2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một hành vi thường thấy trong cuộc sống hàng ngày, thủ đoạn lừa đảo càng ngày càng tinh vi, hành vi này không chỉ xâm phạm đến tài sản của người bị hại mà còn gây mất trật tự an toàn xã hội. Do đó, pháp luật hình sự đã đặt ra quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điều 174 Chương XVII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối.
Tội xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Quyền sở hữu tài sản của con người gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.
Quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Người chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu do được uỷ quyền, được giao mà không kèm theo việc chuyển quyền sở hữu thì việc thực hiện các quyền chiếm hữu chỉ được thực thi trong phạm vi giới hạn của các hành vi và theo thời gian mà chủ sở hữu cho phép.
Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất của tài sản trong phạm vi pháp luật cho phép. Việc sử dụng tài sản là một trong những quyền quan trọng và có ý nghĩa thực tế đối với chủ sở hữu.
Quyền định đoạt là quyền năng của chủ sở hữu để quyết định về “số phận” của tài sản, có thể là trưng bày, lưu giữ, tiêu dùng hết, huỷ bỏ..., hoặc cũng có thể là bán, cho, tặng,...
Điều 105 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 quy định về tài sản:
“Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Quyền sở hữu tài sản được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015.
Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền sở hữu tài sản của con người và các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ sở hữu của con người.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin đó là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối. Tội này được thực hiện bằng phương thức bí mật chiếm đoạt tài sản và do đó:
Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện ở hai hành vi: hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Trong đó hành vi gian dối là điều kiện để thực hiện việc chiếm đoạt còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi gian dối.
Gian dối là hành vi đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Thủ đoạn để thực hiện rất đa dạng có thể qua lời nói, sử dụng giấy tờ giả, giả danh người có chức vụ, quyền hạn... Hành vi gian dối trong tội này là nhằm chiếm đoạt tài sản, những hành vi lừa dối nhằm mục đích khác, dù mục đích này có tính tư lợi cũng không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hành vi chiếm đoạt trong tội lừa đảo là hành vi chuyển tài sản của người khác thành tài sản của mình bằng thủ đoạn lừa dối.
Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy từng trường hợp cụ thể mà thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Người bị hại là người mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin và không ít người do tham lam nên mới tạo điều kiện để cho người phạm tội lừa được.
Tội phạm được hoàn thành khi hành vi chiếm đoạt tài sản đã xảy ra. Một người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi giá trị của tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) trở lên hoặc giá trị dưới 2.000.000 đồng nếu thỏa mãn thêm điều kiện luật định.
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (Tội cướp giật tài sản), 173 (Tội trộm cắp tài sản), 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản). Như vậy, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ ai, người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Tội phạm có thể được thực hiện bởi cá nhân hoặc cũng thế có do nhiều nhiều người cùng thực hiện.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Cố ý trực tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Tức là người phạm tội biết rõ tài sản mà hắn lừa đảo là tài sản của người khác và mục đích của người phạm tội là muốn chiếm đoạt và biến tài sản của người khác thành tài sản của mình.
Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp rồi mới có ý định chiếm đoạt thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng như: tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Điều 174 Bộ luật Hình sự quy định 05 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:
- Khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
Theo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP về việc áp dụng một số quy định các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự, bị coi là "đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt", nếu trước đó đã bị xử lý bằng một trong các hình thức sau đây về hành vi chiếm đoạt, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý mà lại thực hiện một trong các hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính;
+ Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệnh, Điều lệ của lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền.
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Các tội quy định tại nội dung này gồm:
- Điều 168 - Tội cướp tài sản
- Điều 169 - Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
- Điều 170 - Tội cưỡng đoạt tài sản
- Điều 171 - Tội cướp giật tài sản
- Điều 172 - Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
- Điều 173 - Tội trộm cắp tài sản
- Điều 175 - Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
- Điều 290 - Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Đây là trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra tại nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến nhiều người, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Việc lừa đảo nhằm chiếm đoạt phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc gia đình họ là hành vi gián tiếp dồn bị hại và gia đình họ vào hoàn cảnh khó khăn, không có phương tiện để kiếm sống, không thể đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết phục vụ cuộc sống.
- Khung hình phạt phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
a) Có tổ chức;
Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản.
Người tổ chức trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như đối với người tổ chức trong các vụ án khác, họ cũng là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, người tổ chức trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản chủ yếu là người vạch kế hoạch, chỉ huy việc thực hiện kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản.
Người xúi giục trong vụ án là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức trong vụ án là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện hành vi phạm tội.
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính cho mình và có từ 5 lần trở lên phạm tội.
Khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở đây không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống.
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
Tài sản bị lừa đảo chiếm đoạt có thể là tiền. Trường hợp tài sản là vật, người phạm tội phải chịu tình tiết định khung tăng nặng này khi giá trị quy đổi của vật bị chiếm đoạt tương đương từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
d) Tái phạm nguy hiểm;
Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
Như vậy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường trước đây họ đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc trước đây họ đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà nay lại tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
Chủ thể thực hiện hành vi đe dọa là người có chức vụ quyền hạn, lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, quản lý trong Bộ máy chính trị, hành chính Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Quyền hạn của chủ thể này có thể do pháp luật định hoặc do các cơ quan, tổ chức giao cho họ để thi hành nhiệm vụ.
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Đây là trường hợp người phạm tội sử dụng phương pháp tinh vi, gian dối cao làm cho mọi người dễ lầm tưởng đó không phải lừa đảo nhưng thực chất hành vi đó là để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Khung hình phạt phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Quy định này giống với quy định về giá trị tài sản ở khung hình phạt trên, tuy nhiên giá trị tài sản ở khung hình phạt này cao hơn, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cũng cao hơn.
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Thiên tai, dịch bệnh là hoàn cảnh khó khăn, là yếu tố khách quan bên ngoài không ai mong muốn. Lúc này, mọi người đang tập trung vào công tác khắc phòng chống thiên tai mà người phạm tội lại lợi dụng thời điểm khó khăn này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị hại.
- Khung hình phạt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại trường hợp quy định giá trị tài sản phần trên, chỉ khác ở chỗ giá trị tài sản bị chiếm đoạt là từ 500.000.000 đồng trở lên. Đây là tài sản có giá trị đặc biệt lớn, nên người phạm tội phải chịu khung hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, hoặc tù chung thân.
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp là thời điểm đất nước cần toàn thể nhân dân chung tay, giải quyết vấn đề chiến tranh hay tình trạng khẩn cấp. Vậy mà người phạm tội lại lợi dụng thời điểm này để thực hiện tội phạm. Do đó, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cao hơn những trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông thường.
- Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bản án số 126/2021/HSST ngày 14/6/2021 “V/v xét xử Bùi Trần Trung H và Đào Thị Lệ G tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.[1]
Bùi Trần Trung H và Đào Thị Lệ G có quan hệ tình cảm với nhau, vào khoảng 01 giờ ngày 25/6/2020, sau khi đi chơi cùng bạn bè, H và G đến nhà nghỉ S, địa chỉ: đường B, Phường C, thành phố Đ do chị Phan Thị Kiều D làm chủ để thuê một phòng nghỉ thì được dẫn lên Phòng 1 của nhà nghỉ, đến khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày thì thức dậy. Lúc này, do không còn tiền tiêu xài, H nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt xe mô tô của nhà nghỉ để đi cầm cố lấy tiền tiêu xài, H bàn với G thì G đồng ý. Sau đó, H và G xuống quầy tiếp tân hỏi thuê xe mô tô của chị D, do khi cho thuê phòng, chị D có giữ giấy chứng minh nhân dân của G nên chị D không nghi ngờ gì và đồng ý đưa xe mô tô hiệu Honda Wave màu đen –bạc, biển số: 79N1-578.00 cho G và H thuê. Sau khi nhận được xe mô tô của chị D, H điều khiển xe mô tô chở G đi lòng vòng thành phố Đ rồi chở G xuống địa bàn huyện Đức Trọng –Lâm Đồng để cầm cố cho một người quen của H (H không biết tên tuổi địa chỉ cụ thể) với giá 2.000.000 đồng. Sau khi cầm xe, H và G đi lang thang ở nhiều địa phương và đã tiêu xài hết số tiền trên, đến ngày 08/3/2021 thì bị Công an huyện Đ, Lâm Đồng bắt giữ theo quyết định truy nã.Tại cơ quan Công an, Bùi Trần Trung H và Đào Thị Lệ G đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Bị hại: Chị Phan Thị Kiều D, sinh năm:1995, Đường A, phường C, thành phố Đ, Lâm Đồng bị chiếm đoạt 01 xe mô tô hiệu Honda Wave màu đen –bạc, biển số: 79N1-578.00.
Xét tính chất của hành vi phạm tội mà các bị cáo là liều lĩnh xem thường pháp luật. Cố ý thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Việc các bị cáo bị phát hiện và bị bắt giữ là ngoài ý muốn của các bị cáo, vì vậy tiếp tục cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để các bị cáo có điều kiện rèn luyện, tu dưỡng nhằm trở thành con người có ích cho bản thân và xã hội như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa cũng như có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.Trong vụ án này có hai bị cáo cùng thực hiện hành vi phạm tội là cùng lừa đảo chiếm đoạt xe mô tô của chị D, tuy nhiên đây chỉ là đồng phạm giản đơn.
Về tình tiết định khung hình phạt: Tài sản các bị cáo chiếm đoạt của chị D là 01 xe mô tô hiệu Wave màu đen –bạc, biển số: 79N1-578.00. Ngày 24/9/2020 Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố Đ kết luận xe mô tô trên có giá trị là 7.000.000 đồng. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đ truy tố về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với khung hình phạt quy định tại Khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
Vì lẽ đó, Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng quyết định tuyên bố bị cáo Bùi Trần Trung H và bị cáo Đào Thị Lệ G phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xử phạt: Bị cáo Bùi Trần Trung H 12 (mười hai) tháng tù. Bị cáo Đào Thị Lệ G 09 (chín) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị bắt 8/3/2021.
Luật Hoàng Anh
[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta729165t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 17/07/2021.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh