Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:05 (GMT+7)

Bài viết trình bày về nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự theo BLTTHS 2015

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 16 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được quy định như sau:

“Điều 16. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự

Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.”

2. Nội dung nguyên tắc

Điều luật này được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Điều 11 BLTTHS năm 2003, quy định về quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. BLTTHS năm 2015 tiếp tục ghi nhận nguyên tắc Hiến định về quyền con người đối với người bị buộc tội. Theo đó, tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.”

Ngoài ra, nội dung này một lần nữa được BLTTHS năm 2015 ghi nhận quyền “Tự bào chữa, nhờ người bào chữa” của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quy định cụ thể tại:

Điều 58. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt

Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền: “Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;”

Điều 59. Người bị tạm giữ

Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ. Và họ có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa

Điều 60. Bị can

Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.

Điều 61. Bị cáo

Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.”

Đây là một trong những nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa không chỉ thể hiện chính sách dân chủ, nhận đạo XHCN mà còn góp phần hạn chế, khắc phục những trường hợp oan sai, trong tố tụng hình sự. Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người bị buộc tội trong những trường hợp do pháp luật quy định, nếu người bị buộc tội, người đại diện thân thích của họ không mời được người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp pháp lý viên, yêu cầu luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc đề nghị Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình trong những trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 76 của BLTTHS năm 2015:

“1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.”

Không chỉ quy định nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội điều luật còn quy định việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Điều này thể hiện nhà nước không chỉ coi trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội mà còn tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Bị hại, đương sự có quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và cũng có quyền nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền ví lợi ích hợp pháp của họ.

Điều luật này cũng ghi nhận nguyên tắc đối với CQTHTT là: CQĐT, VKS, Tòa án và những người tiến hành tố tụng như Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT, Điều tra viên, Cán bộ điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên ( Điều 34 BLTTHS 2015) trong quyền hạn, nhiệm vụ của mình phải tạo điều kiện thông báo và giải thích quyền, nghĩa vụ cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong vụ án. Việc thông báo phải theo trình tự do Bộ luật TTHS năm 2015 quy định nhằm bảo đảm để người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

So với Điều 11 BLTTHS 2003 thì Điều 16 BLTTHS 2015 quy định người bị buộc tội không chỉ bao gồm người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà còn bao gồm cả người bị bắt cũng được bảo đảm quyền bào chữa. Bên cạnh đó, nội dung nguyên tắc này còn đảm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại và đương sự, cho thấy BLTTHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi chủ thể, cho thấy việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là một những biểu hiện dân chủ và nhân đạo XHCN, là bảo đảm quan trọng cho hoạt động xét xử được tiến hành một cách khách quan, công bằng và nhân đạo.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư