2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Điều 178 Chương XVII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:
“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm cho tài sản bị mất giá trị sử dụng hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản.
Tội phạm xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của con người. Quyền sở hữu tài sản của con người gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.
Quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Người chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu do được uỷ quyền, được giao mà không kèm theo việc chuyển quyền sở hữu thì việc thực hiện các quyền chiếm hữu chỉ được thực thi trong phạm vi giới hạn của các hành vi và theo thời gian mà chủ sở hữu cho phép.
Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất của tài sản trong phạm vi pháp luật cho phép. Việc sử dụng tài sản là một trong những quyền quan trọng và có ý nghĩa thực tế đối với chủ sở hữu.
Quyền định đoạt là quyền năng của chủ sở hữu để quyết định về “số phận” của tài sản, có thể là trưng bày, lưu giữ, tiêu dùng hết, huỷ bỏ..., hoặc cũng có thể là bán, cho, tặng,...
Điều 105 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 quy định về tài sản:
“Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Quyền sở hữu tài sản được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015.
Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền sở hữu tài sản của con người và các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu của con người.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Huỷ hoại tài sản là hành vi làm cho tài sản bị giảm thiểu hoặc mất đi giá trị sử dụng ở mức độ không còn hoặc khó có khả năng khôi phục lại được.
Làm hư hỏng tài sản là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ, nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần).
Hành vi phạm tội có thể được thực hiện thông qua hành động (đập, phá, đốt...) hoặc không hành động (như bắt buộc phải bảo dưỡng máy móc theo định kỳ, nhưng cố tình không làm, dẫn đến máy móc không còn khả năng sử dụng...). Hành vi huỷ hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản có thể được thực hiện bằng những phương pháp, phương tiện hoặc công cụ khác nhau như: dùng búa để đập, huỷ hoại bằng hoá chất...
Hai hành vi này có sự tương đồng nhau, sự khác biệt chỉ ở mức độ giá trị sử dụng của tài sản bị mất đi. Ở tội huỷ hoại tài sản, giá trị sử dụng của tài sản bị mất hoàn toàn hoặc khó có khả năng khôi phục lại được. Còn ở tội cố ý làm hư hỏng tài sản, giá trị sử dụng của tài sản chỉ bị mất ở mức độ nhất định và còn có khả năng khôi phục lại được.
Hậu quả của tội huỷ hoại tài sản là tài sản bị huỷ hoại, còn ở tội cố ý làm hư hỏng tài sản là tài sản bị hư hỏng. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có cấu thành vật chất nên hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Hậu quả của tội phạm này chỉ là thiệt hải về tải sản.
Hậu quả của tài sản được xác định bằng giá trị của tài sản thiệt hại. Giá trị tài sản bị thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm.
Trường hợp giá trị tài sản bị thiệt hại dưới 2.000.000 đồng nhưng vẫn cấu thành tội phạm khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
Bị coi là "đã bị xử phạt hành chính", nếu trước đó đã bị xử lý bằng một trong các hình thức sau đây về hành vi hủy hoạt hoặc làm hư hỏng tài sản, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý mà lại thực hiện một trong các hành vi hủy hoạt hoặc làm hư hỏng tài sản:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính;
+ Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệnh, Điều lệ của lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền.
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Đây là trường hợp người phạm tội trước đây đã bị kết án về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, chưa hết thời hạn xóa án tích mà đã tiếp tục thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Đây là trường hợp hành vi trộm cắp tài sản diễn ra tại nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến nhiều người, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Việc trộm cắp phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc gia đình họ là hành vi gián tiếp dồn bị hại và gia đình họ vào hoàn cảnh khó khăn, không có phương tiện để kiếm sống, không thể đáp ứng đủ nhủ cầu cần thiết phụ vụ cuộc sống.
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
Theo Luật di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009, di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học; cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.
Chủ thể của tội phạm là bất kì người nào từ đủ tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội có thể là cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch nhưng cũng có thể có nhiều người cùng câu kết thực hiện tội phạm.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (Tội cướp giật tài sản), 173 (Tội trộm cắp tài sản), 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản). Khoản 1,2 Điều 178 Bộ luật Hình sự thuộc loại tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Khoản 3,4 Điều 178 Bộ luật Hình sự thuộc loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tội phạm tại Khoản 1,2 Điều 178 là người từ đủ 16 tuổi còn tội phạm tại Khoản 3,4 Điều này là người từ đủ 14 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự.
Tội phạm chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý, có thể là cô ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội biết hành vi của mình có khả năng huỷ hoại, hoặc làm hư hỏng tài sản nhưng đã thực hiện hành vi đó với mong muốn tài sản đó bị huỷ hoại hay bị hư hỏng hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ phạm tội rất khác nhau (thù tức, để che giấu tội phạm,...) và không phải là dấu hiệu bắt buộc của hai tội phạm này mà chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
Điều 178 Bộ luật Hình sự quy định 05 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:
- Khung hình phạt phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
- Khung hình phạt phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường:
a) Có tổ chức;
Phạm cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản.
Người tổ chức trong vụ án cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản cũng tương tự như đối với người tổ chức trong các vụ án khác, họ cũng là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản. Tuy nhiên, người tổ chức trong vụ án chủ yếu là người vạch kế hoạch, chỉ huy việc thực hiện kế hoạch cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản.
Người xúi giục trong vụ án là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức trong vụ án là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện hành vi phạm tội.
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
Tài sản bị hủy hoại hoặc làm hư hỏng có thể là tiền. Trường hợp tài sản là vật, người phạm tội phải chịu tình tiết định khung tăng nặng này khi giá trị quy đổi của vật bị chiếm đoạt tương đương từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học.
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
Theo Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 ngày 29/06/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 40/2013/QH13 ngày 22/11/2013, chất nguy hiểm về cháy, nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hoá, vật tư dễ xảy ra cháy, nổ.
đ) Để che giấu tội phạm khác;
Đây là trường hợp người phạm tội hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản để che giấu đi hành vi phạm tội khác của mình trước đó, có thể là để phi tang vật chứng. Ví dụ A giết B trong xe ô tô của B, A ko thể lau hết máu trong chiếc xe nên đốt cháy chiếc xe để xóa dấu vết.
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
Nhiệm vụ mà người bị hại được giao có thể gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích bất hợp pháp của người phạm tội, do đó người phạm tội thực hiện hành vi hủy hoạt tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản để ngăn cản người bị hại thi hành công vụ, hoặc để trả thù người thi hành công vụ. Tội phạm có thể được thực hiện trước khi người bị hại thực hiện công vụ nhưng cũng có thể thực hiện sau đó.
g) Tái phạm nguy hiểm.
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
- Khung hình phạt phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với người phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Khung hình phạt phạt tù từ 10 năm đến 20 năm đối với người phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
- Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bản án số 65/2021/HS-ST ngày 11/6/2021 “V/v xét xử bị cáo Ngô Văn B phạm tội hủy hoặc hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” của Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.[1]
Năm 2011, chị Nguyễn Thị Phương N kết hôn với anh Ngô Tấn Đ1 và có 02 con chung. Trong thời gian sinh sống với nhau xảy ra mâu thuẫn nên anh Đ1 và chị N đã ly hôn ngày 18-5-2020.
Sau khi ly hôn, chị N vẫn sống trong nhà do 02 vợ chồng xây dựng trên đất của bị cáo Ngô Văn B (cha ruột của anh Đ1) tại ấp A, xã Đ, huyện G nên bị cáo và anh Đ1 yêu cầu chị N phải dọn đồ ra khỏi nhà. Khoảng 17 giờ ngày 22-5-2020, trong lúc chị N cùng với anh Lê Minh T2 và chị Lê Thị G1 (S1) dọn đồ thì xảy ra cãi nhau giữa chị N với bị cáo. Trong lúc cãi nhau, chị N dùng điện thoại hiệu Iphone 11 Pro Max loại 256 GB mở đèn Flash quay phim rọi vào mặt của bị cáo nên bị cáo tức giận dùng tay gạt tay cầm điện thoại của chị N, làm trúng vào ngực của chị N và làm điện thoại của chị N rơi xuống nền xi măng. Bị cáo tiếp tục 02 lần nhặt điện thoại của chị N lên ném xuống nền xi măng làm điện thoại bị hư hỏng. Sau đó, chị N bị tức ngực được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Xuyên Á, Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 26-5-2020 xuất viện.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 167/2020/TgT ngày 14-10-2020 của Trung tâm pháp y Sở Y tế tỉnh Tây Ninh kết luận đối với tổn thương cơ thể của chị Nguyễn Thị Phương N: Thương tích không có quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể theo Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28-8-2019 của Bộ Y tế.
Tại Bản kết luận định giá tài sản số 83/KL-HĐ ngày 27-11-2020 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Gò Dầu kết luận: 01 màn hình điện thoại di động hiệu Iphone 11 Pro Max giá trị 7.300.000 đồng và 01 mặt lưng điện thoại di động hiệu Iphone 11 Pro Max giá trị 700.000 đồng, tổng giá trị là 8.000.000 đồng.
Hành vi phạm tội của bị cáo có đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm hư hỏngtài sản”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 178 của Bộ luật Hình sự.
Vụ án mang tính chất ít nghiêm trọng, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến tài sản của người khác và gây mất trật tự trị an tại địa phương.
Nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội là do bị cáo xảy ra tranh chấp liên quan đến tài sản mà bị hại (là con dâu trước đây của bị cáo) đang quản lý, sử dụng. Cho nên,cần xử phạt bị cáo mức án tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, để cải tạo và giáo dục bị cáo thành công dân tốt, biết chấp hành pháp luật khi hòa nhập cộng đồng, nhằm đạt được mục đích giáo dục riêng và phòng ngừa chung cho xã hội.
Vì lẽ đó, Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh quyết định:
Tuyên bố bị cáo Ngô Văn B phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Xử phạt: Bị cáo Ngô Văn B 12.000.000 đồng để nộp ngân sách Nhà nước.
Luật Hoàng Anh
[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta730144t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập này 20/07/2021.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh