Thay đổi hoặc từ chối người bào chữa được Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:07 (GMT+7)

Bài viết trình bày về nội dung thay đổi hoặc từ chối người bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Vấn đề thủ tục lựa chọn và chỉ định người bào chữa đã có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn khác nhau, thể hiện tại các khoản 1, 2 Điều 57 BLTTHS 2003 quy định. Tuy nhiên những quy định này chỉ mới dừng lại ở mức chung, mang tính nguyên tắc nên thực tiễn áp dụng không thống nhất, trong nhiều trường hợp còn gây cản trở việc thực hiện quyền bào chữa. Khắc phục những bất cập này, BLTTHS 2015 dành một Điều quy định về sự thay đổi hoặc từ chối người bào chữa, trong đó quy định cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục, thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 77 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về thay đổi hoặc từ chối người bào chữa được quy định như sau:

“Điều 77. Thay đổi hoặc từ chối người bào chữa

1. Những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa:

a) Người bị buộc tội;

b) Người đại diện của người bị buộc tội;

c) Người thân thích của người bị buộc tội.

Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này.

2. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối.

3. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

Trường hợp thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Bộ luật này.

Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.”

2. Nội dung về quy định về thay đổi hoặc từ chối người bào chữa

Điều luật được xây dựng trên cơ sở tách ra từ Điều 57 BLTTHS 2003, quy định về quyền thay đôi và từ chối người bào chữa.

Những người có quyền lựa chọn người bào chữa thì cũng có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa, cụ thể là:

- Người bị buộc tội;

- Người đại diện của người bị buộc tội;

- Người thân thích của người bị buộc tội.

Tuy nhiên, mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa (do người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội thực hiện) đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hơp người bị buộc tội là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì việc người đại diện hoặc người thân thích từ chối hoặc thay đổi người bào chữa được chỉ định thì không cần có sự đồng ý của người bị buộc tội.

Người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tham gia trong giai đoạn điều tra có quyền từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ.Trong trường hợp này, Điều tra viên phải cùng người bào chữa bị từ chối vào cơ sở giam giữ trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối, Quy định này nhằm bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, ngăn ngừa tình trạng người bị buộc tội từ chối người bào chữa mà không phải do ý muốn của mình. Và có thể, sau khi người bị buộc tội được gặp được Điều tra viên và người bào chữa do người thân thích của họ nhờ, qua trao đổi, giải thích các quy định về pháp luật về vai trò của người bào chữa trong quá trình tham gia tố tụng, họ thay đổi việc từ chối và vẫn có quyền tiếp tục có nguyện vọng nhờ người bào chữa.

Trường hợp bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình được chỉ định người bào chữa thì họ và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

Trường hợp thay đổi người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có thẩm quyền thực hiện chỉ định người bào chữa mới cho bị can, bị cáo theo quy định.

Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.

So sánh với Điều 57 BLTTHS 203, Điều 77 BLTTHS 2015 có những điểm mới sau:

  • Trao quyền lựa chọn người bào chữa cho người thân thích của người bị buộc tội cũng như quyền được từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa của những người này.
  • Quy định cụ thể quyền cũng như các trường hợp từ chối hoặc thay đổi người bào chữa; đặc biệt là quy định trách nhiệm của Điều tra viên trong trường hợp  người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ; Điều tra viên phải cùng người bào chữa bị đề nghị từ chối vào cơ sở giam giữ trưc tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối.

Như vậy, với việc quy định chặt chẽ các trường hợp cũng như chủ thể có quyền thay đổi hoặc từ chối người bào chữa tham gia tố tụng đã bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người bị buộc tội.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư