2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên, được quan tâm, chăm sóc nhiều nhất từ bố mẹ, gia đình, toàn xã hội và đặc biệt trong các chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp đứa trẻ vừa sinh ra đã bị giết hoặc vứt bỏ bởi chính mẹ ruột của mình. Về bản chất, đây là hành vi giết người, bởi một đứa trẻ dù mới sinh ra cũng có quyền được sống, kể cả mẹ ruột cũng không có quyền tước đi mạng sống của con mình. Mặc dù vậy, cũng có không ít trường hợp bà mẹ bất đắc dĩ phải giết hoặc vứt bỏ đứa con mới đẻ của mình. Vì vậy, pháp luật hình sự đặt ra quy định riêng xử lý người phạm tội trong trường hợp này.
Điều 124 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự) quy định Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ như sau:
“Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Đây là một quy định đặc biệt khoan hồng của Nhà nước, quy định mức hình phạt cao nhất là 03 năm tù giam đối với người phạm tội. Vì so với nhiều hành vi phạm tội giết người khác, thì mức hình phạt này vẫn ở mức khoan hồng. Theo Điều 09 Bộ luật Hình sự, tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Do đó, Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ thuộc loại tội ít nghiêm trọng.
Giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ là hành vi của người mẹ mới đẻ con ra vì lý do nào đó đã làm cho con mình bị chết hoặc vứt bỏ đứa trẻ dẫn đến đứa trẻ chết.
Tội phạm trực tiếp xâm phạm quyền sống của con người. Ngoài ra, tội phạm còn xâm phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đó là tình "mẫu tử", xâm phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn tham gia.
Hành vi thuộc mặt khách quan của Tội giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ bao gồm 02 hành vi là giết con mới đẻ và vứt bỏ con mới đẻ.
Con mới đẻ là trường hợp đứa trẻ phải chính do người phụ nữ đó đẻ con chứ không phải con nuôi và mới được sinh ra trong vòng bảy ngày tuổi trở lại, nếu ngoài bảy ngày tuổi thì hành vi giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ chết sẽ không cấu thành tội theo Điều 124 Bộ luật Hình sự.
Giết con mới đẻ là hành vi của người mẹ tước bỏ quyền sống của đứa con mới đẻ một cách trái pháp luật bằng những thủ đoạn và phương tiện khác nhau gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hành vi phạm tội có thể hành động hoặc không hành động. Hành vi được thực hiện bằng hành động như: bóp cổ, thắt cổ, đâm, chém, chôn đứa trẻ... Hành vi nói trên cũng có thể được thực hiện bằng không hành động như người mẹ của đứa trẻ không cho con mình bú sữa; đứa bé ốm mà không cho uống thuốc vì mong muốn nó chết.
Vứt con mới đẻ là hành vi của người mẹ để đứa trẻ ở nơi xa rời sự chăm sóc của mình nhưng không mong muốn đứa trẻ chết. Ví dụ như, vứt con trong thùng rác, đem bỏ con ở nơi công cộng,...
Hậu quả xảy ra đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người mẹ và hậu quả đứa trẻ chết. Nếu người mẹ vứt bỏ đứa trẻ nhưng được người khác phát hiện kịp thời nên đứa trẻ không chết thì người mẹ không phạm tội này.
Như vậy, tội phạm này không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội bởi hậu quả đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc. Tội phạm hoàn thành khi có hành vi giết hoặc vứt con mới đẻ dẫn đến đứa con mới đẻ chết.
Chủ thể của tội giết hoặc vứt con mới đẻ là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người phụ nữ đã đẻ ra đứa trẻ.
Tuy nhiên pháp luật cũng quy định, người phạm tội này phải là người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt. Trong đó,
Ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu là ảnh hưởng của tư tưởng cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp với quan niệm về cuộc sống, lối sống hiện tại. Hay nói một cách khác, nó không còn phù hợp với ý thức xã hội đương thời. Ví dụ: dưới chế độ cũ, một người phụ nữ không có chồng lại có con, bị dư luận lên án, bị phong tục tập quán cũng như luật lệ trừng phạt rất nặng. Nhưng dưới chế độ mới, pháp luật vẫn bảo vệ những trường hợp người phụ nữ có con ngoài giá thú và đứa trẻ đó sinh ra được Nhà nước bảo vệ như tất cả các trẻ em khác. Mặc dù đạo đức xã hội vẫn còn có người lên án phụ nữ hoang thai và cũng chính vì dư luận xã hội còn như vậy nên còn có người mẹ không vượt lên tư tưởng lạc hậu đó mà giết hoặc vứt bỏ con mình đẻ ra để trốn tránh trách nhiệm của người mẹ đối với con.
Thông thường, những đứa trẻ bị người mẹ giết hoặc vứt bỏ lúc mới đẻ là con ngoài giá thú. Tuy nhiên cũng có trường hợp do tập quán lạc hậu của một vài địa phương ở miền núi cho rằng đứa con đầu lòng không phải là con chung của vợ chồng nên sau khi đứa trẻ ra đời, người mẹ đã bóp chết con mình. Cá biệt, có những nơi do tư tưởng phân biệt con trai và con gái nên đã có trường hợp người mẹ đã đẻ đến lần thứ 7 vẫn là con gái nên sau khi đứa trẻ ra đời đã bóp chết.
Trường hợp đứa trẻ bị người mẹ giết hoặc vứt bỏ dẫn tới bị chết trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là trường hợp sau khi sinh con, người mẹ không có khả năng để nuôi con mình như: bị mất sữa, bị ốm nặng hoặc trong hoàn cảnh khách quan khác.
Đối với hành vi giết con mới đẻ, người mẹ phạm tội này với lỗi cố ý trực tiếp. Người mẹ hoàn toàn nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của hành vi “giết con mới đẻ” và nhìn thấy thức hậu quả cái chết của đứa trẻ nhưng vẫn mong muốn để nó xảy ra.
Đối với hành vi vứt bỏ con mới đẻ, người mẹ phạm tội này với lỗi cố ý gián tiếp. Người mẹ nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của hành vi “vứt bỏ con mới đẻ”, đứa bé mới đẻ chưa thể tự bảo vệ mình trước bất kỳ vấn đề nào xảy đến với chúng, hết sức cần người mẹ bảo vệ, cũng không thể tự tìm kiếm thức ăn, nước uống phục vụ mục đích sinh tồn. Người mẹ hoàn toàn biết rõ những vấn đề nêu, dù không mong muốn đứa trẻ sẽ chết nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả là cái chết của đứa trẻ xảy ra.
Pháp luật quy định 02 khung hình phạt đối với hai hành vi là giết con mới đẻ và vứt bỏ con mới đẻ như sau:
- Người mẹ giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người mẹ vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Bản án Sơ thẩm số 80/2020/HSST ngày 30/09/2020 “V/v xét xử bị cáo Phạm Thị T về tội vứt bỏ con mới đẻ” của Tòa án nhân dân Thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội.
Nội dung vụ án:
Phạm Thị T quê ở tỉnh H, thuê nhà trọ ở phường P, quận H, Thành phố H. T có quan hệ tình cảm với anh Nguyễn Văn Q sinh năm 1982 ở thôn T, xã t, Thị xã S, Thành phố H. T và anh Q không đăng ký kết hôn. Hai người có một con chung là cháu Nguyễn Văn P, sinh năm 2017.
Tháng 12/2019, anh Q đi chấp hành án phạt tù nên cháu P được bà Đoàn Thị B (mẹ anh Q) đưa về nuôi dưỡng. Thời gian này T có thai nhưng không biết là con ai, T không cho ai biết chuyện mình mang thai. Khoảng 15h ngày 6/6/2020, T bắt xe bus đến nhà bà B thăm cháu P. Đến 23h cùng ngày, T có dấu hiệu chuyển dạ, T rất lo sợ, không muốn để ai biết mình sinh con nên đã lấy kéo trong phòng bếp rồi một mình đi ra phía sau nhà bà B để tự đẻ. Sau khi đẻ xong, cháu bé kêu khóc, T sợ bị phát hiện nên đã bế con đến sát tường bao tiếp giáp với đền Mẫu gần nhà rồi vứt con sang vườn sau đền Mẫu, sau đó T tự vệ sinh cá nhân rồi vào nhà ngủ. Sáng ngày 8/6/2020, T bắt xe về trung tâm thành phố H. Khoảng 16h30’ cùng ngày, bà B nghe thấy tiếng khóc trẻ con thì phát hiện ra cháu bé nằm dưới hố đất trong vườn sau đền thờ Mẫu. Bà B đưa cháu bé về nhà tắm rửa rồi cùng người dân đưa cháu đến Trạm y tế xã Thanh Mỹ, sau đưa đến Bệnh viện đa khoa thị xã Sơn Tây rồi Bệnh viện Xanh Pôn điều trị. Cháu bé được khai sinh tên là Nguyễn Văn A, đến ngày 29/6/2020, cháu A tử vong.
Tòa án nhận định, Phạm thị T mang thai nhưng do tư tưởng lạc hậu, sợ mọi người biết mình có con nhưng không biết cha đứa bé là ai nên T đã tự sinh con. Sau khi sinh con, cháu bé lành lặn, cơ thể bình thường. T phải biết đứa bé vừa sinh ra, chưa nhận biết được gì, rất cần người chăm sóc nhưng chỉ vì tư tưởng, suy nghĩ lạc hậu mà T lại vứt bỏ con, để một mình con giữa đêm khuya. Hành vi của bị cáo T là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tính mạng, quyền được sống của con người, đồng thời xâm phạm nghiêm trọng đạo đức của xã hội, đó là tình mẫu tử thiêng liêng, xâm phạm điều 12 Luật trẻ em 2017. Bị cáo là phụ nữ đã từng sinh con nhưng do nhận thức kém nên khi sinh con đã có hành vi vứt bỏ con mới đẻ để mặc cho hậu quả xảy ra dẫn đến đứa trẻ phải chết.
Do đó, Tòa án Nhân dân Thị xã Sơn Tây xét xử bị cáo Phạm Thị T 12 tháng tù về tội “Vứt bỏ con mới đẻ”.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh