Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm tra viên là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:07 (GMT+7)

Bài viết trình bày về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm tra viên theo quy định của BLTTHS 2015.

Thẩm tra viên là một trong những người tiến hành tố tụng. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm tra viên được quy định cụ thể trong BLTTHS năm 2015 như sau:

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 48 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm tra viên được quy định như sau:

“Điều 48. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm tra viên

1. Thẩm tra viên được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Thẩm tra hồ sơ vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo sự phân công của Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án;

b) Kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra với Chánh án Tòa án hoặc Phó Chánh án Tòa án;

c) Thẩm tra viên giúp Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ về công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án và nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án hoặc Phó Chánh án Tòa án.

2. Thẩm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án, Phó Chánh án Tòa án về hành vi của mình.”

2. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm tra viên

Điều Luật mới được xây dựng trong BLTTHS 2015, BLTTHS 2003 chưa có quy định về chức danh Thẩm tra viên. Điều luật này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm tra viên.

Thẩm tra” được hiểu là kiểm tra, xem xét các nội dung cơ bản của một vấn đề nào đó để đi đến kết luận về tính đúng đắn, tính hợp pháp và tính khả thi.

Thẩm tra viên là công chức chuyên môn của Tòa án đã làm Thư ký Tòa án 05 năm trở lên, được đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên và bổ nhiệm vào ngạch Thẩm tra viên. Thẩm tra viên có các ngạch: Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp.

Tiêu chuẩn, điều kiện và việc thi nâng ngạch Thẩm tra viên do Chánh án TANDTC. Thẩm tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án Tòa án về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nếu có hành vi vi phạm pháp luât thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Luật được quy định tại khoản 5 Điều 93 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014.

Khi được phân công tiến hành tố tụng đối với các vụ án hình sự, Thẩm tra viên có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Thẩm tra hồ sơ vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lưc pháp luật theo sự phân công của Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án. Tức là sau khi bản án đã được xét xử, Thẩm tra viên sẽ có nhiệm vụ, trách nhiệm kiểm tra lại xem bản án, quyết định đó của Tòa án đã đúng hay chưa? Có sự sai sót mà chưa phát hiện ra trong hoạt động tố tụng hay không, kiểm tra quá trình thực hiện thủ tục của cơ quan tiến hành tố tụng xem đã đúng trình tự và chuẩn xác hay chưa? Việc thẩm tra lại hồ sơ vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án có ý nghĩa giúp rà soát lại quá trình tố tụng vụ án, giúp nâng cao và bảo đảm quyền con người, vì Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng và bảo vệ quyền sống của mỗi công dân. Chính vì vậy, nên trong hoạt động tố tụng cần phải có sự xem xét và kiểm tra một cách chính xác, để tránh tuyên vô tội, án oan cho công dân, bỏ lọt tội phạm.

- Kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra với Chánh án hoặc phó Chánh án Tòa án. Sau khi, đã có sự thẩm tra, kiểm định lại vụ án mà không có sự sai sót nào thì Thẩm tra viên phải có bản kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra với Chánh án hoặc phó Chánh án.

- Thẩm tra việc giúp Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ về công tác thi hành thuộc thẩm quyền của Tòa án và nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án hoặc Phó Chánh án Tòa án.

Từ những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm tra viên ta thấy nhiệm vụ quyền hạn của Thẩm tra viên trong tố tụng hình sự chủ yếu được thể hiện sau khi quá trình xét xử vụ án đã hoàn tất, quyết định, bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật và lúc này Thẩm tra viên thực hiện chức năng xem xét, thẩm tra lại hồ sơ vụ án để tránh trường hợp xảy ra sai sót trong quá trình đưa ra xét xử và phán quyết. Đồng thời, theo sự phân công của Chánh án hoặc Phó Chánh án, Thẩm tra viên cũng hỗ trợ cho Phó Chánh án trong công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Điều luật quy định: “Thẩm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án, Phó chánh án tòa án về hành vi của mình. Nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do giữ vai trò là người tiến hành tố tụng nên các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 49; Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng được áp dụng đối với Thẩm tra viên; đối tượng mới được coi là người tiến hành tố tụng trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Theo đó, Thẩm tra viên sẽ phải bị từ chối hoặc bị thay đổi trong các trường hợp sau:

+ Thẩm tra viên, đồng thời là bị hại; đương sự; người đại diện; người thân thích của bị hại; đương sự; hoặc của bị can; bị cáo.

+ Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó.

+ Khi có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Như vậy, Thẩm tra viên giữ một vị trí quan trọng trong hoạt động tố tụng trong việc kiểm tra, đánh giá hồ sơ vụ án hình sự, tài liệu phục vụ xét xử của Tòa án được chặt chẽ, khách quan, tránh sai sót hơn trong quá trình tiến hành tố tụng.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư