Tội phá rối an ninh là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:54 (GMT+7)

Tội phá rối an ninh quy định tại Điều 118 BLHS

An ninh quốc gia là một vấn đề hết sức quan trọng, là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Việt Nam muốn phát triển bền vững cần có nền tảng an ninh vững mạnh. Vì lẽ đó, người có hành vi phá rối an ninh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

1. Căn cứ pháp lý

Điều 118 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về Tội phá rối an ninh như sau:

Điều 118. Tội phá rối an ninh

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 112 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Tội phạm này có mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt cơ bản là 15 năm tù, theo Điều 09 Bộ luật hình sự tội rất nghiêm trọng có khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm. Do đó, Tội phá rối an ninh là tội phạm rất nghiêm trọng.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội phá rối an ninh

2.1. Khách thể của tội phạm

Khoản 1 Điều 3 Luật an ninh quốc gia số: 32/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 quy định:

An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, Đại hội XIII của Đảng ta xác định: Vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: An ninh mạng; khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; an ninh tài chính - tiền tệ; an ninh năng lượng; an ninh lương thực; an ninh môi trường, dịch bệnh; thậm chí cũng cần phải bàn đến “an ninh chính quyền”, “an ninh chế độ”…

Lần đầu tiên, Đại hội XIII của Đảng đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng. Đại hội XIII xác định: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”, do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân.[1]

Tội phá rối an ninh là những hành vi kích động, lôi kéo tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của cơ quan Nhà nước hay tổ chức xã hội nhằm chống chính quyền nhân dân. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, gián tiếp gây hại đến an ninh con người.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm         

Hành vi được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phá rối an ninh gồm 04 loại hành vi sau đây:

- Kích động, lôi kéo tập hợp nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội là loại hành vi của những tên chủ mưu, cầm đầu, xúi giục. Bọn tội phạm thường lợi dụng những thiếu sót của cán bộ ta trong việc thi hành chính sách, pháp luật, lợi dụng tôn giáo, sự lạc hậu của quần chúng để kích động, tập hợp nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội không thể tiến hành bình thường, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ví dụ, tập hợp nhiều người biểu tình (không có vũ trang) hoặc đưa đơn kiến nghị, yêu sách chính quyền giải quyết vấn đề gì đó hoặc đấu tranh không cho thu mua lương thực, thu thuế, không cho xây dựng công trình,...

- Tham gia phá rối an ninh là hành vi của người đồng phạm với tên chủ mưu, cầm đầu, xúi giục, biết rõ việc tụ tập với những người khác nhằm phá rối an ninh, cản trở nhân viên Nhà nước, Bộ đội, Công an thi hành nhiệm vụ, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội nhưng họ vẫn tham gia. Khác với tội bạo loạn, hành vi phá rối an ninh tuy có nhiều người tham gia nhưng không dùng sức mạnh có tính chất vũ trang hoặc bạo lực có tổ chức công khai tấn công trụ sở chính quyền, lực lượng vũ trang nhân dân, làm suy yếu chính quyền nhân dân mà chỉ gây mất an ninh địa phương, gây khó khăn, trở ngại cho người thi hành công vụ.

- Chống người thi hành công vụ là hành vi bằng các thủ đoạn (như: bắt giữ, dùng vũ lực tấn công người thi hành công vụ,...) đe doạ, cưỡng bức họ làm trái pháp luật,... Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn tiếp xúc với nhân dân để giải quyết các công việc có liên quan đến chức trách của mình như Công an, Thuế vụ, Hải quan, Bộ đội,....

- Cản trở hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội là hành vi gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Cũng giống với các tội khác thuộc Chương XIII – Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Chủ thể của tội phá rối an ninh là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự (đầy đủ cả năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi). Người phạm tội có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài hay người không quốc tịch.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý và mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân: gây rối an ninh chính trị, gây khó khăn cho việc thi hành công vụ của nhân viên Nhà nước, tổ chức xã hội, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Người phạm tội hoàn toàn nhận thức được mức độ nguy hiểm cho hành vi đối với an ninh quốc gia, nhưng vẫn mong muốn để nó xảy ra.

Dấu hiệu mục đích là căn cứ để phân biệt tội phạm này với việc làm của những người do lạc hậu, bất mãn mà gây rối trật tự công cộng, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước nhưng không có mục đích chống chính quyền nhân dân. Những hành vi đó sẽ cấu thành những tội phạm khác (gây rối trật tự công cộng - Điều 318 Bộ luật hình sự hoặc tội chống người thi hành công vụ - Điều 330 Bộ luật hình sự).

3. Hình phạt đối với người phạm tội phá rối an ninh

Điều 118 Bộ luật hình sự quy định 03 khung hình phạt gồm 02 khung hình phạt chính và một khung hình phạt bổ sung áp dụng trong trường hợp chuẩn bị phạm tội.

02 khung hình phạt chính áp dụng đối với trường tội phạm hoàn thành. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi. Nghĩa là người phạm tội khi đã thực hiện một trong những hành vi giống hành vi được miêu tả trong mặt khách quan của tội phạm phân tích trên đây được coi là tội phạm hoàn thành và chịu hình phạt như sau:

- Khung hình phạt cơ bản phạt tù từ 05 năm đến 15 năm áp dụng đối với người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức.

- Khung hình phạt giảm nhẹ phạt tù từ 02 năm đến 07 năm  áp dụng với các đồng phạm khác ví dụ như người giúp sức trong vụ án đồng phạm phá rối an ninh.

Theo Điều 14 Bộ luật hình sự, chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm. Như vậy trường hợp chuẩn bị thực hiện các hành vi phạm tội phá rối an ninh nêu trên sẽ bị áp dụng khung hình phạt phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

4. Vụ án thực tế tội phá rối an ninh

Chiều ngày 31/7/2020, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc phiên xét xử vụ án phá rối an ninh đối với 8 bị cáo gồm Nguyễn Thị Ngọc H, Hoàng Thị Thu V, Đỗ Thế H, Hồ Đình C, Ngô Văn D, Trần Thanh P, Đoàn Thị H và Lê Quý L.

Các bị cáo là những người thường xuyên tiếp xúc với các trang mạng xã hội có nội dung xấu, từ đó nảy sinh tư tưởng bất mãn với chính quyền rồi tham gia nhóm kín “Hiến Pháp", phổ biến sai lệch nội dung các quyền được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, họ tham gia livestream, xem các video clip kêu gọi xuống đường biểu tình lật đổ chế độ Cộng sản Việt Nam của các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài. Khi được bên ngoài hứa hẹn tài trợ kinh phí, vật chất để thực hiện việc chống phá Nhà nước Việt Nam, các đối tượng tập hợp nhau lại thành một nhóm, tổ chức 2 cuộc họp lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ, kêu gọi tài trợ, chuẩn bị công cụ, phương tiện là hung khí, công cụ hỗ trợ, tân dược, thực phẩm chức năng để tổ chức một cuộc biểu tình dự kiến vào ngày 4/9/2018 từ Ngã sáu Phù Đổng (quận 1) vào khu vực Nhà thờ Đức Bà.[2]

Theo kế hoạch, nếu bị lực lượng chức năng trấn áp thì nhóm này sẽ lôi kéo người dân cùng tham gia. Nguyễn Thị Ngọc H đã nhận và phân phát hung khí là 66 cây roi điện tự chế cho các thành viên tham gia, Hồ Đình C đã làm ra 4 vòng xoắn có đầu nhọn và hướng dẫn các thành viên khi tham gia biểu tình thì đeo vào ngón tay, hướng đầu nhọn ra ngoài làm hung khí để chống trả lực lượng chức năng nếu bị trấn áp. Tuy nhiên, cuộc bạo động này chưa diễn ra thì cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn.[3]

Các hành vi trên của bị cáo là hành vi xâm phạm đến trật tự an ninh quốc gia, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, chế độ Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa. Các bị cáo hoàn toàn nhận thức được mục đích của hành vi này là chống phá nhà nước, nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của hành vi đối với xã hội nhưng vẫn quyết tâm thực hiện. Như vậy, các bị cáo đã phạm tội phá rối an ninh theo quy định tại Điều 118 Bộ luật hình sự.

Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Thị Ngọc H 8 năm tù, Hoàng Thị Thu V  7 năm tù về tội “Phá rối an ninh”. Cùng tội danh, ba bị cáo Đỗ Thế H, Ngô Văn D, Lê Quý L bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 5 năm tù. Hồ Đình C lãnh 4 năm 6 tháng tù, Trần Thanh P 3 năm 6 tháng tù, Đoàn Thị H lãnh 2 năm 6 tháng tù.

Luật Hoàng Anh


[1] http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Phat-huy-suc-manh-thoi-dai-trong-bao-ve-an-ninh-quoc-gia/427020.vgp

[2] http://cand.com.vn/Ban-tin-113/Pha-roi-an-ninh-8-doi-tuong-lanh-hon-40-nam-tu-605260/

[3] https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/tuyen-an-thanh-vien-cua-nhom-kin-hien-phap-ve-toi-pha-roi-an-ninh-1491868098

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư