trở lên cùng một lần hoặc nhiều lần khác nhau.

Trong số những người bị bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật, có thể có người chỉ bị bắt, có người chỉ bị giữ, có người chỉ bị giam, nhưng cũng có thể có người vừa bị bắt, vừa bị giữ lại vừa bị giam.a

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ.

Người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ là những đối tượng yếu thế, cần được ưu tiên bảo vệ. Hành vi bắt, giữ hoặc giam đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ là hành vi vô cùng tàn nhẫn, không phù hợp với lẽ thường.

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn.

Đây là trường hợp hậu quả của việc bắt, giữ, giam người trái pháp luật vô cùng nghiêm trọng. Một con người hoặc một gia đình muốn sinh sống được ngoại trừ môi trường sống lành mạnh thì còn phải đảm bảo về mặt kinh tế. Nếu hành vi bắt, giữ, giam người trái pháp luật mà gây cho nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn (nạn nhân là trụ cột kinh tế duy nhất trong gia đình) thì kể cả nạn nhân có được thả ra thì nạn nhân và gia đình của nạn nhân cũng khó tiếp tục sống sót.

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi được coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật gây ra là trường hợp người bị bắt, bị giữ hoặc bị giam bị tổn hại đến sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên ngoài ý muốn của người phạm tội.

Căn cứ để đánh giá mức độ thương tích, mức độ rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân là kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

i) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát.

Làm nạn nhân chết là trường hợp trong lúc bắt, giữ hoặc giam nạn nhân đã sử dụng vũ lực khiến nạn nhân chết.

Làm nạn nhân tự sát là trường hợp nạn nhân cảm thấy mình không còn cơ hội thoát ra và không muốn tiếp tục tình trạng bị bắt hay giam giữ nữa nên tự tước đoạt mạng sống của mình.

Cái chết của nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả đối với hành vi bắt, giữ, giam của người phạm tội. Nếu nạn nhân chết không phải xuất phát từ nguyên nhân bị bắt, giữ hoặc giam thì người phạm tội không phải chịu tình tiết tăng nặng này.

k) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam.

Tra tấn là dùng bạo lực, nhục hình như dùi cui, tay chân đấm đá; không cho ăn uống, không cho mặc ấm trong thời tiết giá rét hoặc bắt làm những hành vi hạ nhục nạn nhân như bắt nạn nhân chui qua háng người phạm tội,...

6. Vụ án thực tế về tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật

Bản án số 1002/2020/HSPT ngày 29-12 -2020 “V/v xét xử Nguyễn Thị H1, Nguyễn Văn V1 và Lê Văn D1 phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật" của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.[1]

Vào hồi 20 giờ 00 phút ngày 16/01/2020, Cơ quan điều tra Công an huyện ĐA được Công an huyện CM, thành phố Hà Nội bàn giao đơn tố giác về tội phạm của ông Vũ Ngọc Tới, sinh năm 1963 trình  báo  Công  an  huyện CM về việc:

Vào khoảng 08 giờ ngày 15/01/2010 con gái ông Tới là chị Vũ Thị H12 bị một đối tượng nữ giới tên là H1và một số nam thanh niên đến xã DM, ĐA, Hà Nội bắt lên xe ô tô, BKS: 30F-934.38 đi về huyện CM và hiện không biết chị H12 ở đâu.

Sau khi nhận được hồ sơ vụ việc, Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh. Kết quả điều tra xác định:

Bị cáo Nguyễn Thị H1và chị Vũ Thị H12 quen biết nhau từ năm 2017, đến giữa năm 2018 chị H12 đã nhiều lần vay tiền của H1và đã trả gốc, lãi. Tháng 9/2018 chị H12 (Tự khai) có vay của H1 số tiền là: 30.000.000 đồng với lãi suất thỏa thuận 3000 đồng/1 triệu/ ngày.  Chị H12 trả tiền gốc được 6.000.000 đồng, trả lãi 03 tháng liên tục sau đó mất khả năng thanh toán, chị H12 xin không đóng lãi mà trả dần tiền gốc nhưng H1 không đồng ý. Đến tháng 12/2018 (âm lịch) chị H12 hỏi  vay H1 40.000.000 đồng  tiền chơi hội (chơi phường)  với  lãi  thỏa  thuận  là 300.000 đồng/tháng, H1 đồng ý. Các lần vay tiền giữa chị H12 với bị cáo H1 đều không viết giấy vay tiền. Sau đó chị H12 không có khả năng  trả nợ và xin khất nợ H1. Sau nhiều lần bị cáo H1 rủ bị cáo  Nguyễn Văn V1 đến quán cắt tóc của chị H12 tại thôn Mai Châu, xã DM, huyện ĐA, thành phố Hà Nội để đòi chị H12 số tiền 105.000.000 đồng  (gồm: 60.000.000 đồng  vay  trực tiếp và 45.000.000 đồng tiền chơi “phường” chưa đóng) nhưng không gặp. 

Bị cáo H1 hẹn các bị cáo V1, L1 đến ngày 15/01/2020 cùng đến quán cắt tóc của chị H12 chốt số tiền chị H12 nợ, H1 nhờ V1đặt trước xe taxi để đi ĐA.

Khoảng 08 giờ ngày 15/01/2020 bị cáo H1 gặp bị cáo V1 tại thôn Khôn Duy, xã MLY, CM, thành phố Hà Nội và thuê xe ô tô BKS:  30F-934.38  của anh Đinh Công Đ, sinh năm 1987; chạy  xe  taxi  Grab  chở sang huyện ĐA, thành phố Hà Nội. Bị cáo H1bảo anh Đương điều khiển xe đến thôn Đồng Du, xã HĐ, huyện CM, thành phố Hà Nội đón bị cáo L1 và bị cáo D1. Khi xe đến khu vực Chúc Sơn, huyện CM, anh Đương dừng xe ăn sáng, bị cáo H1 bàn với  các  bị cáo V1, D1và L1 khi  gặp H12 thì bắt lên  xe  rồi đưa đi nơi khác nói chuyện. Anh Đương chở các bị cáo H1, V1, D1và L1 đến quán cắt  tóc  của chị H12 nhưng cửa đóng. Bị cáo H1 hỏi người D1 và biết nhà trọ của chị H12 ở ngõ bên cạnh, H1 bảo anh Đ quay xe tìm nhà trọ chị H12. Khi đến  trục đường  ven thôn Mai  Châu, xã DM,  bị cáo H1 thấy  chị H12 đang  đi bộ ngược  chiều, H1 nói “nó kia kìa” rồi bảo dừng đỗ xe. Các bị cáo D1, L1, H1và V1 xuống xe đi về phía chị H12, các bị cáo D1, L1 cầm tay chị H12, D1 cầm tay chị H12 ép chị H12 vào ghế sau bên lái (cửa được mở sẵn). Chị H12 giằng co, chống cự bám tay vào cánh cửa xe thì V1, H1 kéo, gỡ tay chị H12, D1 và L1 đẩy chị H12 vào ghế sau của xe. Bị cáo L1 ngồi bên phải chị H12, bên trái là bị cáo D1và bị cáo V1 còn bị cáo H1 ngồi ghế phụ bên lái rồi bảo lái xe đi theo đường cũ về. Trên xe, bị cáo V1 hỏi chị H12 việc vay nợ với bị cáo H1 như thế nào. Chị H12 nói đã thống nhất với bị cáo H1 là chị Vũ Thị Ch, sinh năm 1988 là em gái chị H12 sẽ trả nợ thay 60.000.000 đồng, mỗi tháng trả 3.000.000 đồng. Bị cáo H1 không đồng ý yêu cầu chị H12 phải trả 105.000.000 đồng, mỗi tháng trả 5.000.000 đồng. Bị cáo H1 bảo anh Đ chở đến khu vực siêu thị Metro Hà Đông, đưa chị H12 vào  một quán nước để chị H12 gọi điện  thoại  cho  chị Ch đến  nói  chuyện nhận nợ thay cho chị H12 nhưng chị Chi không có nhà. Bị cáo H1 cùng với các bị cáo V1, D1và L1 tiếp tục đưa chị H12 về quán Spa của H1 thuộc thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm, huyện CM, thành phố Hà Nội. Lúc này,chị H12 bảo để chị H12 gọi điện  cho  bố mẹ mình  nhờ bố mẹ đến  nói  chuyện,  nhận  nợ thay  mình, sau đó chị H12 gọi điện về cho ông Vũ Ngọc T (bố đẻ chị H12) đến  quán  của H1 nói chuyện nhận nợ cho chị H12 nhưng ông T không đồng  ý.  Các bị cáo đổi địa điểm hẹn ông T đến khu vực xã Quảng Bị, huyện CM, ông T đồng ý. Bị cáo V1bảo anh Đ chở cả nhóm đến khu vực xã Quảng Bị, CM để đợi ông T. Bị cáo D1và bị cáo L1đi ăn liên hoan gần đó. Bị cáo H1, bị cáo V1 đưa chị H12 vào quán  cafe  của  chị Nguyễn  Thị Thu Phương, sinh năm 1993, bị cáo H1 gọi điện  thoại  hẹn  ông  T đến để xác  nhận  nợ và viết  giấy  nhận  nợ cùng chị H12. Ăn liên hoan xong, D1 quay lại quán gặp bị cáo H1 và bị cáo V1, bị cáo L1 đi về. Đến 15 giờ 15 phút ngày 15/01/2020, Công an huyện CM tiếp nhận đơn trình báo của ông Vũ Ngọc T, đã đến mời những người liên quan về trụ sở xác minh làm rõ.

Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể tự do cá nhân của người khác, xâm phạm đến trật tự trị an xã hội. Trong vụ án này, Nguyễn Thị H1 giữ vai trò là người khởi xướng và là người trực tiếp thực hiện hành vi bắt giữ chị H12, các bị cáo V1, D1 tham gia với vai trò là đồng phạm giúp sức tích cực. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã căn cứ tính chất, mức độ phạm tội và xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt các bị cáo Nguyễn Thị H1 xử phạt 16 tháng tù, Nguyễn Văn V1 14 tháng tù, Lê Văn D1 14 tháng tù là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại phiên tòa, các bị cáo không có tình tiết gì mới, nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.

Luật Hoàng Anh

 

 

 


 

[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta708550t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 24/06/2021.

 

 

Luật Sư Phạm Thị Thu Hà

Chuyên viên pháp lý Trịnh Thị Chình

Luật Sư Nguyễn Thị Ngàn

Luật Sư Vũ Khánh Hiếu

Luật Sư Nguyễn Thùy Dung

Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Mai Hương

Luật Sư Lê Tiến Thành

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diệu Quỳnh

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Thu Hiền

Luật Sư Đào Hồng Sơn

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HIỆP - Những con số biết nói

Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, Luật sư Nguyễn Đình Hiệp có sự am hiểu sâu sắc hệ thống pháp luật Việt Nam và triển khai thành công rất nhiều các vụ việc như:

2

Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại

2

Tư vấn cấp Giấy phép viễn thông cho doanh nghiệp Việt Nam

8

Tư vấn pháp lý thường xuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiêu biểu như Công ty CP Tập đoàn Bình Minh, Công ty CP DV Viễn thông Hải Phòng

10

Tư vấn, xử lý thu hồi công nợ và khởi kiện/khởi tố các đối tượng có nợ khó đòi

10

Tư vấn pháp lý đầu tư, giấy phép, chuyển nhượng các dự án khoáng sản. Tiêu biểu như Dự án khai thác Khoáng sản của Công ty khoáng sản An Vượng tại huyện Đà Bắc tỉnh Hoà Bình (50ha).

15

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư mở rộng sản xuất. Tiêu biểu như Dự án sản xuất 50 triệu sản phẩm điện tử thanh toán Công ty TNHH ST Vina (Hàn Quốc); Dự án mở rộng quy mô sản xuất của Công ty TNHH RFTech Việt Nam lên 20 triệu đô la Mỹ;

20

Tư vấn hợp đồng chuyển giao công nghệ và thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ (hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)

20

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư bất động sản. Tiêu biểu như Dự án khu nghỉ dưỡng tại Vịnh Lan Hạ, thành phố Hải Phòng (30ha); Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Avana Mai Chau Hideway, tỉnh Hòa Bình (32ha)

30

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong các lĩnh vực. Tiêu biểu như Dự án nhà máy sản xuất của Công ty Mass Well Limited, Công ty Modern Shine Limited tại Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình

300

Tư vấn hồ sơ công bố sản phẩm, hồ sơ phòng cháy chữa cháy, hồ sơ an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký mã số mã vạch, đăng ký/thông báo website…

500

Tư vấn bảo hộ nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế

700

Tư vấn, thực hiện các thủ tục, giấy phép con như: Giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp phép tạm trú cho người nước ngoài, Giấy phép trung tâm ngoại ngữ, Giấy phép ngành dược, Giấy phép quảng cáo…

2000

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp mới, chi nhánh, văn phòng đại diện trên cả nước; các thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp trên cả nước

3000

Tư vấn các vụ việc ly hôn, chia tài sản, quyền nuôi con; chia thừa kế; tranh chấp đất đai; tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư vấn miễn phí ngay Chat với luật sư