Nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:05 (GMT+7)

Bài viết trình bày về nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai theo quy định của BLTTHS 2015.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai được quy định như sau:

 “Điều 25. Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai

Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng.

Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.”

2. Nội dung nguyên tắc

Kịp thời, công bằng, công khai là một trong những thuộc tính quan trọng của xã hội dân chủ. Trong hoạt động tố tụng hình sự, yếu tố công khai được hiểu như một tư tưởng xuyên suốt trong quá trình tổ chức và hoạt động. Do vậy, nguyên tắc này được quy đinh tại khoản 3 Điều 103 Hiến pháp 2013 và được cụ thể hóa tại Điều 11 Luật tổ chức TAND 2014, theo đó: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín.” BLTTHS 2015 đã cụ thể hóa và xác định đó là một những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Nguyên tắc Tòa án xét xử trong thời hạn luật định đòi hỏi Tòa án phải đưa ra xét xử trong khoảng thời gian do pháp luật quy định, thời hạn này được quy định.

a. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, được quy định cụ thể tại Điều 277 BLTTHS năm 2015 cụ thể:

“1. Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

a) Đưa vụ án ra xét xử;

b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

c) Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.”

Đối với trường hợp không phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì thời hạn tối đa được tính là: 30 ngày đối với tội ít nghiêm trọng, tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội không lớn, mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt từ đến 3 năm; 42 ngày đối với tội nghiêm trọng, là tội phạm có tính chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội lớn, với mức hình phạt từ trên 3 năm đến 07 năm tù; 2 tháng đối với tội rất nghiêm trọng, là tội phạm có tinh chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội rất lớn, mức hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù; 3 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, là tội phạm có tinh chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, mức hình phạt cao nhất từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, thời hạn này cũng được Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn, cụ thể là: 45 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 02 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng; 2 tháng 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 03 tháng 15 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với trường hợp phải gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử thì thời hạn tối đa được quy định như sau: 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Thời hạn này, cũng được quy định chi tiết tại Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTT ngày 05/11/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn, cụ thể là: 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 2 tháng 15 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng; 3 tháng 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 4 tháng 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng.

b. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, được quy định cụ thể chi tiết tại Điều 346 BLTTHS năm 2015:

“1.Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

2. Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

a) Đình chỉ xét xử phúc thẩm;

b) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm.

4. Chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.”

Như vậy, TAND cấp tỉnh, TAQS cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; TANDCC, TAQS trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

c. Việc xét xử kịp thời, công bằng, công khai.

Một mặt bảo đảm cho nhân dân có thể kiểm tra, giám sát được hoạt động của Tòa án và mặt khác phát huy được tính giáo dục, chính trị-pháp lý và tác dụng phòng ngừa của hoạt động xét xử. Việc xét xử công khai là một trong những bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng đắn và nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm, được tiến hành đúng đắn và nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Luật sư bào chữa đối với việc thực hiện nghĩa vụ của chính mình, đối với việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật.

Phiên tòa xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đạt độ tuổi nhất định từ 16 trở lên đều có quyền tham dự phiên tòa, phiên tòa xét xử có thể được tiến hành tại phòng xét xử trong trụ sở của Tòa án, những cũng có thể được xét xử lưu động tại nơi xảy ra việc phạm tội hoặc nơi cư trú của bị cáo nếu xét thấy cần thiết. Nội dung phiên tòa, thời gian, địa điểm mở phiên tòa đều phải được niêm yết, công khai trước khi xét xử, kết quả xét xử tại phiên tòa có thể được công bố trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình hoặc bằng các phương tiện thông tin đại chúng khác cho mọi người biết.

Việc xét xử công khai được áp dụng đối với hoạt động xét xử sơ thẩm và hoạt động xét xử phúc thẩm. Việc xét xử kín chỉ được tiến hành trong trường hợp đặc biệt. Hiến pháp năm 2013 cũng có quy định về xét xử kín như sau tại khoản 2 Điều 31: "Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai."

Tại khoản 3 Điều 103: "Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín."

Theo quy định tại Điều 25 của BLTTHS năm 2015, các trường hợp tiến hành xét xử kín bao gồm: Giữ bí mật nhà nước (một số tội phạm liên quan đến bí mật nhà nước, ví dụ Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337 BLHS năm 2015);  Trường hợp cần giữ tuần phong mỹ tục của dân tộc (một số tội phạm về tình dục,tội phạm mà bị cáo là người chưa thành niên); Trường hợp cần giữ bí mật của đương sự ( một số tội phạm liên quan đến bí mật đời tư của những người tham gia vụ án). Và dù phiên tòa được tiến hành xét xử kín, nhưng bản án và quyết định của phiên tòa đó phải được tuyên công khai.

Trong thực tiễn xét xử ta thấy, việc không kịp thời xét xử trong thời hạn theo quy định làm kéo dài quá trình giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.  Bởi lẽ, khi bị đưa vào vòng quay tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo, những người này có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự như tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cứ trú và bị hạn chế một số quyền, chính vì vậy, xét xử kịp thời, tòa án sẽ nhanh chóng đưa ra phán quyết trong nhiều trường hợp họ vô tội , trả tự do và khôi phục quyền cho họ.Khắc phục những điểm hạn chế, Điều 25 BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc Tòa án “ xét xử công khai” thành nguyên tắc “ xét xử kịp thời, công bằng, công khai” để vụ án được xử lý kịp thời, đúng hạn và bảo vệ quyền con người.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư