Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về người làm chứng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:08 (GMT+7)

Bài viết trình bày các quy định hiện hành về người làm chứng

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) về người làm chứng được quy định như sau:

“Điều 66. Người làm chứng 

1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

2. Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bào chữa của người bị buộc tội;

b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

3. Người làm chứng có quyền:

a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

b) Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;

d) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Người làm chứng có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

b) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

5. Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

6. Cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.”

2. Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng:

Điều luật này được sửa đổi, bổ sung từ Điều 55 BLTTHS 2003, quy định về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng. BLTTHS 2015 đã đưa ra định nghĩa về người làm chứng rõ ràng và đầy đủ hơn cụ thể “Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.” Như vậy, BLTTHS 2015 đã bổ sung thêm điều kiện của người làm chứng là “phải được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng” – điều mà BLTTHS 2003 chưa đề cập.

Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến vụ án. Họ có thể trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy được, trực tiếp nghe thấy, hoặc có thể nghe người khác kể lại những tình tiết liên quan đến vụ án. Người làm chứng là người không thể thay thế trong tó tụng, vì họ tham gia tố tụng không phụ thuộc vào ý chí của họ hay ý chí của người tiến hành tố tụng, mà do chính họ biết được những tình tiế của vụ án bằng việc nhìn thấy hay nghe thấy.

Người làm chứng là người nhìn thấy hoặc nghe thấy những thông tin về vụ án, họ phải có khả năng nhận thức và khả năng khai báo (có năng lực hành vi), nếu người làm chứng có nhược điểm về thể chế hoặc tinh thần mà hạn chế về mặt nhận thức hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn thì không thể trở thành người làm chứng. Trường hợp có sự nghi ngờ người biết được các tình tiết có liên quan đế vụ án là người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần thì phải tiến hành giám định.

Về cơ chế bảo vệ người làm chứng được quy định chung trong Chương XXXIV (từ Điều 484 đến Điều 490 BLTTHS 2015) cùng với người tố giác tội phạm, bị hại, người và người tham gia tố tụng khác. Theo đó khi tham gia tố tụng, người làm chứng nếu bị cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có hành vi đe dọa hoặc cướng bức đến bản thân, người thân thích trong gia đình thì có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ được quy định tại Điều 486 BLTTHS 2015.

Nếu như BLTTHS 2003 quy định trong giai đoạn xác minh tố giác, tin báo về tội phạm chưa phát sinh tư cách người làm chứng thì đến BLTTHS 2015 đã quy định thời điểm người làm chứng tham gia tố tụng sớm hơn, kể từ khi cơ quan có thẩm quyền xác minh các nguồn tin về tội phạm. Đồng thời, xác định rõ cơ chế, biện pháp bảo vệ người làm chứng, tạo tâm lý an tâm cho người chứng minh khi tham gia tố tụng.

Người làm chứng là chủ thể trực tiếp tham gia tố tụng, không thể ủy quyền cho một người khác, đại diện của họ tham gia làm chứng thay họ, đối với người làm chứng chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi), người tiến hành tố tụng có thể yêu cầu cha, mẹ, hoặc thầy cô giáo giúp đỡ đẻ lấy lời khai, để hỏi về các tình tiết liên quan đến vụ án mà họ biết được.

BLTTHS quy định người bào chữa của người bị buộc tội và người do nhược điểm về tâm thần mà không có khả năng nhận thức được thì sẽ không được làm chứng. Bởi vì, Người bào chữa của người bị buộc tội có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội nên họ không được đưa ra lời khai chống lại người bị buộc tội sẽ không bảo đảm tính khách quan, còn người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất khi họ đã không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, vụ án dẫn đên có thể không có khả năng khai báo đúng đắn.

a. Quyền của người làm chứng:

- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này. Đây là trách nhiệm thông báo giải thích về quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải thực hiện theo quy định tại Điều 71 BLTTHS 2015;

- Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

-  Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;

- Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

b. Nghĩa vụ của người làm chứng:

- Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải theo điểm a khoản 2 Điều 127 BLTTHS 2015

- Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự quy định tại Điều 382 về Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, Điều 383 BLHS 2015 về tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu.

Qua đây ta có thể thấy, người làm chứng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án và được các cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập tham gia để khai báo về những sự việc cần phải xác minh trong vụ án. Do đó, cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia vào quá trình tố tụng.

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư