2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Pháp nhân thương mại phạm tội là việc pháp nhân thương mại thực hiện những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự Việt Nam. Khi pháp nhân thương mại bị kết án, pháp nhân thương mại phải chịu hình phạt và những biện pháp tư pháp khác theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Vậy pháp luật hiện hành quy định thế nào về cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại chấp hành án? Hãy cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu qua bài viết sau.
Điều 75 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:
“Điều 75. Pháp nhân thương mại
1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Theo đó, để được công nhận là pháp nhân thương mại thì trước hết pháp nhân đó phải thảo mãn các điều kiện về pháp nhân theo quy định tại Điều 74 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:
- Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Từ đó có thể đưa ra khái niệm pháp nhân thương mại như sau:
Pháp nhân thương mại là tổ chức được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tái ản của mình, nhân danh minh tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập và có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
Pháp nhân thương mại chấp hành án là pháp nhân thương mại bị kết án, phải chịu hình phạt, biện pháp tư pháp theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 55/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xác định cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại có trách nhiệm trong thi hành án như sau:
- Căn cứ bản án, quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự xác định các cơ quan có liên quan đến hoạt động của pháp nhân thương mại để phối hợp thi hành án đối với pháp nhân thương mại có hiệu quả.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự phải ra quyết định về danh sách các cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và gửi văn bản yêu cầu phối hợp tổ chức thi hành án đối với pháp nhân thương mại cho các cơ quan đó, kèm theo quyết định thi hành án. Văn bản yêu cầu phải nêu rõ nội dung các biện pháp cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại phải thực hiện theo Điều 164 Luật Thi hành án hình sự để đảm bảo việc thi hành án có hiệu quả.
- Ngay sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại phải thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 164 Luật Thi hành án hình sự được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án hình sự về việc thực hiện yêu cầu trong thi hành án và việc chấp hành án của pháp nhân thương mại để theo dõi, lưu hồ sơ thi hành án.
Khoản 3 Điều 160 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại chấp hành án thực hiện các thủ tục sau đây:
Thứ nhất, thực hiện biện pháp quy định tại Điều 164 của Luật này ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự kèm theo bản sao quyết định thi hành án và thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự kết quả thực hiện;
Thứ hai, công bố ngay trên cổng thông tin, trang thông tin điện tử của cơ quan mình, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp quyết định thi hành án, các biện pháp đã được áp dụng đối với pháp nhân thương mại quy định tại Điều 164 của Luật này, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp;
Thứ ba, phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan khác có liên quan kiểm tra, giám sát pháp nhân thương mại trong quá trình chấp hành án;
Thứ tư, phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan, tổ chức khác có liên quan cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Thứ năm, thực hiện thủ tục khác theo quy định của pháp luật.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh