Tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:08 (GMT+7)

Tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy quy định tại Điều 247 BLHS

MỤC LỤC

MỤC LỤC

1. Căn cứ pháp lý

Điều 247 thuộc Chương XX Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:

“Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

2. Dấu hiệu pháp lý của tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy

2.1. Khách thể của tội phạm

Đối tượng tác động của tội phạm này là là cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma túy.

Cây hoa anh túc (hay cây thuốc phiện) có nguồn gốc từ Hy Lạp, thường được trồng nhiều ở châu Á và châu Âu. Đây là loài cây thân thảo, có chiều cao từ 1 – 1,6m với tuổi thọ kéo dài khoảng 2 năm. Toàn thân có màu lục, thân mềm, mọc thẳng, rễ ở dạng phân nhánh. Lá cây có hình bầu dục, nhiều tua và mọc xung quanh thân cây.

Hoa to, mọc đơn độc ở ngọn thân và đầu cành, có màu trắng, tím hoặc đỏ vàng và thường nở vào tháng 3. Còn quả thường ra vào tháng 5, ban đầu có màu xanh nhưng càng về già thì càng có màu nâu đen. Nhựa từ quả gọi là thuốc phiện sống.

Nhựa thuốc phiện thường dùng để hút. Lúc đầu hút vào thấy có sự khoái lạc, tạo cảm giác hưng phấn, làm giảm đau nhức, mệt mỏi. Nhưng càng hút thì càng ngày càng phải tăng liều mới đạt được cảm giác như lần trước. Dần dần người hút bị suy sụp, mất hết nghị lực, ý chí và cả cảm giác không còn. Hơn thế, ở người sử dụng ma tuý hút thuốc phiện còn xuất hiện các biến chứng như: viêm dạ dày, viêm ruột mãn tính, táo bón dai dẳng, phát ban ngoài da, tiểu tiện ra abumin, thường hay bị sưng phổi, mạch đập chậm và không đều. Nguy hiểm hơn là khi không có thuốc, người sử dụng ma tuý phải nạo xái trong ống thuốc ra để hút, hút xái độc hơn vì nó có khoảng 80 - 90% chất morphin.

Cây Côca là loài cây bụi, có tên khoa học là Erythroxylon coca, thường mọc thành bụi hoặc thân mộc ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới (ở độ cao từ 500 đến 2000 mét trên mực nước biển). Lá cây Côca có thể thu hoạch trong 20 năm.

Lá cây Côca thường được nhai sống hoặc nấu thành nước chè tươi như để uống. Theo truyền thống văn hóa của các nước khu vực Nam Mỹ, người dân ở đây thường nhai lá cây Côca cùng với một ít tro kiềm làm chất kích thích ngon miệng và tăng cường khả năng chịu đựng khi sống ở trên độ cao. Từ lá cây Côca chiết xuất được Côcain.

Côcain là một ancaloit được chiết xuất từ lá cây côca hay tổng hợp từ hợp chất ecgonin cùng các dẫn xuất của nó. Tên hóa học của hợp chất này gọi là cocain hydroclorua.

Côcain là chất kích thích hệ thần kinh trung ương rất mạnh. Hiện nay nó đang được sử dụng ngoài mục đích y tế để tìm cảm giác khoan khoái, đê mê hay làm tỉnh ngủ. Do nhận thức sai lầm nên nhiều người đã sử dụng hợp chất này để tập trung làm việc hoặc nghiên cứu nhiều ngày liền không cần ngủ. Sử dụng liên tục côcain có thể sẽ gây nên tình trạng nghiện.

Cần sa hay còn gọi là cây Gai dầu, cây Gai mèo, cây Đai ma, Bồ đà... Cần sa là một loại ma túy lấy từ cây dầu gai có tên là Cannabis Sativa.

Về mặt sinh lý, người hút thấy choáng váng, tai lùng bùng, đầu nhẹ lâng lâng nhưng tay chân thì có cảm giác nặng hơn, cảm thấy đói và thèm ngọt (thích ăn kẹo).

Về mặt tinh thần, người hút cần sa trước hết có cảm giác lo lắng, bồn chồn - đặc biệt đối với người mới dùng lần đầu - nhưng rất nhanh chóng đạt được cảm giác sảng khoái, kích thích và có sự rối loạn trong suy nghĩ, trí nhớ, rất dễ cười mà không kiểm soát được. Sau đó là đến các ảo giác, người hút cần sa có cảm tưởng tay chân mình dài ra, nhìn cảnh vật xung quanh thấy hình dạng méo mó, những gì ở xa trở thành gần.

Ngoài các loại cây phổ biến kể trên, vẫn còn một số loại cây khác chứa chất gây nghiện quy định trong Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ ban hành quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy là hành vi trồng các loại cây nếu trên. Luật Phòng, chống ma tuý số 73/2021/QH14 của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 30/3/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó:

“Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.”

Như vậy, khách thể của tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy là chế độ quản lý của Nhà nước về việc trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy và phải thỏa mãn một trong những điều kiện:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

Hành vi “trồng” nhất thiết phải là hành động và được biểu hiện nhiều dạng khác nhau như: làm đất, gieo hạt, ươm cây, chăm bón. Một người có thể thực hiện hết các việc trong quá trình trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý, nhưng cũng có thể chỉ thực hiện một hoặc một số việc, nhưng đều với mục đích là nhằm trồng được cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý. Nếu vì lý do khách quan mà người trồng cây thuốc phiện, cây côca, cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma tuý không thu hoạch được sản phẩm là chất ma túy như ý muốn thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma tuý.

Tuy nhiên, cây thuốc phiện (cây anh túc) khi ra hoa và hoa anh túc cũng là một loại hoa đẹp, nếu người trồng cây thuốc phiện không nhằm mục đích thu hoạch được nhựa thuốc phiện, mà chỉ nhằm thu hoạch hoa để bán như các loài hoa khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, nhưng phải có biện pháp giáo dục để chấm dứt việc trồng cây thuốc phiện lấy hoa vì nó cũng là mầm mống của hành vi phạm tội nếu không kiểm soát chặt chẽ và trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc loại bỏ việc trồng cây thuốc phiện.

Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống.

Đã được giáo dục 02 lần là đã được cơ quan Nhà nước, tổ chức, cũng như những người có trách nhiệm ở địa phương vận động, thuyết phục, nhắc nhở từ hai lần trở lên về việc không được trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý hoặc phổ biến đường lối chính sách cũng như các quy định của pháp luật về việc cấm trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

Đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống là đã được hỗ trợ về vốn để sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực thay thế cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm là trước đó đã có lần trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý và đã bị xử phạt một trong các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, nay lại trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

Đã bị kết án về tội này tức là trước đây đã bị xử phạt hình sự, bị kết án phạm tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, chưa hết thời hạn xóa án tích đã lại tiếp tục trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

Đây là trường hợp trồng một số lượng cây lớn, coi việc trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa là công việc để kiếm sống. Việc trồng số lượng cây lớn như vậy sẽ làm một lượng lớn chất ma túy có mặt trên thị trường, xâm phạm đến chế độ quản lý của nhà nước về ma túy, xâm phạm đến định hướng loại bỏ hoàn toàn ma túy khỏi đất nước của Đảng và Nhà nước, gây mất trật tự an ninh an toàn xã hội. Trường hợp trồng số lượng cây dưới 500 cây chưa gây ra hậu quả đáng kể để phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hậu quả của hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý gây ra là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội, nhưng chủ yếu là những thiệt hại phi vật chất như: làm cho chính sách xoá bỏ việc trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý của Nhà nước không thực hiện được hoặc làm cho tình trạng tái trồng cây thuốc phiện hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý đã được xóa bỏ. Những thiệt hại về vật chất cũng có thể xảy ra nhưng là những thiệt hại gián tiếp như gây thiệt hại đến ngân sách dành cho việc xoá bỏ việc trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

Hậu quả của hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Hậu quả có xảy ra hay không, không có ý nghĩa định tội mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy). Như vậy, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tội phạm là người từ đủ 16 tuổi.

Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp nhiều người thực hiện cùng một tội phạm được quy định theo Điều 17 Bộ luật Hình sự:

“Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

2.4. Mặt khách quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý là do cố ý, chỉ có thể là lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý mặc dù đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống; đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình vi phạm hoặc cố tình trồng số lượng lớn cây thuốc phiện, cây cần sa, cây côca.hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

3. Hình phạt đối với người phạm tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy

Điều 247 Bộ luật Hình sự quy định 04 Khung hình phạt cụ thể đối với người phạm tội như sau:

- Khung hình phạt phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

- Khung hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có tổ chức;

Cũng như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy có tổ chức là trường hợp có nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch kế hoạch để thực hiện hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Đây là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như: Khởi xướng; phân công nhiệm vụ cho những người đồng phạm khác; điều hành, phối hợp hành vi của những người đồng phạm khác để đạt được mục đích chung là trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như: làm đất, gieo hạt, chăm bón, thu hoạch.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy: vận động người khác không thực hiện chủ trương xóa bỏ những giống cây trồng này của Đảng và Nhà nước, kích động người khác cứ trồng và nói với họ rằng những cây này có lợi hơn các cây khác; xúi giục người khác dùng tiền hỗ trợ của Nhà nước đầu tư cho việc trồng cây lương thực, cây công nghiệp để đầu tư vào việc trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy...

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như: cung cấp tiền, cung cấp cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu...; hứa với người thực hành là sẽ mua sản phẩm của họ...

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

Trường hợp này sẽ sinh ra một lượng lớn chất ma túy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ quản lý nhà nước về ma túy, gián tiếp tiếp tay cho các tội phạm khác về ma túy được thực hiện như Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy; Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy,...

c) Tái phạm nguy hiểm.

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Như vậy trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy trong trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường trước đây họ đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà đã trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy hoặc trước đây họ đã bị kết án về tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, chưa được xóa án tích mà nay lại tiếp tục trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.

- Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

- Khung hình phạt giảm nhẹ, người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

4. Vụ án thực tế xét xử về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy

Bán án số 28/2021/HSST ngày 14/4/2021 “V/v xét xử bị cáo Hạng Thị D phạm tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” của Tòa án nhân dân huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu.[1]

Khoảng tháng 11 năm 2020, Hạng Thị D (D không nhớ rõ thời gian cụ thể) trong một lần đi chợ tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu D gặp một người phụ nữ dân tộc Mông (không rõ nhân thân lai lịch). Tại đây, qua trao đổi, nói chuyện người phụ nữ này nói với D “Có  một  ít  hạt  rau  (tức  là  hạt  cây  thuốc  phiện),  có  muốn  lấy không?” D trả lời “Có, bán cho mười nghìn”, người này đồng ý rồi đưa cho D 01 gói hạt cây thuốc phiện được gói bằng túi nilon màu trắng, D cầm lấy gói hạt cây thuốc phiện, đồng thời đưa số tiền 10.000 đồng cho người phụ nữ này, bán hạt cây thuốc phiện cho D xong người phụ nữ này đi đâu D không rõ.

Mua được hạt cây thuốc phiện D mang về trực tiếp gieo trồng tại vườn rau ở lán ruộng của gia đình D thuộc bản H, xã T, huyện T. D trực tiếp gieo trồng, chăm bón, cây đã mọc có đủ các bộ phận rễ, thân, lá, một số cây đã có hoa màu tím và có quả màu xanh.

Ngày 19/01/2021, khi Hạng Thị D đang chăm sóc số cây thuốc phiện trên thì bị Công an huyện Tân Uyên tiến hành kiểm tra phát hiện bắt quả tang, thu giữ của Hạng Thị D 619 cây thuốc phiện, có đủ các bộ phận rễ,thân, lá, một số cây đã có hoa màu tím và có quả màu xanh. 

Cùng ngày 19/01/2021,Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Tân Uyên đã tiến hành thành lập hội đồng mở niêm phong, xác định số lượng, lấy mẫu vật giám định và niêm phong vật chứng.

Kết quả: Số cây thuốc phiện có đầy đủ bộ phận rễ, thân, lá một số cây đã có hoa màu tím và có quả màu xanh có tổng số: 619 cây thu giữ của Hạng Thị D.

Tại Kết luận giám định số 610/C09-TT3 ngày 26/02/2021 của Viện khoa học hình sự kết luận: “Toàn bộ rễ, thân, lá, hoa và quả gửi giám định là cây thuốc phiện (Anh túc, A phiến) có tên khoa học là: Papaver somniferum L. Thuộc họ Anh túc. Họ Anh túc có tên khoa học là Papaveraceae Juss”.

Bị cáo Hạng Thị D là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc trồng cây thuốc phiện là vi phạm pháp luật. Hành vi đó là nguy hiểm cho xã hội, có tính chất ít nghiêm trọng, xâm phạm đến chính sách độc quyền quản lý các chất ma tuý của Nhà nước, gây mất trật tự trị an trên địa bàn. Ý thức được điều đó nhưng bị cáo cố ý trồng 619 cây thuốc phiện để lấy nhựa sử dụng. Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định hành vi của bị cáo Hạng Thị D đủ yếu tố cấu thành tội “Trồng cây thuốc phiện” theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 247 Bộ luật Hình sự.

Vì lẽ đó, Tòa án nhân dân huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu quyết định:

Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Hạng Thị D phạm tội "Trồng cây thuốc phiện".

Về hình phạt: Xử phạt bị cáo 06 (Sáu) tháng tù, trừ 03(Ba) ngày tạm giữ còn lại bị cáo  phải chấp  hành 05 (Năm) tháng 27 (Hai  mươi  bảy) ngày tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành hình phạt.

Luật Hoàng Anh


[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta699221t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 22/7/2021.

Luật Sư Phạm Thị Thu Hà

Chuyên viên pháp lý Trịnh Thị Chình

Luật Sư Nguyễn Thị Ngàn

Luật Sư Vũ Khánh Hiếu

Luật Sư Nguyễn Thùy Dung

Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Mai Hương

Luật Sư Lê Tiến Thành

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diệu Quỳnh

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Thu Hiền

Luật Sư Đào Hồng Sơn

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HIỆP - Những con số biết nói

Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, Luật sư Nguyễn Đình Hiệp có sự am hiểu sâu sắc hệ thống pháp luật Việt Nam và triển khai thành công rất nhiều các vụ việc như:

2

Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại

2

Tư vấn cấp Giấy phép viễn thông cho doanh nghiệp Việt Nam

8

Tư vấn pháp lý thường xuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiêu biểu như Công ty CP Tập đoàn Bình Minh, Công ty CP DV Viễn thông Hải Phòng

10

Tư vấn, xử lý thu hồi công nợ và khởi kiện/khởi tố các đối tượng có nợ khó đòi

10

Tư vấn pháp lý đầu tư, giấy phép, chuyển nhượng các dự án khoáng sản. Tiêu biểu như Dự án khai thác Khoáng sản của Công ty khoáng sản An Vượng tại huyện Đà Bắc tỉnh Hoà Bình (50ha).

15

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư mở rộng sản xuất. Tiêu biểu như Dự án sản xuất 50 triệu sản phẩm điện tử thanh toán Công ty TNHH ST Vina (Hàn Quốc); Dự án mở rộng quy mô sản xuất của Công ty TNHH RFTech Việt Nam lên 20 triệu đô la Mỹ;

20

Tư vấn hợp đồng chuyển giao công nghệ và thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ (hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)

20

Tư vấn pháp lý dự án đầu tư bất động sản. Tiêu biểu như Dự án khu nghỉ dưỡng tại Vịnh Lan Hạ, thành phố Hải Phòng (30ha); Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Avana Mai Chau Hideway, tỉnh Hòa Bình (32ha)

30

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong các lĩnh vực. Tiêu biểu như Dự án nhà máy sản xuất của Công ty Mass Well Limited, Công ty Modern Shine Limited tại Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình

300

Tư vấn hồ sơ công bố sản phẩm, hồ sơ phòng cháy chữa cháy, hồ sơ an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký mã số mã vạch, đăng ký/thông báo website…

500

Tư vấn bảo hộ nhãn hiệu (thương hiệu), quyền tác giả, sáng chế

700

Tư vấn, thực hiện các thủ tục, giấy phép con như: Giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp phép tạm trú cho người nước ngoài, Giấy phép trung tâm ngoại ngữ, Giấy phép ngành dược, Giấy phép quảng cáo…

2000

Tư vấn, thành lập các doanh nghiệp mới, chi nhánh, văn phòng đại diện trên cả nước; các thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp trên cả nước

3000

Tư vấn các vụ việc ly hôn, chia tài sản, quyền nuôi con; chia thừa kế; tranh chấp đất đai; tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư vấn miễn phí ngay Chat với luật sư