Tội đe dọa giết người là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:56 (GMT+7)

Tội đe dọa giết người được quy định tại Điều 133 BLHS

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Hành vi giết người là hành vi trực tiếp tước đi tính mạng của người khác bằng hành động hoặc không hành động, tuy nhiên trên thực tế có những hành vi không tước đi tính mạng con người nhưng lại đe dọa giết người bất cứ lúc nào. Người bị đe dọa có thể rơi vào trạng thái nơm nớp lo sợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Như vậy, hành vi đe dọa giết có tính nguy hiểm cho xã hội cao, nên được pháp luật hình sự quy định là một tội danh cụ thể.

1. Căn cứ pháp lý

Điều 133 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định Tội đe doạ giết người như sau:

“Điều 133. Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”

2. Dấu hiệu pháp lý của tội đe doạ giết người

2.1. Khách thể của tội phạm

Đe dọa giết người là hành vi của một người bằng lời nói, hành động hoặc bằng các thủ đoạn khác làm cho người khác lo sợ rằng họ sẽ bị giết.

Tuy hậu quả chết người có thể chưa xảy ra, nhưng người bị phạm tội luôn cảm thấy bất an, lo sợ, đề phòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bị đe dọa. Tội phạm gián tiếp xâm phạm quyền sống của con người, đồng thời xâm phạm quyền tự do của con người.

Như vậy, khách thể của tội đe dọa giết người là quyền sống, quyền tự do, quyền được Nhà nước bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe của con người.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi của một người bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn làm cho người khác lo sợ rằng mình sẽ bị giết.

Người phạm tội phải có hành vi làm cho người bị đe doạ lo sợ. Hành vi này chỉ có thể là hành động như bằng lời nói, cử chỉ, cách nhìn, nhưng không phải để thực hiện việc giết người mà chỉ nhằm làm cho người bị đe doạ tưởng thật là mình có thể bị giết như: mài da, lấy súng lên đạn, viết thư, nhắn tin v.v...

Hành vi đe doạ của người phạm tội phải làm cho người bị đe doạ thực sự tin rằng mình sẽ bị giết, tức là có căn cứ để xác định hành vi đe dọa đó sẽ được thực hiện; căn cứ này phát sinh từ phía người bị đe doạ không phải là căn cứ khách quan, đây là dấu hiệu đặc trưng của tội này, song lại là dấu hiệu khó xác định.

Sự thay đổi tâm sinh lý và hoạt động của người bị đe dọa là dấu hiệu để buộc tội người phạm tội. Người bị hại phải thực sự lo lắng và tin rằng hành vi đe doạ của người phạm tội sẽ được thực hiện. Một hành vi có thể chả bao giờ xảy ra nhưng nó chân thật đến mức nào mới làm một con người bình thường rơi vào trạng thái lo lắng, sợ sệt, khiến người xung quanh cũng bị nhầm tưởng theo. Tuy nhiên việc xác định sự sợ hãi của người bị đe doạ phải căn cứ thái độ, các hoạt động của họ sau khi nhận được sự đe doạ, thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, mối quan hệ giữa bị cáo và người bị hại. Nếu trong hoàn cảnh đó, nhiều người cho rằng sự đe doạ đó sẽ được thực hiện thì sự lo sợ của người bị hại là có căn cứ.

Nếu người bị đe doạ không lo sợ bị giết mà lại lo sợ về những hậu quả khác do bị cáo có thể gây nên cho mình, thì dù bị cáo có hành vi đe doạ giết người cũng không phạm tội này. Ví dụ: A nợ tiền của B, hết hạn A chưa trả được. B đe doạ: "Nếu một tuần nữa không trả tao giết mày!". A biết B không dám giết mình, nhưng lại sợ B đến bắt nợ hoặc đón đường đánh mình.

Người bị hại có thể sợ người có hành vi đe doạ giết, nhưng cũng có trường hợp không sợ bị cáo giết mà lại sợ người khác giết mình, thì người có hành vi đe doạ vẫn phạm tội này. Ví dụ: anh C và chị D là người yêu, E là tên lưu manh, có quan hệ với nhiều đàn anh đàn chị giang hồ, E thích chị D và đe dọa anh C nếu không chia tay chị D thì sẽ khiến anh D chết. Anh D biết E không dám giết mình nhưng bạn bè của E đều là người có máu mặt, dám giết người nên D lo sợ và buộc phải chia tay chị D.

Người bị đe doạ có thể sợ mình bị giết và cũng có thể sợ người thân của mình bị giết miễn là họ tin rằng hành vi đe doạ của bị cáo sẽ được thực hiện. Ví dụ: V cho L mượn 100 triệu để làm vốn đi buôn, nhưng vì thua lỗ nên L không trả nợ cho V như đã hứa. V đe doạ L nếu không trả tiền thì sẽ bắt con gái của L đem bán vào nhà chứa lấy tiền trả nợ. L lo sợ phải đưa con gái đi trốn.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội đe dọa giết người nhất thiết phải đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 12 Bộ luật hình sự, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội nhưng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng của một số loại tội.

Điều 133 quy định 02 Khoản với 02 khung hình phạt. Khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 3 năm tù, thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng còn Khoản 2 Điều này quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 07 năm tù, thuộc loại tội phạm nghiêm trọng.

Do đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm về tội đe dọa giết người. Nói cách khác, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người là người từ đủ 16 tuổi.

Người có năng lực trách nhiệm hình sự có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không có quốc tịch, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội đe dọa giết người thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hậu quả bị hại sẽ sợ sệt, bất an sẽ chết và mong muốn hậu quả ấy xảy ra.  

Có trường hợp sau khi thực hiện việc đe dọa, người phạm tội chuẩn bị phương tiện, công cụ khiến bị hại tưởng rằng mình chuẩn bị giết hoặc người khác nhìn thấy hành vi của người phạm tội, cũng tưởng bị hại sẽ bị giết và báo lại với bị hại. Khi đó, phải xác định mục đích của hành vi chuẩn bị phương tiện công cụ giết người để làm gì? Nếu chỉ có mục đích khiến cho bị hại tưởng mình bị giết thì người đó thực hiện tội phạm đe dọa giết người. Nhưng nếu mục đích của việc chuẩn bị công cụ, phương tiện ấy là để tước đoạt tính mạng bị hại thì người đó đang thực hiện tội phạm tội giết người giai đoạn chuẩn bị.

Nếu người phạm tội có hành vi đe doạ, nhưng hành vi đó chỉ là phương pháp để thực hiện một tội phạm khác, nhằm mục đích khác thì không phải là phạm tội đe doạ giết người như: hành vi đe doạ dùng bạo lực trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm nhân phẩm của con người v.v...

3. Hình phạt đối với người phạm tội đe dọa giết người

Điều 133 Bộ luật hình sự quy định 02 khung hình phạt xử phạt người phạm tội đe dọa giết người như sau:

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào đe dọa giết 01 người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

- Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đối với 02 người trở lên. Đe dọa giết nhiều người là trường hợp có từ hai người bị dọa giết và cả hai người đều tin là mình bị giết.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Chủ thể thực hiện hành vi đe dọa là người có chức vụ quyền hạn, lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, quản lý trong Bộ máy chính trị, hành chính Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Quyền hạn của chủ thể này có thể do pháp luật định hoặc do các cơ quan, tổ chức giao cho họ để thi hành nhiệm vụ. Đây là tình tiết mới được bổ sung trong Bộ luật hình sự năm 2015.

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Đe doạ giết người thi hành công vụ là trường hợp nạn nhân đang thi hành nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội giao cho vì lợi ích chung của Nhà nước, xã hội như thầy giáo đang giảng bài, cán bộ đang coi thi, cán bộ thuế đang thu thuế, cán bộ kiểm lâm đang bảo vệ rừng... Đe doạ giết người vì lý do công vụ của nạn nhân thể hiện nhiệm vụ mà nạn nhân được giao có ảnh hưởng trực tiếp đến người phạm tội nên thủ phạm đã chủ động đe doạ giết nạn nhân. Hành vi đe doạ có thể xảy ra trước hoặc sau khi người bị hại thực thi công vụ. Người phạm tội với động cơ nhằm ngăn cản nạn nhân thi hành công vụ.

d) Đối với người dưới 16 tuổi. Đe dọa giết người dưới 16 tuổi là trường hợp phạm tội nghiêm trọng hơn đối với việc đe dọa giết người mà nạn nhân không phải là người dưới 16 tuổi. Người dưới 16 tuổi bị dọa giết bao giờ cũng sợ hơn, ảnh hưởng lớn hơn đến tinh thần, sức khỏe, bởi người dưới 16 tuổi chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, dễ lo âu, sợ hãi.

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác. Tội phạm khác là tội phạm đã xảy ra trước đó về mặt thời gian. Người phạm tội đã có hành vi như đe doạ giết nhân chứng nếu họ tố cáo, cung cấp tài liệu về hành vi phạm tội của hắn trước đó mà họ đã biết với cơ quan công an.

4. Vụ án thực tế xét xử về tội đe dọa giết người

Bản án số 82/2020/HSST ngày 07/08/2020 “V/v xét xử bị cáo Mai Ngọc C về tội đe dọa giết người” của Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Mai Ngọc C và chị Phạm Thị Hồng Đ là vợ chồng từ năm 2007 và có 02 con chung. Khoảng giữa năm 2019, C không còn quan tâm chăm lo cho gia đình, xảy ra mâu thuẫn nên chị Đ dọn ra ở riêng tại số 97/40 đường X, Phường C, quận D. Còn C ở tại chỗ làm tại số 30A đường Y, Phường C, quận D. Các con được gửi về quê tại Thừa Thiên Huế cho ông bà ngoại chăm sóc. Sau khi ly thân, do ghen tuông nên C có nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa giết chị Đ.

Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 02/4/2020, C gọi điện cho chị Đ để thông báo con ở quê bị bệnh nhưng thấy đã bị chặn số. Do không liên lạc được, C điều khiển xe đạp đến nhà số 97/40 đường X, Phường C, quận D tìm chị Đ nhưng không gặp. Trên đường quay về, C thấy có một người đàn ông chở chị Đ đi ngang qua, C kêu cả hai dừng lại nhưng không được. C đi đến tiệm làm tóc của chị Phạm Thị H (bạn thân của chị Đ) tại địa chỉ số 97/36 đường X nhặt 01 khúc gỗ dài khoảng 01 mét đập vào cửa sát của tiệm tóc yêu cầu chị Huệ gọi điện cho chị Đ về gấp.

Sau đó, C quay về chỗ làm, mượn điện thoại của bạn gọi điện tiếp cho chị Đ, yêu cầu chị Đ về nói chuyện. C điều khiển xe đạp quay lại tiệm làm tóc của chị H thì thấy chị Đ đi bộ vào trong tiệm. C đập tay vào cửa sắt đồng thời kêu chị Đ ra nói chuyện nhưng chị Đ không ra. C đe dọa sẽ giết chị Đ. Chị Đ nói “mày không đi tao gọi công an bắt mày”. Bực tức, C nảy sinh ý định mua xăng về đe dọa giết chị Đ, C đạp xe đến tiệm tạp hóa mua 01 bình nhựa, bỏ vào túi nhựa màu đen rồi đạp xe đến cửa hàng xăng dầu tại số 293 đường Z, Phường E, quận D mua 52.000 đồng tiền xăng Ron 92. Sau đó, C quay lại dựng xe trước nhà số 97/36 đường X, giấu can nhựa chứa xăng vào gốc cây gần đó. C đến tiệm làm tóc gọi chị Đ nhưng chị Đ không ra.

Một lúc sau, có một phụ nữ đi vào tiệm làm tóc nên C đi vào nhưng chị H không cho, dọa sẽ báo công an. Khoảng 02 phút sau, chị Đ đi ra, cả hai ngồi nói chuyện phía trước tiệm làm tóc được một lúc thì cãi nhau. C đe dọa sẽ giết chị Đ, chị Đ thách thức và đứng lên đi về phía tiệm làm tóc. C chạy đến gốc cây lấy can xăng đuổi theo chị Đ, tay phải C cầm can xăng, tay trái mở nắp can và nói “mày tin không, tao giết mày”. Thấy vậy, chị Đ bỏ chạy về phía đầu hẻm 97 đường X và chạy vào một nhà dân. C chạy đuổi theo. Khi chạy được 05 mét thì C giữ được chị Đ, C đổ xăng từ trên đầu xuống hết người chị Đ và hỏi “mày chừa chưa…mày chừa chưa”. Chị Đ hoảng sợ van xin C “em chừa rồi, tha cho em, em còn con”. C tiếp tục kéo chị Đ đến trước số 97/20 đường X, ép chị Đ ngồi xuống rồi đổ hết số xăng còn lại lên người chị Đ và C. C ném can xăng đi, lấy trong túi quần đang mặc 01 hộp quẹt ga màu vàng cầm trong lòng bàn tay (chưa để ngón tay vào bộ phận đánh lửa). C nói với chị Đ “tao cho mày chết, tao với mày cùng chết”. Lúc này, thấy có người dân đến can ngăn nên C để ngón tay cái vào bộ phận đánh lửa và đưa hộp quẹt gas lên dọa nếu ai căn ngăn thì C sẽ châm lửa đốt cháy, đồng thời C chẹt hộp quẹt ga 02 cái nhưng không lên ngọn lửa (C không rõ có phát ra tia lửa hay không). Trong lúc C đe dọa sẽ châm lửa đốt cháy cả C và chị Đ thì người dân đã căn ngăn, đạp vào mặt C và lấy hộp quẹt ga trên tay C. Sau đó, C đứng dậy bỏ đi được 05 mét thì Công an Phường 11, quận Tân Bình đã đến mời C về trụ sở làm việc.

Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi của bị cáo là nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho xã hội, nó không chỉ xâm phạm về quyền được sống, quyền được bảo hộ về tính mạng của người khác mà còn gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Bị cáo đã thành niên, đủ khả năng nhận thức được hành vi đe dọa giết người là vi phạm pháp luật nhưng chỉ vì ghen tuông vô cớ, tính tình hung hăng mà bị cáo đã có hành vi đe dọa tước đoạt tính mạng của người bị hại, chứng tỏ bị cáo có thái độ coi thường pháp luật. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết áp dụng hình phạt tù có thời hạn, cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhất định nhằm mục đích giáo dục, cải tạo bị cáo đồng thời có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.

Như vậy, Tòa án nhân dân quận Tân Bình tuyên bị cáo Mai Ngọc C phạm tội đe dọa giết người, xử phạt 09 (chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 02/04/2020.

Luật Hoàng Anh

Luật Sư Phạm Thị Thu Hà

Chuyên viên pháp lý Trịnh Thị Chình

Luật Sư Nguyễn Thị Ngàn

Luật Sư Vũ Khánh Hiếu

Luật Sư Nguyễn Thùy Dung

Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Mai Hương

Luật Sư Lê Tiến Thành

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diệu Quỳnh

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Thu Hiền

Luật Sư Đào Hồng Sơn

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HIỆP - Những con số biết nói

Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, Luật sư Nguyễn Đình Hiệp có sự am hiểu sâu sắc hệ thống pháp luật Việt Nam và triển khai thành công rất nhiều các vụ việc như:

2

Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại

2

Tư vấn cấp Giấy phép viễn thông cho doanh nghiệp Việt Nam

8

Tư vấn pháp lý thường xuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiêu biểu như Công ty CP Tập đoàn Bình Minh, Công ty CP DV Viễn thông Hải Phòng

10

Tư vấn, xử lý thu hồi công nợ và khởi kiện/khởi tố các đối tượng có nợ khó đòi

10

Tư vấn pháp lý đầu tư, giấy phép, chuyển nhượng các dự án khoáng sản. Tiêu biểu như Dự án khai thác Khoáng sản của Công ty khoáng sản An Vượng tại huyện Đà Bắc tỉnh Hoà Bình (50ha).

15

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư mở rộng sản xuất. Tiêu biểu như Dự án sản xuất 50 triệu sản phẩm điện tử thanh toán Công ty TNHH ST Vina (Hàn Quốc); Dự án mở rộng quy mô sản xuất của Công ty TNHH RFTech Việt Nam lên 20 triệu đô la Mỹ;

20

Tư vấn hợp đồng chuyển giao công nghệ và thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ (hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)

20

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư bất động sản. Tiêu biểu như Dự án khu nghỉ dưỡng tại Vịnh Lan Hạ, thành phố Hải Phòng (30ha); Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Avana Mai Chau Hideway, tỉnh Hòa Bình (32ha)

30

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong các lĩnh vực. Tiêu biểu như Dự án nhà máy sản xuất của Công ty Mass Well Limited, Công ty Modern Shine Limited tại Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình

300

Tư vấn hồ sơ công bố sản phẩm, hồ sơ phòng cháy chữa cháy, hồ sơ an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký mã số mã vạch, đăng ký/thông báo website…

500

Tư vấn bảo hộ nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế

700

Tư vấn, thực hiện các thủ tục, giấy phép con như: Giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp phép tạm trú cho người nước ngoài, Giấy phép trung tâm ngoại ngữ, Giấy phép ngành dược, Giấy phép quảng cáo…

2000

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp mới, chi nhánh, văn phòng đại diện trên cả nước; các thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp trên cả nước

3000

Tư vấn các vụ việc ly hôn, chia tài sản, quyền nuôi con; chia thừa kế; tranh chấp đất đai; tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư vấn miễn phí ngay Chat với luật sư