2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Thu thập chứng cứ là hoạt động phát hiện, ghi nhận, thu giữ và bảo quản chứng cứ. Để sử dụng chứng cứ với tính chất là căn cứ xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, trước hết cần phải thu thập nó. Vì vậy, có thể nói, thu thập chứng cứ là một bước quan trọng của quá trình chứng minh
Căn cứ Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật thu thập chứng cứ được quy định như sau:
“Điều 88. Thu thập chứng cứ
1. Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
2. Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
3. Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
4. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.
5. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.”
Mở rộng tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá, là trung tâm của cải cách tư pháp. Để thực hiện được Điều này, Luật đã quy định mọi người có quyền thu thập và xuất trình các tài liệu chứng cứ để làm rõ vụ án. Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.
Để thu thập chứng cứ, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền và trách nhiệm tiến hành những hoạt động điều tra theo đúng chức năng và quyền hạn do pháp luật tố tụng quy định, trên cơ sở thực tiễn yêu cầu điều tra cụ thể, để tiến hành những hoạt động điều tra cho phù hợp. Các hoạt động như lấy lời khai; khám xét thu giữ, đồ vật, tài liệu, vật chứng; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản; hỏi cung bị can; đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra; thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân, cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
Để giải quyết đúng đắn vụ án, chống oan sai thì việc phát huy vai trò của người bào chữa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, luật quy định để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Như người bào chữa có quyền yêu cầu giám định, định giá tài sản, tham dự việc hỏi cung bị can.
Để tăng cường sự giám sát và phản biện xã hội, thực hiện công khai, dân chủ trong tố tụng hình sự, luật quy định những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề liên quan đến vụ án. Đây cũng là cơ sở để có tài liệu, chứng cứ mở rộng tranh tụng trong hoạt động xét xử tội phạm.
Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người tham gia tố tụng hoặc bất cứ người dân nào cũng cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra đánh giá theo quy định của BLTTHS 2015. Luật quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng như vậy để tránh thờ ơ, gây phiền hà, vô trách nhiệm, đồng thời phát huy vài trò của người dân trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để thực hiện kiểm sát hoạt động điều tra theo đúng thời gian và trình tự mà luật quy định. Việc chuyển, giao nhận biên bản được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 13, Điều 34 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP:
“Điều 13. Thông báo; chuyển biên bản về các hoạt động điều tra
3. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia kiểm sát các hoạt động điều tra nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, thì sau khi kết thúc hoạt động điều tra, Điều tra viên phải chuyển biên bản, tài liệu về các hoạt động điều tra này cho Kiểm sát viên theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự.”
“Điều 34. Chuyển, giao nhận biên bản, tài liệu trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự
1. Việc chuyển biên bản, tài liệu về hoạt động điều tra mà Viện kiểm sát không trực tiếp kiểm sát giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự được chuyển giao trực tiếp hoặc được gửi bảo đảm qua dịch vụ bưu chính; trường hợp do trở ngại khách quan, Điều tra viên không thể chuyển giao biên bản, tài liệu cho Viện kiểm sát thì có thể chuyển giao bằng hình thức fax.
2. Trường hợp chuyển giao trực tiếp thì ngày chuyển là ngày lập biên bản giao nhận.
Trường hợp gửi bảo đảm qua dịch vụ bưu chính thì ngày chuyển là ngày theo dấu bưu điện nơi gửi; bì thư gửi biên bản, tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án. Người trực tiếp nhận biên bản, tài liệu của Viện kiểm sát phải kiểm tra niêm phong; nếu niêm phong không còn nguyên vẹn thì phải lập biên bản ngay xác nhận tình trạng, có xác nhận của nhân viên bưu chính và báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát, đồng thời thông báo ngay cho Cơ quan điều tra để phối hợp giải quyết. Trường hợp niêm phong còn nguyên vẹn nhưng biên bản, tài liệu thiếu so với bản thống kê biên bản, tài liệu thì phải báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để lập biên bản ngay và thông báo cho Cơ quan điều tra biết để phối hợp giải quyết.
Trường hợp chuyển giao bằng hình thức fax, ngay sau khi không còn trở ngại khách quan, Điều tra viên phải chuyển biên bản, tài liệu gốc cho Viện kiểm sát. Kiểm sát viên phải kiểm tra, đối chiếu, nếu thấy biên bản, tài liệu tiếp nhận đúng với biên bản, tài liệu nhận được qua bản fax thì xác nhận ngày Cơ quan điều tra đã chuyển biên bản, tài liệu là ngày Viện kiểm sát nhận biên bản, tài liệu bằng bản fax.
3. Việc giao nhận biên bản, tài liệu phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự.”
Những điểm mới của Điều luật so với quy định trong BLTTHS 2003: Đã thay cụm từ “Cơ quan Điều tra , Viện kiểm sát, Tòa án” thành “có quan có thẩm quyền tiến hành tô tụng”; bổ sung đề nghị cung cấp “dữ liệu điện tử”, bổ sung quy định việc tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và lập biện bản giao nhận theo quy định, bổ sung quy định Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát thực hiện kiểm sát hoạt động điều tra.
Như vậy, vấn đề thu thập chứng cứ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lý luận xây dựng BLTTHS và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử tội phạm. Việc xây dựng được bộ khung pháp lý chặt chẽ về thu thập chứng cứ tạo điều kiện cho quá trình thu thập chứng cứ trên thực tiễn được tiến hành thuận lợi, bảo đảm cho quá trình chứng minh tội phạm được nhanh chóng, khách quan góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh