Vật chứng là gì? Vật chứng được BLTTHS năm 2015 quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:08 (GMT+7)

Bài viết trình bày về khái niệm, đặc trưng của vật chứng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Vật chứng là một trong các nguồn chứa đựng chứng cứ. Vật chứng bao gồm vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết phạm tội; vật là đối tượng của tội phạm; tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Vật chứng phải được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập kịp thời, đầy đủ và bảo quản theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về vật chứng được quy định như sau:

“Điều 89. Vật chứng

Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”

2. Những đặc trưng của vật chứng

Khái niệm vật chứng: là vật được dùng làm công cụ phạm tội là những vật mà kẻ phạm tội sử dụng để tác động trực tiếp vào đổi tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: dao, súng trong các vụ án giết người, cố ý gây thương tích…

- Vật chứng tồn tại dưới dạng vật thể, có thể ở thể rắn, thể lỏng hoặc thể khí. Do tác động của môi trường nên vật chứng có thể bị thay đổi, biến dạng hoặc bị hủy hoạt, cho nên các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần chú ý trong quá trình phát hiện, thu giữ, bảo quản và xử lý vật chứng (như phân hủy, thối rữa, bay hơi…)

- Vật chứng chứa đựng thông tin phản ánh hành vi phạm tội và vụ án nên có giá trị làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự, cũn như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết vụ án.

- Vật chứng được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập, bảo quản, xử lý theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định.

Vật chứng được làm công cụ, phương tiện phạm tội. Công cụ phạm tội là vật mà người phạm tội được sử dụng để tác động trực tiếp vào đối tượng tác động của tội phạm nhằm xâm hại đến khách thể được BLHS bảo vệ; phương tiện phạm tội là vật, tuy không trực tiếp tác động vào đối tượng tác động của tội phạm, nhưng được sử dụng vào quá trình thực hiện phạm tội như phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện bảo quản.

Một vật có thể là phương tiện phạm tội trong vụ án này, nhưng có thể được coi là công cụ phạm tội trong một vụ án khác. Chẳng hạn như, xe máy mà kẻ phạm tội sử dụng đến địa điểm để thực hiện trộm cắp tài sản được coi là phương tiện phạm tội trong vụ án trộm cắp tài sàn, nhưng nó có thể được coi là công cụ phạm tội trong vụ án cướp giật.

Vật mang dấu vết của tội phạm là những đồ vật mang dấu vết phản ánh quá trình thục hiện tội phạm, che giấu tội phạm như dấu vân tay, vân chân để lại trong các đồ đạc đã bị lục soát, dấu vết chân, giày, dép trên nền nhà, dấu vết sinh học như dấu vết máu, lông, tóc, sợi, các chất bài tiết trên quần áo hoặc thủ phạm nạn nhân. Hay người phạm tội để lại hiện trường gồm: súng, dao, lưỡi lê, các công cụ khác được dùng để giết người; thang được dùng để trèo vào nhà để trộm cắp tài sản; thuốc độc để đầu độc; phương tiện liên lạc, vận tải được dùng làm phương tiện phạm tội...

Vật chứng là đối tượng của tội phạm, tiền đề hoặc vật khác. Đó là những vật thể cụ thể mà tội phạm nhằm hướng đến để tấn công, chiếm đoạt như ô tô bị đập phá, xe máy bị trộm, cướp tiền, vàng, ngoại tệ bị cưỡng đoạt. Vật cụ thể bị tội phạm tác động làm thay đổi tình trạng bình thường qua đó gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được BLHS bảo vệ. Sự làm biến đổi tình trạng bình thường của các đối tượng này có thể do những hành vi khác nhau gây ra như hành vi chiếm đoạt, hành vi chiếm giữ, hành vi sử dụng trái phép, hành vi hủy hoại hay hành vi làm hư hỏng. Các vật khác phản ánh các tình tiết liên quan đến vụ án, góp phần giải quyết đúng đắn vụ án.

Những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án như: tiền bạc, tài sản có được bằng con đường phạm tội... cũng được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định là vật chứng.

Vật chứng là nguồn chứng cứ chứa đựng những thông tin phản ánh về những vấn để phải chứng minh và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết nhanh chóng, chính xác, đúng đắn vụ án hình sự. Tuy nhiên, vật chứng lại tồn tại dưới dạng vật thể, chịu sự tác động cùa nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nên dễ bị biến đổi, hư hỏng, lẫn lộn, mất mát. Vì vậy, vật chứng phải dược bảo quản theo trình tự quy định tại khoản 1 Điều 90 để đảm bảo tính nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và hư hỏng.

Như vậy, trong các loại nguồn chứng cứ thì vật chứng có vai trò đặc biệt. Sự kiện thực tế khách quan và nguồn phản ánh cùng tồn tại ở vật chứng. Đây là điểm khác biệt của vật chứng với các loại nguồn chứng cứ khác. Vật chứng tồn tại dưới dạng vật chất cho nên tiến hành thu giữ kịp thời, đầy đủ, bảo quản tốt thì những thông tin do vật chứng xác định sẽ đảm bảo khách quan. Nếu để vật chứng mất mát, hư hỏng thì không thể thay thế bằng vật khác được. Thông thường, vật chứng xác định chứng cứ trực tiếp có giá trị chứng minh rất cao, giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư