2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Ngoài tội cướp tài sản, tội chiếm đoạt tài sản, pháp luật còn quy định tội cướp giật tài sản cũng thuộc các tội xâm phạm quyền sở hữu của con người.
Điều 171 Chương XVII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội cướp giật tài sản như sau:
“Điều 171. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Hành vi cướp giật tài sản là hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản, hành vi này có thể gây tổn hại đến thân thể, nhân phẩm, danh dự của người bị hại hoặc không. Tội phạm xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản và quyền nhân thân của bị hại.
Sự xâm phạm quyền sở hữu thể hiện ở chỗ, người phạm tội mong muốn chiếm đoạt tài sản của bị hại. Quyền sở hữu tài sản của con người gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.
Quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Người chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu do được uỷ quyền, được giao mà không kèm theo việc chuyển quyền sở hữu thì việc thực hiện các quyền chiếm hữu chỉ được thực thi trong phạm vi giới hạn của các hành vi và theo thời gian mà chủ sở hữu cho phép.
Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất của tài sản trong phạm vi pháp luật cho phép. Việc sử dụng tài sản là một trong những quyền quan trọng và có ý nghĩa thực tế đối với chủ sở hữu.
Quyền định đoạt là quyền năng của chủ sở hữu để quyết định về “số phận” của tài sản, có thể là trưng bày, lưu giữ, tiêu dùng hết, huỷ bỏ..., hoặc cũng có thể là bán, cho, tặng,...
Điều 105 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 quy định về tài sản:
“Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Sự xâm phạm quyền nhân thân của người bị hại thể hiện ở việc người phạm tội thực hiện hành vi cướp giật đối với bị hại. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trong quyền nhân thân có các quyền khác như Quyền sống, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín,...
Các quyền này được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015.
Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền nhân thân; quyền sở hữu tài sản của con người và các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ nhân thân; quan hệ sở hữu của con người.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi cướp giật tài sản của người khác.
Theo từ điển Tiếng Việt, cướp giật là hành vi cướp một cách ngang nhiên và trắng trợn. Như vậy, hành vi cướp giật có thể hiểu là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai và nhanh chóng.
Hành vi chiếm đoạt ở tội này cho phép chủ tài sản có khả năng biết ngay khi hành vi này xảy ra. Về ý thức chủ quan của người phạm tội, người phạm tội khi thực hiện hành vi chiếm đoạt biết hành vi chiếm đoạt của mình có tính chất công khai và hoàn toàn không có ý định che giấu hành vi đó. Tính chất công khai của hành vi cướp giật tài sản là công khai với chủ sở hữu là bị chiếm đoạt tài sản chứ không phải công khai với chủ sở hữu về thân phận của người phạm tội. Vì vậy, nếu người phạm tội thực hiện hành vi vào ban đêm hay có những thủ đoạn làm cho chủ sở hữu không nhận được mặt như đeo mặt nạ, hóa trang... thì hành vi phạm tội vẫn là hành vi cướp giật.
Nhanh chóng là dấu hiệu phản ánh thủ đoạn của người phạm tội. Thủ đoạn phạm tội cướp giật tài sản cũng chính là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt tội cướp giật tài sản với các tội phạm khác như tội cướp tài sản,... . Đó là thủ đoạn lợi dụng sở hở của chủ tài sản (sơ hở này có thể có sẵn hoặc do người phạm tội chủ động tạo ra), nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt và nhanh chóng tẩu thoát. Ví dụ, giật lấy tài sản và nhanh chóng tẩu thoát... Thủ đoạn nhanh chóng này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và phụ thuộc vào đặc điểm của tài sản, cách thức giữ tài sản..., thông thường đây là những tài sản gọn nhẹ, dễ lấy, dễ mang đi. Cũng được xem là hành vi cướp giật tài sản trong trường hợp người phạm tội có tác động nhẹ đến người chiếm giữ tài sản, song không làm cho họ lâm vào tình trạng mất khả năng chống cự (ví dụ: xô ngã, giật ví rồi tẩu thoát...).
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội giật được tài sản từ người khác, kể cả trường hợp người phạm tội bỏ lại tài sản đã cướp giật được để tẩu thoát. Người phạm tội thực hiện hành vi một cách nhanh chóng với mong muốn chủ tài sản không kịp phản ứng và ngăn cản việc chiếm đoạt, và do vậy họ không có khả năng bảo vệ tài sản.
Chủ thể của tội phạm nói chung và của các tội xâm phạm sở hữu nói riêng là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không phải ai thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng đều là chủ thể của tội phạm mà chỉ những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo luật định mới là chủ thể của tội phạm.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (Tội cướp giật tài sản), 173 (Tội trộm cắp tài sản), 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản). Điều 171 Bộ luật Hình sự quy định 04 khoản tương ứng 04 khung hình phạt chính trong đó Khoản 1 thuộc loại tội nghiêm trọng, Khoản 2,3,4 thuộc loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, chủ thể của tội phạm là người từ đủ 14 tuổi trở lên đối với tội phạm thực hiện theo Khoản 2,3,4 và chủ thể tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên đối với Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân hoặc có đồng phạm cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện có tổ chức, tức là có mối liên kết và phân công nhiệm vụ chặt chẽ giữa các thành viên thì có thể bị coi là tình tiết tăng nặng quy định tại Khoản 2 Điều 171 Bộ luật Hình sự.
Tội cướp giật tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Cố ý trực tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Tức là người phạm tội biết rõ tài sản mà hắn cướp giật là tài sản của người khác và mục đích của người phạm tội là muốn chiếm đoạt và biến tài sản của người khác thành tài sản của mình.
Mục đích là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội danh. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi cướp giật tài sản, khác với các tội cướp, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội cướp giật tài sản không thể có mục đích chiếm đoạt tài sản trong hoặc sau khi thực hiện hành vi cướp giật tài sản, vì hành vi cướp giật tài sản đã bao hàm mục đích chiếm đoạt.
Điều 171 Bộ luật Hình sự quy định 05 Khung hình phạt đối với người phạm tội cướp giật tài sản như sau:
- Khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người nào cướp giật tài sản của người khác.
- Khung hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
a) Có tổ chức;
Phạm tội cướp giật tài sản có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc cướp tài sản, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành cướp giật tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản.
Người tổ chức trong vụ án cướp giật tài sản cũng tương tự như đối với người tổ chức trong các vụ án khác, họ cũng là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc cướp giật tài sản. Tuy nhiên, người tổ chức trong vụ án cướp giật tài sản chủ yếu là người vạch kế hoạch, chỉ huy việc thực hiện kế hoạch cướp giật của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản.
Người xúi giục trong vụ án cướp giật là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện hành vi cướp giật tài sản.
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính cho mình.
Khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở đây không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống.
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
Tài sản bị cướp giật có thể là tiền. Trường hợp tài sản là vật, người phạm tội phải chịu tình tiết định khung tăng nặng này khi giá trị quy đổi của vật bị chiếm đoạt tương đương từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
Dùng thủ đoạn nguy hiểm để thực hiện hành vi cướp giật tài sản là trường hợp người phạm tội đã có những thủ đoạn gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân như: Dùng xe máy giật đồng hồ của người đang điều khiển xe máy hoặc xe đạp, hoặc người ngồi sau xe máy hoặc xe đạp làm cho nạn nhân bị ngã; giật tài sản của người đang đứng ở mạn thuyền, đang đi trên cầu khỉ làm cho nạn nhân ngã xuống sông...
đ) Hành hung để tẩu thoát;
Đây là trường hợp sau khi đã giật được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt hoặc đã bị bắt đã có hành vi dùng vũ lực đối với chủ sở hữu hoặc những người khác, nhưng hành vi dùng vũ lực chưa gây ra thương tích hoặc nếu đã gây ra thương tích thì tỷ lệ thương tật chưa đến 11%.
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
Căn cứ để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân cũng dựa vào kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
Người bị hại là người dưới 16 tuổi. Tuổi của người bị hại là một tình tiết thuộc yếu tố khách quan không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội; chỉ cần xác định người bị hại là người dưới 16 tuổi mà người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt là phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi rồi.
Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định cách xác định tuổi của nạn nhân dưới 16 tuổi như sau:
Việc xác định tuổi của người bị hại dưới 16 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu.
Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:
+ Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
+ Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
+ Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
+ Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
Chiếm đoạt tài sản của phụ nữ mà biết có thai là trường hợp người phạm tội biết rõ người mình cướp giật tài sản là phụ nữ đang có thai (không kể tháng thứ mấy).
Nếu người bị cướp giật tài sản có thai thật, nhưng có căn cứ để xác định người phạm tội không biết họ đang có thai thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội giết phụ nữ mà biết là có thai. Ngược lại, trong trường hợp người phụ nữ bị chiếm đoạt tài sản không có thai, nhưng người phạm tội tưởng lầm là có thai và sự lầm tưởng này của người phạm tội là có căn cứ, thì người phạm tội vẫn bị xét xử về tội cướp giật tài sản trong trường hợp "đối với phụ nữ mà biết là có thai".
Người già yếu và người không có khả năng tự vệ cũng là những người được pháp luật ưu tiên bảo vệ, hành vi cướp giật tài sản đối với họ là hành vi vô nhân đạo, cần trừng trị nghiêm mình hơn trường hợp thông thường.
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Đây là trường hợp hành vi cướp giật tài sản diễn ra tại nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến nhiều người, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
i) Tái phạm nguy hiểm.
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
Như vậy cướp giật tài sản trong trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường trước đây họ đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà đã chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc trước đây họ đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà nay lại tiếp tục chiếm đoạt tài sản của người khác.
- Khung hình phạt phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Đây là trường hợp phạm tội cũng giống như tại Điểm c Khoản 2 Điều 170 Bộ luật Hình sự nhưng giá trị tài sản bị chiếm đoạt lớn hơn, từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
Căn cứ để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân cũng dựa vào kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Thiên tai, dịch bệnh là hoàn cảnh khó khăn, là yếu tố khách quan bên ngoài không ai mong muốn. Lúc này, mọi người đang tập trung vào công tác khắc phòng chống thiên tai mà người phạm tội lại lợi dụng thời điểm khó khăn này để cưỡng đoạt tài sản của bị hại.
- Khung hình phạt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại trường hợp quy định giá trị tài sản phần trên, chỉ khác ở chỗ giá trị tài sản bị chiếm đoạt là từ 500.000.000 đồng trở lên. Đây là tài sản có giá trị đặc biệt lớn, nên người phạm tội phải chịu khung hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân.
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
Căn cứ để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân cũng dựa vào kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
c) Làm chết người;
Làm chết người là trước khi thực hiện hành vi cướp giật tài sản, người phạm tội không có ý thức giết người, hành vi cướp giật của người phạm tội chưa gây ra cái chết cho người bị tấn công, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi cướp giật tài sản hoặc sau khi đã cướp giật được tài sản, người phạm tội bỏ mặc cho hậu quả xảy ra nên người bị tấn công bị chết.
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp là thời điểm đất nước cần toàn thể nhân dân chung tay, giải quyết vấn đề chiến tranh hay tình trạng khẩn cấp. Vậy mà người phạm tội lại lợi dụng thời điểm này để thực hiện tội phạm. Do đó, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi cướp giật tài sản cao hơn những trường hợp cướp thông thường.
- Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Bản án số 66/2021/HSST ngày 08/06/2021 “V/v xét xử bị cáo Trần Thanh T phạm tội cướp giật tài sản” của Tòa án nhân dân huyện Truy Phong tỉnh Bình Thuận.[1]
Trần Thanh T là đối tượng không có nghề nghiệp và nghiện ma túy. Để có tiền mua ma túy sử dụng nên khoảng 18 giờ ngày 21/01/2021, T đi bộ ở khu vực dân cư thuộc thôn H3, xã C, huyện Tuy Phong phát hiện thấy Bùi Phi H2 (sinh ngày 02/03/2012) đang chơi bắn bi trước nhà trên cổ có đeo 01 sợi dây chuyền bạc màu trắng thì nảy sinh ý định đi đến giật dây chuyền đem bán lấy tiền mua ma túy sử dụng. T đi đến đứng sau lưng H2 (lúc này H2 đang ngồi), T nói “cho chú sợi dây chuyền” đồng thời dùng hai tay nắm lấy sợi dây chuyền giật ngang một cái làm sợi dây chuyền đứt ra làm hai đoạn, T cầm lấy 02 đoạn dây chuyền rồi nhanh chóng bỏ chạy. H2 hoảng sợ chạy vào trong nhà báo cho cha ruột là Bùi Minh Q biết, Q điều khiển xe mô tô chở theo H2 chạy đi tìm kiếm T. Khi T bỏ chạy đến khu vực gần tiệm thuốc tây gần trường Tiểu học Chí Công 3 thì Q chở H2 đuổi đến, H2 chỉ cho Q biết đây là người đã giật dây chuyền. Q chặn T lại và nói “sao mày giật dây chuyền của con tao?”, Q lấy lại dây chuyền mà T đang cầm rồi dùng tay không đánh T một cái vào mặt nhưng không gây ra thương tích gì rồi chở H2 đi về. T bực tức vì đã trả lại dây chuyền mà vẫn bị đánh nên lấy một cây kéo ở quán bán bánh tráng gần đó cầm trên tay và quay lại nhà Q, thấy T trên tay có cầm cây kéo nên Q đã ôm giằng co với T thì T vùng bỏ chạy và cầm theo cây kéo. Sau đó Q đưa H2 đến Công an xã C trình báo sự việc bị T cướp giật tài sản.
Theo Biên bản và Kết luận định giá tài sản số 02/KL-HĐĐG ngày 25/01/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tuy Phong kết luận: 01 sợi dây chuyền kim loại bạc dài 48,5cm, trọng lượng 2,5 chỉ:
+ Đoạn 1 dài 29cm, trọng lượng 1,5 chỉ, giá trị là: 80.000 đồng
+ Đoạn 2 dài 19,5cm, trọng lượng 1 chỉ, giá trị là: 50.000 đồng
Tổng giá trị tài sản định giá là: 130.000 đồng. Sau khi chạy khỏi nhà Bùi Minh Q, khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, T đi đến khu vực dân cư thuộc thôn H4, xã C phát hiện Phan Văn T2 (sinh ngày 15/12/2009) đang ngồi trước nhà trên tay cầm 01 điện thoại di động hiệu Samsung Galaxy A20S để chơi game nên nảy sinh ý định cướp giật lấy chiếc điện thoại đem bán lấy tiền mua ma túy sử dụng. T đi đến dùng tay trái giật lấy chiếc điện thoại di động rồi nhanh chóng tẩu thoát, lúc này T2 hô hoán cùng một số người dân đuổi theo. Do sợ bị bắt nên T chạy xuống biển cởi bỏ áo màu đen đang mặc rồi bơi đến Lăng Vạn thuộc thôn H4, xã C nhặt lấy 01 cái áo màu tím –vàng –đen quấn điện thoại di động đã cướp giật được lại, quá trình bơi thì điện thoại bị ngấm nước nên hư hỏng màn hình. Sau đó T đi đến nhà ở của Trần Thị Mỹ D (cô ruột của T) xin quần áo để mặc và bỏ lại cái áo màu tím –vàng –đen cùng cái quần lửng màu nâu nhạt, tại đây T nói với D là vừa cướp giật được 01 điện thoại di động của 01 bé trai và xin D được số tiền 40.000 đồng. Sau đó, T tiếp tục đi đến nhà ở của Trần Thị Thanh T3(em ruột của T) ở Thôn H, xã C nói với T3 là vừa cướp giật được 01 điện thoại di động của 01 bé trai và xin T3 được số tiền 70.000 đồng. Khi T chuẩn bị đi ra khỏi nhà của T3 thì bị Công an xã C sau khi tiếp nhận tin báo của Bùi Minh Q đã truy tìm tới bắt giữ T cùng điện thoại di động hiệu Samsung Galaxy A20S mà T đã cướp giật của Phan Văn T2.
Theo Biên bản và Kết luận định giá tài sản số 03/KL-HĐĐG ngày 25/01/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tuy Phong kết luận: 01 điện thoại di động hiệu Samsung Galaxy A20S màu đen trị giá 2.712.000 đồng.
Hành vi nêu trên của bị cáo đã phạm vào tội “Cướp giật tài sản” với tình tiết định khung hình phạt “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 171 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Vì lẽ đó, Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận tuyên bố: Bị cáo Trần Thanh T phạm tội “Cướp giật tài sản” xử phạt: Bị cáo Trần Thanh T 04 (bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành án phạt tù tính từ ngày 22/01/2021.
Luật Hoàng Anh
[1] http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta727331t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 13/07/2021.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh