Tại sao cần phải có lời khai của người chứng kiến?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:08 (GMT+7)

Bài viết trình bày về lời khai của người chứng kiến trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người chứng kiến trong tố tụng hình sự không phải là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án nhưng lại là người tham dự, chứng kiến và xác nhận hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Sự hiện diện của người chứng kiến trong tố tụng hình sự góp phần đảm bảo sự khách quan trong quá trình tiến hành tố tụng của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyến tiến hành tố tụng.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 97 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) Lời khai của người chứng kiến được quy định như sau:

“Điều 97. Lời khai của người chứng kiến

Người chứng kiến trình bày những tình tiết mà họ đã chứng kiến trong hoạt động tố tụng.”

2. Khái niệm và quyền của người chứng kiến

Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

Là chủ thể được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến và tham gia vào quá trình tiến hành tố tụng nên chủ thể người chứng kiên có quyền như sau:

- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

- Yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

- Xem biên bản tố tụng, đưa ra nhận xét về hoạt động tố tụng mà mình chứng kiến;

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia chứng kiến;

-Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật.

3. Thủ tục triệu tập và lấy lời khai người chứng kiến

Để lấy lời khai người chứng kiến, bắt buộc phải tiến hành triệu tập theo đúng trình tự tố tụng. Mặc dù BLTTHS năm 2015 không quy định nhưng thực tiễn áp dụng có thể vận dụng quy định tại Điều 185 BLTTHS năm 2015 về triệu tập người làm chứng, trong đó phải tuân thủ yêu cầu của giấy triệu tập, thủ tục giao nhận giấy triệu tập. Biên bản lấy lời khai người chứng kiến cũng không thể lập tùy tiện mà phải tuân thủ chung về biên bản điều tra quy định tại Điều 178 của BLTTHS, thực hiện theo mẫu quy định việc lấy lời khai của người chứng kiến có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Kiểm sát viên có thể lấy lời khai người chứng kiến trong trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan; có vi phạm pháp luật; hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn, không phê chuẩn quyết định tố tụng hoặc để quyết định việc truy tố…

Các hoạt động tố tụng như các biện pháp ngăn chặn và các hoạt động điều tra phải có người chứng kiến, gồm: bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 113); biên bản về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, biên bản bắt người (Điều 115); kê biên tài sản (Điều 128); nhận dạng (Điều 190); nhận biết giọng nói (Điều 191); khám xét người (Điều 194); khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện (Điều 195); thu giữ thư tín, điện tín, bưu điện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính viễn thông (Điều 197); khám nghiệm hiện trường (Điều 201); khám nghiệm tử thi (Điều 202); xem xét dấu vết trên thân thể (Điều 203); thực nghiệm điều tra (Điều 204); kê biên tài sản (Điều 437).

Vậy những trường hợp nào phải lấy lời khai của người chứng kiến? Điều 97 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về lời khai của người chứng kiến, tuy nhiên, trường hợp nào phải lấy lời khai của người chứng kiến và nếu không lấy lời khai của người chứng kiến thì có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không lại chưa quy định cụ thể.

Người chứng kiến đã là người thành niên, có năng lực nhận thức, hành vi đầy đủ, khi họ ký vào văn bản tố tụng tức là họ đã xác nhận hoạt động tố tụng diễn ra bình thường, hợp pháp. Do vậy, chỉ bắt buộc lấy lời khai của người chứng kiến trong những trường hợp sau:

+ Thứ nhất, khi bị can, bị cáo, bị hại, những người tham gia tố tụng khác khiếu nại, có ý kiến về tính khách quan của văn bản, hoạt động tố tụng và có người chứng kiến. Trong trường hợp này bắt buộc phải lấy lời khai người đã chứng kiến, xác nhận hoạt động tố tụng để củng cố chứng cứ, khẳng định hoặc bác bỏ ý kiến khiếu nại của những người tham gia tố tụng.

+ Thứ hai, khi chính người chứng kiến có đơn, ý kiến đề nghị xem xét lại tính hợp pháp, khách quan của hoạt động tố tụng, văn bản tố tụng hoặc cho rằng mình không tham gia chứng kiến hoạt động tố tụng đó và chữ ký là giả mạo. Trường hợp này phải lấy lời khai cụ thể việc họ có mặt khi tiến hành hoạt động tố tụng trong thực tế không? Tại sao lại ký xác nhận vào biên bản? Trường hợp cần thiết có thể giám định chữ ký, tuổi mực để có căn cứ bác bỏ hoặc khẳng định ý kiến của người chứng kiến.

+ Thứ ba, khi có mâu thuẫn về thời gian, thành phần người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng như: Hoạt động tố tụng tiến hành tại các địa điểm khác nhau, trong cùng thời gian nhưng lại có cùng thành phần người tiến hành tố tụng; thời gian tiến hành khám nghiệm hiện trường tiến hành trước khi sự việc xảy ra; sơ đồ khám nghiệm hiện trường thể hiện khám nghiệm vào buổi sáng nhưng biên bản khám nghiệm thể hiện tiến hành vào buổi chiều… Những trường hợp này nhất thiết phải lấy lời khai của những người chứng kiến để làm rõ đúng bản chất của hoạt động tố tụng.

Như vậy, đây là Điều luật mới được quy định trong BLTTHS 2015. Người chứng kiến có nghĩa vụ trình bày trung thực những tình tiết mà mình chứng kiến theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Lời khai của họ cần làm rõ chứng kiến hoạt động gì, thời gian, địa điểm, người chủ trì, người tiến hành, tham dự, kết quả.Điều đó có ý nghĩa giúp bảo đảm sự khách quan, khả thi trong hoạt động tố tụng.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư