Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy là gì và khung hình phạt ra sao?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:58 (GMT+7)

Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 2015 với bốn khung hình phạt chính và một khung hình phạt bổ sung

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy tại Điều 257, cụ thể như sau:

“Điều 257. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;

d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

e) Đối với 02 người trở lên;

g) Đối với người đang cai nghiện;

h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội trong trường hợp làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”

Các yếu tố cấu thành tội phạm nói chung bao gồm 4 yếu tố: Khách thể của tội phạm, chủ thể của tội phạm, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm. Đối với tội cưỡng bước người khác sử dụng trái phép chất ma túy cũng có 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Cụ thể như sau:

1. Khách thể của tội phạm

Cưỡng bức là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lưc hoặc các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác buộc họ sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ.

Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy xâm phạm quyền tự do và sức khỏe, tính mạng của con người và gây ra tệ nạn ma túy đồng thời xâm phạm trật tự, an toàn xã hội.

2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi buộc người khác sử dụng trái phép chất ma túy bằng một trong các thủ đoạn sau:

- Dùng vũ lực: Là dùng sức mạnh vật chất tác động vào người khác, như đánh, chém, trói, nhốt… (để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ).

- Đe dọa dùng vũ lực: Là đe dọa sẽ gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe cho người khác (để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ).

- Uy hiếp tinh thần của người khác: Là đe dọa gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín…cho người khác bằng bất kì cách thức nào (để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ).

Kết quả của hành vi khách quan nêu trên là việc người khác đã sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ.

3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS và đã thực hiện hành vi được mô tả trong Điều 257.

4. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý có lỗi cố ý trực tiếp, khi thực hiện, người phạm tội nhận thức rõ hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy là gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó, nhưng vẫn mong muốn thực hiện nó.

5. Hình phạt

Điều 257 BLHS năm 2015 quy định bốn khung hình phạt chính (khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4) và một khung hình phạt bổ sung (khoản 5) đối với người phạm tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy như sau:

- Khoản 1: Quy định khung hình phạt tù từ 02 đến 07 năm đối với các trường hợp phạm tội cấu thành cơ bản không có tình tiết tăng nặng.

- Khoản 2: Quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với các trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết tăng nặng sau:

+ Có tổ chức: được hiểu là hành vi phạm tội được thực hiện bởi từ 02 người trở lên và có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (Khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 về phạm tội có tổ chức)

+ Phạm tội 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy tố, xét xử trong các lần phạm tội

+ Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi: là trường hợp thực hiện hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy xuất phát từ các động cơ thấp hèn như để trả thù bố mẹ nạn nhân hoặc để khống chố họ thực hiện tội phạm,… hoặc xuất phát từ lợi ích cá nhân người phạm tội như được thuê thực hiện hành vi cưỡng bức đó,…

+ Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi: căn cứ vào giấy khai sinh để xác định độ tuổi của nạn nhân

+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai: căn cứ vào kết luận của bác sĩ, tổ chức y tế có thẩm quyền

+ Đối với 02 người trở lên được hiểu là trong một lần thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội đối với từ 02 người trở lên.

+ Đối với người đang cai nghiện: là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với người đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận họ nghiện ma túy và đang được cai nghiện tại trung tâm cai nghiện, tại gia đình hoặc cồng dân cư [1].

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%: căn cứ vào Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân.

+ Gây bệnh nguy hiểm cho người khác: là trường hợp người phạm tội (có thể biết hoặc không biết) đã gây ra cho người bị cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy một số bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, viêm gan B,…

*Lưu ý: Trường hợp người cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy biết bản thân họ hoặc người khác đã nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người sử dụng chất ma túy thì cùng với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm i, khoản 2, Điều 257 của BLHS, người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 148 của BLHS hoặc tội cố ý truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 149 của BLHS.

+ Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy hoặc trường hợp người phạm tội đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện phạm tội này. (Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015 về tái phạm, tái phạm nguy hiểm)

- Khoản 3: Quy định hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm đối với các trường hợp phạm tội với một trong các tình tiết tăng nặng sau:

+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người: căn cứ vào Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân và phải làm rõ nguyên nhân gây chết người từ hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

+ Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên: là trường hợp người phạm tội (có thể biết hoặc không biết) đã gây một số bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, viêm gan B,… cho 02 người trở lên bị cưỡng bức sử dụng trái phép chất ma túy.

+ Đối với người dưới 13 tuổi: Căn cứ vào giấy khai sinh để xác định độ tuổi của nạn nhân.

- Khoản 4: Quy định hình phạt tù từ 20 năm hoặc tù chung thân với trường hợp người phạm tội làm chết 02 người trở lên. Trường hợp này là việc cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đã gây ra cái chết của từ hai người trở lên.

- Khoản 5 quy định hình phạt bổ sung: hình phạt bổ sung có thể bị áp dụng đối với người phạm cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

[1] Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007 về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999, Phần II, Mục 6.3.a

Luật Hoàng Anh

 

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư