2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Tội làm nhục người khác và Tội vu khống đều xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của con người, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến tình hình trị an đất nước. Tuy nhiên hai tội phạm này lại khác hẳn nhau. Trong nội dung bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ so sánh nội dung của tội làm nhục người khác và Tội vu khống.
Nội dung |
Tội làm nhục người khác |
Tội vu khống |
Căn cứ pháp lý |
Điều 155 Bộ luật Hình sự |
Điều 156 Bộ luật Hình sự |
Khách thể |
Tội phạm xâm phạm nhân phẩm danh dự của con người. Do đó, khách thể của tội phạm là quyền được Nhà nước bảo hộ về danh dự, nhân phẩm của con người. |
Tội vu khống xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của con người. Như vậy, khách thể của tội vu khống là quyền được Nhà nước bảo hộ về danh dự nhân phẩm của con người và các quyền và lợi ích hợp pháp của con người bị xâm hại. |
Mặt khách quan |
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và danh dự của nạn nhân. Hành vi đó được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, thỏa mãn thú vui của xác thịt v.v...Tất cả những hành vi này chưa tới mức cấu thành tội phạm như: Hiếp dâm, cưỡng dâm và không thuộc trường hợp dâm ô với người dưới 16 tuổi, mà chỉ xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Đó là hành vi cố ý hạ thấp nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc làm mất uy tín, nhân cách của người đó đối với người thân trong gia đình, bạn bè, cơ quan hay nơi họ sinh sống, nơi công cộng. Hành vi làm nhục người khác có thể được thực hiện công khai trước mặt người đó hoặc vắng mặt nạn nhân nhưng người phạm tội có ý thức để cho nạn nhân biết việc lăng nhục đó vì động cơ cá nhân. Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực như: bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế đe dọa buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình, nhưng tất cả các hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác. Trường hợp nếu hành vi làm nhục còn vì mục đích thực hiện tội phạm khác thì người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội làm nhục người khác lẫn cả tội phạm khác đó. Nạn nhân là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự. Việc xác định như thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng cũng là một vấn đề khá phức tạp, bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau, nhưng có người bị thấy nhục hoặc rất nhục, nhưng có người lại thấy bình thường, không thấy bị nhục. Về phía người phạm tội cũng có nhận thức tương tự như vậy, họ cho rằng với hành vi như thế thì người bị làm nhục sẽ nhục hoặc rất nhục, nhưng người bị hại lại thấy chưa bị nhục. Những chuẩn mực này, nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác được mà phải kết hợp với các yếu tố như: trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình v.v... Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục. Tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm người khác. |
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm gồm 03 hành vi: Bịa đạt những điều không có thực; Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt và Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Bịa đặt những điều không có thực Bịa đặt là tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có đối với người khác như: không tham ô thì bảo là tham ô, không quan hệ bất chính lại tố cáo là quan hệ bất chính, không nhận hối lộ lại tố cáo là nhận hối lộ, người đã tốt nghiệp đại học, đã bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ nhưng lại tố cáo họ là bằng giả v.v... Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt Tuy người phạm tội không bịa đặt, nhưng lại loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như: sao chép làm nhiều bản gửi đi nhiều nơi, kể lại cho người khác nghe, đăng tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng bài trên các trang mạng xã hội, v.v... Người có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt có thể biết điều đó do ai bịa đặt hoặc cũng có thể chỉ biết đó là bịa đặt còn ai bịa đặt thì không biết. Người loan truyền phải biết rõ điều mình loan truyền là không có thực nếu họ còn bán tin bán nghi thì cũng chưa cấu thành tội vu khống. Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền Đây là trường hợp tố cáo trước cơ quan có thẩm quyền về một tội phạm xảy ra và người thực hiện tội phạm hoàn toàn không có thực. Trong thực tế có nhiều trường hợp các cơ quan nhà nước nhận được tin báo về tội phạm và người phạm tội, sau khi xác minh thấy không có tội phạm xảy ra đã không khởi tố vụ án hình sự hoặc tuy đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can thậm chí đã truy tố ra trước Toà án và Toà án đã kết án người bị tố cáo, nhưng sau khi kiểm tra lại toàn bộ các tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập thì mới xác định tội phạm và người phạm tội bị tố cáo là không có thực, nhưng không phải vì thế mà cho rằng người đã tố cáo đã có hành vi vu khống mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định người tố cáo không đúng đó có phải là vu khống không. Tất cả những hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt hoặc tố cáo sai người phạm tội với cơ quan có thẩm quyền đều nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người bị hại. Những thiệt hại này có thể có xảy ra hoặc cũng có thể chưa xảy ra. Các hình thức vu khống như truyền miệng, viết bài, thơ ca hò vè, đơn tố giác, thư nặc danh... Trường hợp người đưa tin bịa đặt nhưng lầm tưởng những điều họ loan tin là có thật thì không phạm tội. Hậu quả xảy ra là nạn nhân bị mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tội vu khống được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội thực hiện hành vi loan truyền những điều bịa đặt cho người khác biết hoặc tố cáo với cơ quan Nhà nước về việc người khác phạm tội. |
Chủ thể |
Chủ thể của tội làm nhục người khác là bất kì ai có năng lực trách nhiệm hình sự từ 16 tuổi trở lên. |
|
Mặt chủ quan |
Chủ thể thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội hoàn toàn nhận thức rõ được hậu quả xâm hại danh dự nhân phẩm của nạn nhân, và hoàn toàn mong muốn hậu quả xảy ra. |
|
Hình phạt |
Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định 04 khung hình phạt áp dụng đối với tội làm nhục người khác như sau: - Khung hình phạt phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. - Khung hình phạt phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. - Khung hình phạt phạt tù từ 02 năm đến 05 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Làm nạn nhân tự sát. - Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Điều 156 Bộ luật Hình sự quy định 04 khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội vu khống như sau: - Khung hình phạt phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người nào thực hiện một trong các hành vi: a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. - Khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với 02 người trở lên; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người đang thi hành công vụ; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. - Khung hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 07 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: a) Vì động cơ đê hèn; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Làm nạn nhân tự sát. - Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh