Quy định chung về thi hành biện pháp tư pháp

Thứ ba, 31/01/2023, 17:00:15 (GMT+7)

Bài viết sau đây trình bày về Quy định chung về thi hành biện pháp tư pháp

Cùng với hình phạt, các biện pháp tư pháp thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước. Các biện pháp tư pháp mang tính chất hỗ trợ cho hình phạt trong trường hợp cần thiết phải xử lí cơ bản, toàn diện người phạm tội về hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, thể hiện sự công minh của pháp luật đồng thời loại bỏ những điều kiện phạm tội, đảm bảo trật tự, an toàn cho xã hội. Trong những trường hợp nhất định như trường hợp người mắc bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi, các biện pháp tư pháp đóng vai trò loại bỏ khả năng dẫn đến hành vi nguy hiểm cho xã hội và là thể hiện cụ thể của nguyên tắc nhân đạo. Vậy pháp luật hiện hành quy định thế nào về thi hành biện pháp tư pháp? Hãy cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Biện pháp tư pháp là gì?

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, biện pháp tư pháp không phải là hình phạt, nó là biện pháp cưỡng chế do Bộ luật Hình sự quy định, được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội hoặc người có hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mất năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, nhằm mục đích hỗ trợ hoặc thay thế cho hình phạt. Biện pháp tư pháp có tính ít nghiêm khắc hơn hình phạt.

Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 132 Luật Thi hành án hình sự 2019, quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bao gồm:

- Quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh;

- Bản án, quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 132 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định quyết định áp dụng biện pháp tư pháp phải ghi rõ:

- Tên cơ quan, họ, tên, chức vụ người ra quyết định;

- Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người chấp hành biện pháp tư pháp;

- Tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, cơ quan ra quyết định phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

- Người chấp hành biện pháp tư pháp, người đại diện của người đó;

- Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp Tòa án ra quyết định;

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành biện pháp tư pháp cư trú;

- Cơ sở chữa bệnh tâm thần trong trường hợp bắt buộc chữa bệnh;

- Cơ quan đề nghị Tòa án, Viện kiểm sát áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành biện pháp tư pháp

Điều 133 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành biện pháp tư pháp bao gồm:

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao nhiệm vụ bắt buộc chữa bệnh tâm thần có nhiệm vụ thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh cho người bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

- Trường giáo dưỡng có nhiệm vụ thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

Bảo đảm điều kiện thi hành các biện pháp tư pháp

Để các biện pháp tư pháp được thực hiện một cách hiệu quả trên thực tế, pháp luật quy định về bảo đảm điều kiện thi hành các biện pháp tư pháp như sau:

- Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để thi hành các biện pháp tư pháp.

- Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình tham gia vào việc giáo dục người phải chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư