An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động nhận công việc về làm tại nhà như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:02 (GMT+7)

Bài viết giải thích về vấn đề an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động nhận công việc về làm tại nhà

1. Người lao động làm việc tại nhà

Theo Điều 167 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

Điều 167. Người lao động nhận công việc về làm tại nhà

Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nhận việc về làm tại nhà.”

Theo quy định trên, người lao động nhận công việc về làm tại nhà bao gồm:

- Người lao động vốn thực hiện công việc theo hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại nơi làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên vì một số lý do, người lao động và người sử dụng lao động để người lao động nhận việc về làm tại nhà. Ví dụ: Trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về việc làm tại nhà và thực hiện các hoạt động liên lạc, giao công việc qua internet.

- Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về địa điểm làm việc là tại nhà khi giao kết hợp đồng lao động. Ví dụ: Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về công việc đóng gói giấy tại nhà, người lao động được trả lương theo sản phẩm.

2. Trách nhiệm khai báo tai nạn lao động

Theo Khoản 2 Điều 69 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, chủ thể có trách nhiệm khai báo tai nạn lao động khi người lao động nhận công việc làm tại nhà là của 02 chủ thể: người lao động và thân nhân người lao động. Nguyên nhân do nơi xảy ra tai nạn lao động là nhà của người lao động, vì vậy chỉ có thể có người lao động hoặc gia đình của người lao động biết về tai nạn. Người sử dụng lao động không thể biết được người lao động gặp tai nạn lao động nếu không được 02 chủ thể này thông báo.

Đối với trường hợp tai nạn nghiêm trọng, người sử dụng lao động (sau khi được thông báo từ người lao động hoặc gia đình người lao động), phải tiến hành khai báo lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý lao động (Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) như trường hợp thông thường, theo Điều 34 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015.

3. Chế độ tai nạn lao động của người lao động nhận công việc làm tại nhà

3.1. Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trong trường hợp người sử dụng lao động có đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động và người lao động cũng đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ bảo hiểm thì người lao động được hưởng chế độ như sau:

- Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng), mức trợ cấp dựa trên thời gian, mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động cũng như mức độ suy giảm lao động.

- Tiền để mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, phục vụ chỉnh hình căn cứ vào thương tật, bệnh tật và chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉnh hình.

- Trợ cấp phục vụ nếu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khiến người lao động không thể tự sinh hoạt, phục vụ bản thân (suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, mù cả hai mắt,…)

- Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho thân nhân của người lao động

- Hỗ trợ học phí chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại lao động (không quá 50% học phí)

3.2. Chế độ từ người sử dụng lao động

Theo Khoản 2 Điều 69 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, trường hợp người lao động bị tai nạn lao động không là người thuộc diện phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người lao động như sau:

- Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động (trong phạm vi khả năng của người sử dụng lao động)

- Thanh toán chi phí y tế, sơ cứu, cấp cứu cho người lao động

- Trả đủ tiền lương cho người lao động nghỉ việc trong thời gian chữa trị, phục hồi do tai nạn lao động

- Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp đúng hạn theo quy định của pháp luật

- Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra đúng hạn theo quy định của pháp luật

- Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động

- Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Chi tiết xem thêm:

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 1)

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 2)

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như thế nào? (Phần 3)

4. Trách nhiệm quản lý của người sử dụng lao động

Theo Khoản 3 Điều 69 Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015, người sử dụng lao động có các trách nhiệm:

- Kiểm tra việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động nhận công việc về làm tại nhà: Việc kiểm tra được thực hiện một cách linh hoạt nhưng đảm bảo không xâm phạm nơi ở của người lao động.

- Thực hiện cam kết trong thỏa thuận với người lao động nhận công việc về làm tại nhà: Khi người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về thực hiện công việc tại nhà, người sử dụng lao động phải có các cam kết cơ bản về chế độ cho người lao động nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như vấn đề bảo hiểm.

- Báo cáo tai nạn lao động xảy ra khi làm việc tại nhà của người lao động cùng với báo cáo chung về tai nạn lao động lên cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội): Người sử dụng lao động ngoài khai báo với các cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước khi xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc có 02 người lao động bị thương nặng trở lên thì cũng phải đưa phần báo cáo về tai nạn lao động của người lao động nhận công việc làm tại nhà vào báo cáo chung về tai nạn lao động cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý vì người lao động dù có làm việc tại nhà thì vẫn là người lao động mà người sử dụng lao động có trách nhiệm quản lý, điều hành cũng như đảm bảo các quyền lợi tối thiểu về an toàn, vệ sinh lao động.

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư