2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Ngoài tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, pháp luật hình sự quy định thêm một tội phạm nữa cũng nhằm bảo vệ sự ổn định vững mạnh của chính quyền nhân dân là tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.
Điều 113 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân như sau:
“Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là hành vi xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống lại chính quyền nhân dân. Do đó, khách thể của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể của con người.
Điều 113 miêu tả các hành vi trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gồm 08 hành vi như sau:
a) Xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân. Đây là trường hợp người phạm tội tiến hành “giết” cán bộ, công chức hoặc công dân bằng nhiều phương thức như bắn, chém, đâm, đầu độc,...
b) Phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân là hành vi làm mất hoàn toàn giá trị hoặc giá trị sử dụng (không thể sử dụng được nữa) của tải tài sản hợp pháp thuộc quyền quản lý của các cơ quan, cá nhân, tổ chức trong xã hội.
c) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố. Theo Điều 3 Luật phòng chống khủng bố số: 28/2013/QH13 ngày 12 tháng 6 năm 2013:
Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng. Các hành vi đó là:
- Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;
- Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b nêu trên;
Tài trợ khủng bố là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
d) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố.
đ) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác. Đây là trường hợp người phạm tội đã bắt giữ trái phép cán bộ, công chức hoặc người dân nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam để làm con tin hoặc dùng sức mạnh tác động vào thân thể họ (đánh, đập,...) gây tổn hại về sức khỏe của họ. Ngoài ra còn, chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
e) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
f) Đe dọa thực hiện một trong các hành vi nếu trên là việc người phạm tội dùng lời nói hoặc bằng cử chỉ, thái độ nào đó làm cho người bị đe dọa có căn cứ hiểu rằng nếu họ thực hiện công vụ hoặc nghĩa vụ của công dân thì người phạm tội sẽ thực hiện những hành vi trên, đồng nghĩa với việc tính mạng, thân thể, tài sản hoặc quyền lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm.
g) Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều này cũng đã được làm rõ tại Điều 3 Luật phòng chống khủng bố số: 28/2013/QH13 ngày 12 tháng 6 năm 2013.
Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có thể gây ra 02 loại hậu quả:
Hậu quả trực tiếp: gây chết người, thương tích, tự do thân thể hoặc tinh thần bị xâm hại.
Hậu quả gián tiếp: thông qua việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, tự do thân thể của cán bộ, công chức hay người khác, người phạm tội có thể làm suy yếu chính quyền nhân dân. Hậu quả này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
So sánh với Điều 84 Bộ luật hình sự năm 1999, Điều 113 Bộ luật hình sự năm 2015 mở rộng khách thể bảo vệ, đối tượng tác động của tội phạm đó là tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế. Kể từ khi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, hành vi khủng bố tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo Điều 113 Bộ luật hình sự năm 2015 nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa cấu thành tội phạm này. Thêm nữa, Điều 84 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định 1 tội khủng bố nói chung còn Bộ luật hình sự năm 2015 tác thành 02 tội riêng biệt là Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113) và Tội khủng bố (Điều 299). Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được quy định trong Chương XIII – Các tội xâm phạm an ninh quốc gia còn tội khủng bố được quy định tại Chương XXI – Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Tội phạm này có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, không phải là dấu hiệu định tội mà chỉ có thể là dấu hiệu trong xem xét quyết định hình phạt.
Chủ thể của tội khủng bố có thể là bất kì ai có năng lực trách nhiệm hình sự gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi, và đạt độ tuổi theo quy định pháp luật tại điều 12 Bộ luật hình sự. Theo đó Điều 12 quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội này là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội phải biết mục đích của việc thực hiện hành vi là chống chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Nếu không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì người thực hiện hành vi khủng bố chỉ phải chịu trách nhiệm về tội khủng bố quy định tại Điều 299 Bộ luật hình sự năm 2015. Do đó, người phạm tội nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, thấy trước được hậu quả của tội phạm là gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc xâm phạm đến tự do thân thể, uy hiếp tinh thần của người khác và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.
Điều 113 Bộ luật hình sự quy định 04 khung hình phạt gồm 03 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt dành cho trường hợp chuẩn bị phạm tội.
-Khung hình phạt cơ bản phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
-Khung hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Khung hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng của người khác hoặc đe dọa phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của người khác.
- Khung hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội này. Theo điều 14 quy định về chuẩn bị phạm tội, chuẩn bị phạm là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy điểm a khoản 2 Điều 113. Tức là trừ các trường hợp người phạm tội khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thực hiện hành vi: Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, chuẩn bị phạm tội áp dụng trong trường hợp người đó tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm để xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, người khác; phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế nhằm chống chính quyền nhân dân gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tổ chức “Triều đại Việt” do các đối tượng ở nước ngoài gồm Ngô Hùng, Huỳnh Thanh Hoàng, Trần Thanh Đình thành lập từ khoảng tháng 6/2017 với mục đích tập hợp, lôi kéo người Việt trong và ngoài nước tham gia, sử dụng bạo động vũ trang, khủng bố nhằm chống phá chế độ nhà nước ở Việt Nam.
Từ tháng 11/2017 cho đến khi bị phát hiện, Ngô Hùng đã lôi kéo được một số đồng phạm trực tiếp tham gia và giúp sức cho tổ chức. Bọn chúng đã tiến hành các vụ gây nổ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hậu giang, Kiên Giang; lôi kéo nhiều người cũng tham gia, chuẩn bị cơ sở, công cụ, phương tiện hoạt động phục vụ tổ chức “Triều đại Việt”, mua vật liệu chế tạo thành trái nổ phục vụ cho việc thực hiện hành vi khủng bố gây nổ. Cụ thể hành vi phạm tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân của từng đối tượng như sau:
- Ngô Hùng: là đối tượng đã có tiền án về tội “Âm mưu lật đổ chính quyền” năm 1979. Hùng vượt biên sang Canada, rồi móc nối với các đối tượng phản động khác để hoạt động. Từ tháng 6/2017, Hùng thành lập tổ chức “Triều đại Việt” với mục đích chống phá, nhằm lật đổ chế độ, nhà nước Việt Nam. Từ những hành vi trên cho thấy Hùng là người chủ mưu, cầm đầu thực hiện tội phạm khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Tuy nhiên hiện Ngô Hùng đang cư trú tại Canada nên Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố bị can đối với Ngô Hùng về tội khủng bố chống chính quyền nhân dân, ra quyết định truy nã Hùng, tiến hành truy nã quốc tế, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
- Nguyễn Khanh: là người bị Ngô Hùng lôi kéo vào tổ chức “Triều đại Việt”, được Hùng giao nhiệm vụ: tuyển chọn, lôi kéo người tham gia tổ chức; mua vật liệu, chế tạo trái nổ để thực hiện hành vi gây nổ tại trụ sở các cơ quan nhà nước,... Các hành vi nào thỏa mãn miêu tả ở mặt khách quan của cấu thành tội phạm khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Hành vi của Khanh là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, xâm phạm sức khỏe, tính mạng của cán bộ công chức và tài sản của Nhà nước. Khanh biết rõ hành vi của mình bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn thực hiện hành vi đó. Do vậy, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án, xử phạt bị cáo Nguyễn Khanh 20 năm tù về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Hình phạt bổ sung là quản chế 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù và 10.000.000 đồng (mười triệu đồng).
Ngoài hai đối tượng trên, trong vụ việc còn rất nhiều đối tượng khác, 02 đối tượng này chỉ là ví dụ thể hiện sự nghiêm khắc của Nhà nước đối với tội phạm khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Để tìm hiểu kĩ hơn vụ án, có thể tìm đọc bản án số 404/2020/HSST ngày 22/9/2020 của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.[1]
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh