Tội làm nhục người khác là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:59 (GMT+7)

Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 BLHS

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Trong nội dung bài viết dưới đây, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ nội dung tội làm nhục người khác theo pháp luật hiện hành.

1. Căn cứ pháp lý

Điều 155 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định Tội làm nhục người khác thuộc Chương XIV như sau:

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

2. Dấu hiệu nhận biết của tội làm nhục người khác

2.1. Khách thể của tội phạm

Làm nhục người khác là hành vi của một người dùng lời nói hay hành động làm ảnh hưởng nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Tội phạm xâm phạm nhân phẩm danh dự của con người. Do đó, khách thể của tội phạm là quyền được Nhà nước bảo hộ về danh dự, nhân phẩm của con người.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và danh dự của nạn nhân. Hành vi đó được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, thỏa mãn thú vui của xác thịt v.v...Tất cả những hành vi này chưa tới mức cấu thành tội phạm như: Hiếp dâm, cưỡng dâm và không thuộc trường hợp dâm ô với người dưới 16 tuổi, mà chỉ xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Ví dụ: Một bọn lưu manh bắt một cô gái mà chúng nghi là cô này đã báo cho Công an bắt chúng về hành vi tụ tập đánh bạc ăn tiền, rồi đưa cô gái này đến một đoạn đường vắng lột trần truồng thay phiên nhau có hành vi dâm ô với cô gái rồi thả cho cô gái này về nhưng không cho mặc quần áo.

Đó là hành vi cố ý hạ thấp nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc làm mất uy tín, nhân cách của người đó đối với người thân trong gia đình, bạn bè, cơ quan hay nơi họ sinh sống, nơi công cộng. 

Hành vi làm nhục người khác có thể được thực hiện công khai trước mặt người đó hoặc vắng mặt nạn nhân nhưng người phạm tội có ý thức để cho nạn nhân biết việc lăng nhục đó vì động cơ cá nhân. Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực như: bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế đe dọa buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình, nhưng tất cả các hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác. Trường hợp nếu hành vi làm nhục còn vì mục đích thực hiện tội phạm khác thì người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội làm nhục người khác lẫn cả tội phạm khác đó.

Nạn nhân là người bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự. Việc xác định như thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng cũng là một vấn đề khá phức tạp, bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau, nhưng có người bị thấy nhục hoặc rất nhục, nhưng có người lại thấy bình thường, không thấy bị nhục. Về phía người phạm tội cũng có nhận thức tương tự như vậy, họ cho rằng với hành vi như thế thì người bị làm nhục sẽ nhục hoặc rất nhục, nhưng người bị hại lại thấy chưa bị nhục.

Những chuẩn mực này, nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác được mà phải kết hợp với các yếu tố như: trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình v.v... Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục.

Nếu hành vi làm nhục người khác dẫn đến nạn nhân tự sát thì coi đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu nạn nhân có quan hệ lệ thuộc vào người phạm tội mà do hành vi làm nhục dẫn đến nạn nhân tự sát thì người phạm tội không bị truy cứu về tội làm nhục người khác mà phạm tội bức tử (Điều 130 Bộ luật Hình sự). Nếu nạn nhân có quan hệ lệ thuộc vào người phạm tội, bị người phạm tội làm nhục nhưng không tự sát thì bị truy cứu về tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự).

Tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm người khác.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội làm nhục người khác là bất kì ai có năng lực trách nhiệm hình sự từ 16 tuổi trở lên.

Thứ nhất, chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ ai, có thể thực hiện hành vi phạm tội một mình nhưng cũng có thể là phạm tội có tổ chức. Các đồng phạm có thể cùng thực hiện hành vi làm nhục người khác (cùng là người thực hành) nhưng cũng có thể do 1 người thực hành còn các đồng phạm còn lại giữ vai trò tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức.

Thứ hai, theo Khoản 1 Điều 16 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về mọi loại tội phạm, Khoản 2 Điều này quy định một số tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Khoản 2 Điều 16 đã liệt kê các tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng không bao gồm tội phạm làm nhục người khác. Do vậy, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội làm nhục người khác là người từ đủ 16 tuổi.

Thứ ba, chủ thể của tội phạm phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi của mình.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Chủ thể thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội hoàn toàn nhận thức rõ được hậu quả xâm hại danh dự nhân phẩm của nạn nhân, và hoàn toàn mong muốn hậu quả xảy ra.

Ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn cho người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau như: để trả thù, có thể trả thù chính người bị hại hoặc cũng có thể trả thù người thân của người bị hại, để thỏa mãn thú vui xác thịt.

3. Các tình tiết định khung hình phạt cụ thể

a) Phạm tội 02 lần trở lên.

Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội làm nhục người khác từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

b) Đối với 02 người trở lên.

Đối với từ 02 người trở lên là trường hợp nạn nhân làm nhục là từ 02 người trở lên. Trường hợp này, người phạm tội đã làm nhục nhiều người, cũng gây ảnh hưởng đến nhiều người.

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Đây là trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định theo luật định hoặc được các cơ quan, tổ chức tổ nhiệm, giao nhiệm vụ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để làm nhục người khác.

Ví dụ cấp trên lợi dụng chức vụ của mình mà làm nhục cấp dưới ở cơ quan.

d) Đối với người đang thi hành công vụ.

Người thi hành công vụ là người được các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội giao cho một nhiệm vụ cụ thể và thực hiện nhiệm vụ đó, như cán bộ đi thu thuế, cảnh sát giao thông kiểm tra xe để đảm bảo an toàn giao thông v.v...

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

Người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình bao gồm thầy cô, bố mẹ, ông bà, cha mẹ nuôi, anh chị em, cô dì chú bác, bác sĩ, y tá đã và đang chữa bệnh cho mình. Đây là những người mà đánh lý người phạm tội phải biết ơn thậm chí có nghĩa vụ chăm sóc lại nhưng lại thực hiện hành vi làm nhục họ. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược thuần phong mỹ tục, đạo đức “uống nước nhớ nguồn” từ xưa đến nay của dân tộc.

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

Hiện nay, mạng internet là phương tiện truyển tải thông tin nhanh nhất. Những vụ làm nhục người khác khi bị quay video và đăng trên các trang mạng xã hội sẽ lan tràn nhanh chóng, khó kiểm soát cũng như ngăn chặn làm cho nhiều người càng biết và càng xâm phạm nặng nề đến nhân phẩm danh dự của nạn nhân.

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên.

Căn cứ để đánh giá mức độ thương tích, mức độ rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân là kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

h) Làm nạn nhân tự sát.

Đây là trường hợp nạn nhân bị làm nhục chịu sự tổn thương nặng nề, xấu hổ với mọi người xung quanh, chịu tủi nhục nên không muốn tiếp tục sống để phải chịu đựng ánh nhìn của mọi người xung quanh nên đã tự sát.

Nếu hành vi tự sát không xuất phát từ nguyên nhân nạn nhân bị người phạm tội làm nhục mà xuất phát từ nguyên nhân khác thì người phạm tội không phải chịu tình tiết tăng nặng này.

4. Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội làm nhục người khác

Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định 04 khung hình phạt áp dụng đối với tội làm nhục người khác như sau:

- Khung hình phạt phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

- Khung hình phạt phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

- Khung hình phạt phạt tù từ 02 năm đến 05 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

- Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nhìn vào 03 khung hình phạt chính quy định tại Khoản 1,2,3 Điều 155 Bộ luật Hình sự, người phạm tội theo khoản 1,2 có mức hình phạt cao nhất là 03 năm tù; Khoản 3 Điều này có mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù. Theo Điều 9 Bộ luật Hình sự quy định về phân loại tội phạm thì tội phạm thực bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1,2 Điều 155 Bộ luật Hình sự thuộc tội phạm ít nghiêm trọng còn tội phạm bị truy cứu theo Khoản 3 Điều 155 thì thuộc tội phạm nghiêm trọng.

5. Vụ án thực tế xét xử về tội làm nhục người khác

Bản án số 04/2021/HSST ngày 09/03/2021 “V/v xét xử bị cáo Mai Văn L phạm tội làm nhục người khác” của Tòa án Nhân dân thị xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình.[1]

Mai Văn L và chị Phan Thị Huyền A có mối quan hệ tình cảm từ năm 2018 cho đến khoảng cuối năm 2019 thì chia tay. Trong thời gian yêu nhau, L đã nhiều lần đến phòng trọ của chị A tại quận Th2, thành phố Đ và sử dụng điện thoại di động OPPO của mình để quay video cảnh chị A đang khỏa thân, bán khỏa thân (Không mặc quần) rồi chụp ảnh một số cảnh chị A đang khỏa thân, bán khỏa thân sau đó lưu vào máy điện thoại. Sau khi chia tay, do bức xúc vì nghĩ mình bị chị A lừa dối nên L đã nhiều lần đăng tải công khai lên mạng xã hội facebook các dòng trạng thái kèm theo hình ảnh, video nhạy cảm của chị A và gửi hình ảnh, video cảnh chị A khỏa thân, bán khỏa thân đến tài khoản facebook của bạn bè, người quen của chị A. Trong khoảng thời gian từ tháng 01 đến tháng 10 năm 2020, L đã thực hiện hành vi này trên 06 lần. Cụ thể:

- Lần thứ nhất: Do có suy nghĩ chủ tài khoản facebook “Võ Tuấn” đang có quan hệ tình cảm với chị A nên vào khoảng tháng 01 năm 2020 (Ngày không xác định), L đã sử dụng tài khoản facebook tên “Đẹp” của mình và giả danh là vợ của người khác để nhắn tin đến tài khoản facebook “Võ Tuấn” với nội dung tin nhắn nhằm mục đích nói xấu, bêu rếu danh dự, nhân phẩm của chị A. Sau đó, chủ tài khoản facebook “Võ Tuấn” đã chụp ảnh màn hình cuộc đối thoại tin nhắn trên và gửi cho chị A.

- Lần thứ hai: Vào ngày 14/02/2020, L sử dụng tài khoản facebook “Phan Được” của mình để đăng tải công khai lên trang cá nhân dòng trạng thái với nội dung “Phan Thị Huyền A sdt 098889xxxx hoc đa năng ae can gọi nhé”(ý  là: Phan Thị Huyền A, số điện thoại 098889xxxx, học Đà Nẵng, anh em cần gọi nhé), đính kèm là 06 ảnh liên quan đến chị A, trong đó có 01 ảnh chụp hình ảnh chị A trong tình trạng bán khỏa thân (Không mặc quần); 01 ảnh chụp cảnh chị A mang áo màu vàng có bàn tay sờ vào ngực của chị A và 03 ảnh chụp màn hình tin nhắn giữa tài khoản facebook “Đẹp” với tài khoản facebook “Võ Tuấn” với nội dung chị A đã cướp chồng, phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác.

- Lần thứ ba: Ngày 01/4/2020, L đã sử dụng tài khoản facebook “Duyên Ngọc” của mình để gửi nhiều đoạn video, hình ảnh chị A đang khỏa thân, bán khỏa thân đến tài khoản facebook “Sáu Phan”. Nội dung các đoạn video đều ghi lại cảnh chị A trong tình trạng khỏa thân, bán khỏa thân (Không mặc quần); các ảnh chụp màn hình video chụp lại cảnh khỏa thân, bán khỏa thân của chị A.

- Lần thứ tư: Ngày 16/5/2020, L sử dụng tài khoản facebook “Duyên Ngọc” của mình đăng tải công khai lên trang cá nhân dòng trạng thái với nội dung “Minh ko ngờ loại con gai đi phá vỡ hp cũng HP được rồi la con cho thứ 13 đây là gái quang bình nhe np học trường Duy tân tên Phan Thi huyền A no lừa ko biết Bao nhiêu người rồi nhìn cũng dễ thương mà sao song cho vậy ko biết ai biết nha nó ở chỗ nào q bình cho minh xinh địa chi nhé em Xinh cảm ơn a”(ý là: Mình không ngờ loại con gái đi phá vỡ hạnh phúc cũng hạnh phúc được rồi, là con chó thứ 13, đây là gái Quảng Bình nhé, nó học trường Duy Tân tên Phan Thị Huyền A, nó lừa không biết bao nhiêu người rồi, nhìn cũng dễ thương mà sao sống chó vậy, không biết ai biết nhà nó ở chỗ nào Quảng Bình không cho mình xin địa chỉ nhé, em xin cảm ơn ạ), đính kèm là 04 ảnh liên quan đến chị A, trong đó có 01 ảnh chụp hình ảnh chị A trong tình trạng bán khỏa thân (Không mặc quần); 01 ảnh chụp hình ảnh chị A trong tình trạng bán khỏa thân (Không mặc quần), nhưng dùng khăn lau, che phần thân dưới; 01 ảnh chụp chân dung và 01 ảnh chụp cảnh chị A dựa vai một người khác.

- Lần thứ năm: Ngày 21/8/2020, L sử dụng tài khoản facebook tên “Duyên Ngọc” của mình đăng tải công khai lên tin bạn bè của trang cá nhân dòng trạng thái với nội dung “Gái xinh đẹp Quang bình Phan Thị Huyền A”(ý là: Gái xinh đẹp Quảng Bình Phan Thị Huyền A), đính kèm là 01 đoạn video dài 56 giây, ghi lại cảnh chị A trong tình trạng bán khỏa thân (Không mặc quần) đi từ trong nhà vệ sinh ra, rồi dùng khăn lau bộ phận sinh dục. Trong nền video L đã chèn thêm dòng chữ màu vàng nội dung “Phan Thị Huyền A 098889xxxx aj cân lhe 500k”(ý là: Phan Thị Huyền A, 098889xxxx, ai cần liên hệ 500.000 đồng).

- Lần thứ sáu: Ngày 06/10/2020, L sử dụng tài khoản facebook “Sự Thật” gửi nhiều đoạn video, hình ảnh chị A đang khỏa thân, bán khỏa thân đến tài khoản facebook “Thanh H2” của anh Phan Thanh H2 (Là người yêu và cũng là chồng sắp cưới của chị A). Nội dung các đoạn video đều ghi lại cảnh chị A trong tình trạng khỏa thân, bán khỏa thân (Không mặc quần); các ảnh chụp màn hình video chụp lại cảnh khỏa thân, bán khỏa thân của chị A. Sau khi nhận được tin nhắn này thì anh H2 đã chụp ảnh màn hình cuộc nhắn tin trên rồi gửi cho chị A.

Vì bị L bôi nhọ, làm nhục mình trên mạng xã hội facebook làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần nên ngày 06/10/2020, chị Phan Thị Huyền A đã làm đơn tố cáo đề nghị xử lý hình sự đối với hành vi của Mai Văn L.

Tại Kết luận giám định của Sở Văn hóa -Thể thao tỉnh Quảng Bình kết luận: “07 (Bảy) file video được lưu trữ trong 01 (Một) cái USB và 04 (Bốn) ảnh mà Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình gửi giám định thuộc văn hóa phẩm đồi trụy”.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của chị A, làm ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, gây bất bình trong quần chúng nhân dân. Bản thân bị cáo là người có đầy đủ năng lực để nhận thức và điều khiển hành vi của mình nhưng đã nhiều lần đăng tải những hình ảnh nhạy cảm của người khác trên mạng xã hội.Vì vậy, cần áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự để xử phạt nghiêm khắc đối với bị cáo nhằm đảm bảo răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của  bị cáo và mang tính phòng ngừa chung.

Vì lẽ đó, Tòa án Nhân dân Thị xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình đã tuyên bố: Bị cáo Mai Văn L phạm tội“Làm nhục người khác”, xử phạt bị cáo Mai Văn L 12(Mười hai) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng.

Thời hạn tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (09/3/2021). Giao bị cáo Mai Văn L cho UBND phường B1, thị xã B1,tỉnh Quảng Bình giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì áp dụng theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Luật Hoàng Anh

 

 

 

 


 

[1]  https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta701448t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 23/06/2021.

 

 

Luật Sư Phạm Thị Thu Hà

Chuyên viên pháp lý Trịnh Thị Chình

Luật Sư Nguyễn Thị Ngàn

Luật Sư Vũ Khánh Hiếu

Luật Sư Nguyễn Thùy Dung

Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Mai Hương

Luật Sư Lê Tiến Thành

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diệu Quỳnh

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Thu Hiền

Luật Sư Đào Hồng Sơn

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HIỆP - Những con số biết nói

Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, Luật sư Nguyễn Đình Hiệp có sự am hiểu sâu sắc hệ thống pháp luật Việt Nam và triển khai thành công rất nhiều các vụ việc như:

2

Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại

2

Tư vấn cấp Giấy phép viễn thông cho doanh nghiệp Việt Nam

8

Tư vấn pháp lý thường xuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiêu biểu như Công ty CP Tập đoàn Bình Minh, Công ty CP DV Viễn thông Hải Phòng

10

Tư vấn, xử lý thu hồi công nợ và khởi kiện/khởi tố các đối tượng có nợ khó đòi

10

Tư vấn pháp lý đầu tư, giấy phép, chuyển nhượng các dự án khoáng sản. Tiêu biểu như Dự án khai thác Khoáng sản của Công ty khoáng sản An Vượng tại huyện Đà Bắc tỉnh Hoà Bình (50ha).

15

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư mở rộng sản xuất. Tiêu biểu như Dự án sản xuất 50 triệu sản phẩm điện tử thanh toán Công ty TNHH ST Vina (Hàn Quốc); Dự án mở rộng quy mô sản xuất của Công ty TNHH RFTech Việt Nam lên 20 triệu đô la Mỹ;

20

Tư vấn hợp đồng chuyển giao công nghệ và thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ (hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)

20

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư bất động sản. Tiêu biểu như Dự án khu nghỉ dưỡng tại Vịnh Lan Hạ, thành phố Hải Phòng (30ha); Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Avana Mai Chau Hideway, tỉnh Hòa Bình (32ha)

30

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong các lĩnh vực. Tiêu biểu như Dự án nhà máy sản xuất của Công ty Mass Well Limited, Công ty Modern Shine Limited tại Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình

300

Tư vấn hồ sơ công bố sản phẩm, hồ sơ phòng cháy chữa cháy, hồ sơ an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký mã số mã vạch, đăng ký/thông báo website…

500

Tư vấn bảo hộ nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế

700

Tư vấn, thực hiện các thủ tục, giấy phép con như: Giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp phép tạm trú cho người nước ngoài, Giấy phép trung tâm ngoại ngữ, Giấy phép ngành dược, Giấy phép quảng cáo…

2000

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp mới, chi nhánh, văn phòng đại diện trên cả nước; các thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp trên cả nước

3000

Tư vấn các vụ việc ly hôn, chia tài sản, quyền nuôi con; chia thừa kế; tranh chấp đất đai; tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư vấn miễn phí ngay Chat với luật sư