2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
Chúng ta đã nghe rất nhiều đến thuật ngữ “Trách nhiệm hình sự” (sau đây gọi tắt là TNHS) nhưng trách nhiệm hình sự là gì? Trong bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ giải đáp thắc mắc trên.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau định nghĩa về trách nhiệm hình sự, có quan điểm cho rằng: “Trách nhiệm hình sự là việc thực hiện chế tài pháp lý hình sự, phát sinh từ khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội”[1] hay một quan điểm khác lại cho rằng: “Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc phạm tội, kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự và được thể hiện trước hết ở việc kết án của Tòa án, nhân danh Nhà nước, đối với người phạm tội”[2] và còn nhiều quan điểm khác nữa. Tựu chung lại, TNHS là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lí bất lợi về hành vi phạm tội của mình. Vậy một câu hỏi nữa đặt ra, đó là “dựa vào đâu mà con người phải chịu TNHS?” hay “Cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự là gì?”, hãy cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo của bài viết này.
Điều 2 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định cơ sở của trách nhiệm hình sự như sau:
"Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự
1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Điều 2 Bộ luật hình sự đã quy định rõ 02 cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự.
Một là, chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, vấn đề chịu TNHS của cá nhân chỉ đặt ra khi người đó thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm.
Hai là, chỉ pháp nhân thương mạ PNTM) nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 quan niệm PNTM là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Cùng với đó, Điều 8 BLHS 2015 quy định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS 2015, PNTM thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý hành vi xâm hại đến đối tượng mà luật hình sự bảo vệ. Do đó, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của luật hình sự Việt Nam, quy định về cơ sở TNHS đối với PNTM đã được ghi nhận, đồng thời đây chính là “tuyên bố” mang tính nền tảng, tiền đề để các nhà làm luật quy định những vấn đề khác trong nội dung TNHS đối với pháp nhân của BLHS năm 2015. Nhấn mạnh hơn, về vấn đề này, rõ ràng “hành vi, lỗi của người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện cũng được coi là hành vi, lỗi của pháp nhân[3]. Tuy vậy, các nhà làm luật cũng thấy rằng, PNTM thực hiện các tội quy định tại điều 76 mới phải chịu TNHS.
Luật Hoàng Anh
[1] Xem:Xamosenko I.X.Pharksin M.Kh. Trách nhiệm theo pháp luật Xô Viết, Matxcova, 1971, tr. 61 (tiếng Nga).
[2] Xem: Zagaroddnhikov N. I. “Về giới hạn trách nhiệm hình sự”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật Xô viết, 1967, số 7, tr.39-40 (tiếng Nga); Tkatrevxki Iu. M. “Trách nhiệm hình sự và cơ sở của trách nhiệm hình sự” – Trong sách: Luật hình sự Xô viết (Phần chung), Nxb. ĐHTH Maxcova, 1981, tr.29 (tiếng Nga).
[3] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-doi-voi-phap-nhan-thuong-mai-pham-toi, truy cập 13/5/2020;
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh