An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động là người giúp việc gia đình như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:02 (GMT+7)

Bài viết giải thích về vấn đề đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động là người giúp việc gia đình \

1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Theo Khoản 1 Điều 68 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015 và Điểm a, Điểm b Khoản 5 Điều 98 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, người sử dụng lao động có 02 trách nhiệmvề an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động là người giúp việc gia đình:

1.1. Hướng dẫn cách sử dụng máy, thiết bị, đồ dùng, các biện pháp phòng, chống cháy, nổ trong gia đình có liên quan đến công việc của người lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động trong quá trình làm việc

Điều kiện làm việc của người lao động giúp việc gia đình là nhà của người sử dụng lao động, người sử dụng lao động là chủ thể có hiểu biết nhất về điều kiện làm việc, và môi trường làm việc nơi mà người lao động sẽ thực hiện công việc. Việc hướng dẫn cách sử dụng máy, thiết bị, đồ dùng, các biện pháp phòng, chống cháy, nổ trong gia đình có liên quan đến công việc của người lao động không chỉ nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người lao động, mà còn đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người sử dụng lao động và gia đình người sử dụng lao động.

Các phương tiện bảo vệ cá nhân được quy định tại Điều 3 Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bao gồm phương tiện bảo hộ đầu, mắt, mặt, thính giác, cơ quan hô hấp, tay, chân, ngã cao, điện từ trường, chống chết đuối và các loại phương tiện bảo vệ cá nhân khác. Đối với người lao động giúp việc cho gia đình, người giúp việc cho gia đình có thể không tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, có hại như ở các nơi làm việc khác nhưng không có nghĩa là không tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, độc hại. Ví dụ: Nhà của người sử dụng lao động bao gồm phần để ở và phần để kinh doanh karaoke, người lao động là giúp việc của gia đình thường xuyên phải chịu tiếng ồn từ việc kinh doanh karaoke của người sử dụng lao động, nên cũng cần phải được trang bị các phương tiện bảo hộ thính giác.

1.2. Thực hiện các chế độ có liên quan đến bảo đảm an toàn và chăm sóc sức khỏe của lao động là người giúp việc gia đình

Người sử dụng lao động đối với người lao động giúp việc gia đình thì vẫn có trách nhiệm về vệ sinh, an toàn lao động như đối với người lao động bình thường. Khi người lao động bị tai nạn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường, trợ cấp, chi trả chi phí y tế cho người lao động theo quy định tại Điều 38, Điều 39 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015. Theo đó, người lao động được chi trả chi phí điều trị, chữa bệnh bởi bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, các phần không được bảo hiểm chi trả thì người sử dụng lao động phải chi trả. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng phải trả lương cho người lao động trong thời gian điều trị, cũng như tiến hành bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp.

Xem thêm:

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 1)

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 2)

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 3)

Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động như thế nào?

2. Trách nhiệm của người lao động là người giúp việc gia đình

Theo Khoản 2 Điều 68 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015 và Điểm c Khoản 5 Điều 98 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ, người lao động là người giúp việc gia đình có trách nhiệm

- Chấp hành đúng hướng dẫn sử dụng máy, thiết bị, đồ dùng và phòng, chống cháy, nổ: Do người sử dụng lao động đã có trách nhiệm hướng dẫn người lao động thực hiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, cũng như bố trí các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động nếu cần thiết, người lao động cũng có trách nhiệm phải thực hiện đúng theo chỉ dẫn, hướng dẫn của người sử dụng lao động. Nếu có bất kỳ tai nạn, sự cố gây mất an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc của người lao động (nhà của người sử dụng lao động) mà do người lao động gây ra do không tuân thủ đúng hướng dẫn của người sử dụng lao động thì người lao động phải chịu trách nhiệm với toàn bộ tai nạn cũng như bồi thường cho người sử dụng lao động nếu có thiệt hại xảy ra.

- Đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường của hộ gia đình, dân cư nơi cư trú của người sử dụng lao động: Các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh nơi ở tại các khu vực là khác nhau. Ví dụ: Ở khu dân cư A, người dân phải đổ rác tại khu vực đổ rác chung của khu dân cư để mỗi ngày có người đến gom rác, nhưng khu dân cư B mỗi tầng có 01 thùng rác, mọi người phải đổ rác vào thùng rác trong tầng và có người thu gom rác của từng tầng. Người lao động là giúp việc phải chú ý các vấn đề này để đảm bảo an toàn, vệ sinh chung của cộng đồng, không chỉ với gia đình người sử dụng lao động.

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư