Tại sao cần phải xử lý vật chứng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:08 (GMT+7)

Bài viết trình bày về trách nhiệm xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật hiện hành.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) xử lý vật chứng được quy định như sau:

“Điều 106. Xử lý vật chứng

1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về xử lý vật chứng

Tùy theo từng giai đoạn tố tụng: điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử, tiến hành xét xử và vụ án được đình chỉ ở giai đoạn nào thì việc xử lý vật chứng do cơ quan có thẩm quyền tương ứng với từng giai đoạn đó quyết định. Việc thi hành các quyết định này phải được ghi vào biên bản.

Các hình thức xử lý vật chứng như sau:

- Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc bị tiêu hủy. Vật chứng là vật cấm lưu hành thì bị tịch thu và được giao cho cơ quan chuyên trách như ấn phẩm đồi trụy, được giao cho Cơ quan văn hóa, chất nổ giao cho Cơ quan quản lý vật liệu nổ để xử lý hoặc tiêu hủy.

- Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước.

- Vật chứng không có giá trị hoặc hoặc không sử dụng được thì tịch thu và tiêu hủy.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

- Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó. Trong thực tiến điều tra, để không bỏ lọt vật chứng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nếu thấy có dấu hiệu của vật chứng là tiến hành thu giữ. Sau này điều tra làm rõ có những vật không phải là vật chứng của vụ án vì không thỏa mãn quy định tại Điều 89 BLTTHS.

- Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án. Cơ sở để xác định không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án là những thông tin, giá trị, hình ảnh, đặc điểm của vật chứng đã được ghi nhận, phản ánh trong hồ sơ vụ án như xe máy của bị hại, tài sản cướp được trả cho chủ sở hữu.

- Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy như rau, củ quả, đồ tươi sống là thực phẩm…

- Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP:

“Điều 7. Về việc xử lý vật chứng

1. Việc xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện như sau:

a) Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

b) Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

c) Vật chứng khác không thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

2. Đối với vật chứng đã được xử lý theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, khi xét xử, Tòa án căn cứ vào biên bản thu giữ, bản ảnh, dữ liệu điện tử, biên bản giám định, biên bản giao nhận, quyết định xử lý vật chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan trong hồ sơ vụ án để giải quyết.

3. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành.”

Và việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ được quy định cụ thể tại  Điều 13 Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BT:

“Điều 13. Quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ

1. Việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 90 và khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trường hợp xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ có tính chất phức tạp thì các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi, thống nhất bằng văn bản biện pháp xử lý trước khi ra quyết định xử lý.

2. Quyết định xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ được gửi ngay cho cơ quan quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ, người có liên quan để thực hiện. Trường hợp tạm đình chỉ vụ án, vụ việc nhưng không xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ thì cơ quan ra quyết định thông báo cho cơ quan quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ để tiếp tục bảo quản. Trong quá trình quản lý, nếu phát hiện vật chứng, tài sản tạm giữ bị hư hỏng, biến chất hoặc có thể gây mất an toàn thì cơ quan, người quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ kịp thời thông báo cho cơ quan ra quyết định tạm đình chỉ để có biện pháp xử lý.”

TAND có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự những việc tranh chấp về sở hữu vật chứng do công dân, tổ chức khởi kiện theo quy định của BLTTDA 2015 để yêu cầu TAND bảo vệ quyền lợi của mình.

Những điểm mới của Điều luật so với quy định trong BLTTHS 2003 đó là: Bổ sung cơ quan có thẩm quyền xử lý vật chứng “cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”. Quy định bổ sung xử lý vật chứng ở giai đoạn chuẩn bị xét xử “do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử”; “trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó”; “Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư