Nguyên tắc thi hành án hình sự

Thứ ba, 31/01/2023, 17:00:12 (GMT+7)

bài viết sau đây trình bày về nguyên tắc thi hành án hình sự

Thi hành án hình sự là một hoạt động mang tính quyền lực nhà nước nhằm đưa một bản án, một quyết định của Tòa án ra thi hành, là một cách để thực thi công lý, công bằng cho xã hội.  Qua đó nhằm mục đích quản lý, giáo dục, cảo tạo người bị kết án thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật. Vậy pháp luật hiện hành quy định thế nào về các nguyên tắc thi hành án hình sự. Bài viết sau đây của Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ vấn đề này.

Thi hành án hình sự là gì?

Thi hành án hình sự là hoạt động thực hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, thể hiện qua việc quản lý, tổ chức các biện pháp tác động đối với người bị kết án hình sự buộc họ phải thi hành đầy đủ, nghiêm chỉnh những nghĩa vụ pháp lý mà pháp luật đã quy định cụ thể đối với hình phạt mà họ bị Tòa án tuyên.

Nguyên tắc thi hành án hình sự

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Thi hành án hình sự 2019, các nguyên tắc thi hành án hình sự bao gồm:

Thứ nhất, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nguyên tắc thể hiện sự cần thiết phải nghiêm chỉnh chấp hành hoạt động thi hành án hình sự của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Thứ ba, bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án. Nguyên tắc này đã mở rộng đối tượng “người chấp hành biện pháp tư pháp”, “pháp nhân thương mại chấp hành án” so với Luật thi hành án hình sự 2010.

Thứ tư, kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án. Theo đó, trừng trị được đặt lên trước giáo dục cải tạo và ưu tiên. Sự kết hợp giữa “trừng trị” và “giáo dục cải tạo” phù hợp với quy định về bản chất. mục đích của hình phạt trong Bộ Luật hình sự.

Thứ năm, Thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội. Nguyên tắc này thể hiện sự nhân đạo của pháp luật đối với đối tượng là người dưới 18 tuổi.

Thứ sáu, khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để người chấp hành án được hưởng sự khoan hồng của pháp luật và sớm được tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ bảy, bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự. Nguyên tắc này bảo đảm các hành vi, quyết định của các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền phải được ban hành một cách chính xác, đúng quy định.

Thứ tám, Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật. Tái hòa nhập cộng đồng có ý nghĩa quan trọng. Đây là mục tiêu nhân văn cao cả mà xã hội hướng tới để chung tay đưa những người đã từng lầm lỡ trở về cuộc sống bình thường.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư